Tại TP HCM, lượng người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp cao nhất vào quý II (13.000-16.000 người) và có xu hướng giảm dần trong 2 quý cuối năm.
Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm, thuộc Sở Lao động và Thương binh xã hội TP HCM, tính chung 11 tháng, số người nhận trợ cấp thất nghiệp trên 135.000 (chủ yếu trong độ tuổi 25-40), vượt năm ngoái 35%. Trong đó, ngành may mặc, da giày biến động mạnh nhất. Đây là những ngành thường xuyên giảm lao động với số lượng lớn.
"Chỉ khoảng 1-2% người đi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp thuộc dạng có thu nhập cao, còn phần lớn là lao động phổ thông, ở lĩnh vực cần nhiều nhân công", ông Thắng cho biết.
Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cũng cho thấy, nhu cầu lao động ngành dệt may, da giày trong quý IV giảm 43% so với quý III và giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Đây là một trong 5 nhóm ngành tuyển dụng ít nhất ở quý cuối cùng của năm.
Nếu như mọi năm, gần Tết, các doanh nghiệp ồ ạt tuyển lao động thời vụ để đẩy mạnh sản xuất, hoàn tất đơn hàng thì năm nay, nhiều công ty ngưng tuyển thêm, thậm chí còn giảm bớt nhân lực. Do đó, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TP HCM dự kiến, dệt may, da giày sẽ thiếu lao động sau Tết. Một bộ phận sẽ ở lại quê, không quay lại TP HCM. Ông Nguyễn Cao Thắng cho biết khoảng 17% số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp bỏ về quê, tăng 2% so với năm ngoái.
Người lao động đang nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM. Ảnh: Phương Nga |
Nhu cầu tìm đến bảo hiểm thất nghiệp ngày càng cao, song ông Thắng khẳng định không có hiện tượng vỡ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bởi từ năm 2009 đến nay, quỹ bảo hiểm thất nghiệp toàn quốc kết dư trên 16.000 tỷ đồng. Nhà nước còn dự định dùng quỹ này để hỗ trợ nâng cao chất lượng, tay nghề người lao động, đồng thời cho doanh nghiệp vay để duy trì hoạt động kinh doanh.
Theo ghi nhận của VnExpress vào sáng 19/12, hàng chục người có mặt tại Trung tâm giới thiệu việc làm, quận Bình Thạnh để làm thủ tục nhận trợ cấp. Nhiều người mới nghỉ việc vài ngày, vài tuần mà không cố nán đến sang năm để hưởng khoản thưởng Tết.
Chị Yến, nhân viên kế toán một công ty xây dựng ở quận Bình Thạnh chia sẻ: "Lãnh đạo nói năm nay làm ăn khó khăn nên chẳng thể thưởng. Với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng như tôi phải cân nhắc lắm mới đủ chi tiêu, giờ lại không có thưởng nên tôi quyết định về quê. Tuy lương ít hơn, nhưng chi phí không đắt đỏ như ở Sài Gòn".
Ngồi chờ đến lượt để nộp mẫu đăng ký, anh Xuân, 42 tuổi, là công nhân của công ty vậy liệu xây dựng cho biết không hối hận khi nghỉ việc thời điểm này và sẽ dốc hết vốn liếng để mở sạp buôn bán nhỏ. "Công ty tôi năm nay giảm lương, giảm người làm trong khi khối lượng không việc lại tăng lên. Đội của tôi giờ chỉ còn vài công nhân nên kham không xuể", anh nói.
Mai Phương