Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia. Ảnh: PV |
- Theo số liệu công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 4 tháng đầu năm, cả nước đã có khoảng 14.000 doanh nghiệp phá sản hoặc dừng hoạt động. Ông nhìn nhận như thế nào về con số này?
- Tôi thật sự lo lắng nếu con số này là đúng trên thực tế. Khi đó, đời sống của người lao động bị thất nghiệp sẽ gặp khó khăn. Nhưng tôi không bi quan, vì khi triển khai thực hiện Nghị Quyết 11/NQ-CP với giải pháp trọng tâm thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ theo hướng kiểm soát cung tiền và hạn mức tín dụng sẽ có một số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản.
Vấn đề quan trọng hiện nay là Chính phủ cần có một đánh giá cụ thể nguyên nhân, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp bị phá sản và ngừng hoạt động để điều chỉnh chính sách hợp lý.
- Những nguyên nhân khiến doanh nghiệp "chết" đã được mổ xẻ nhiều. Nhưng theo ông nguyên nhân quan trọng nhất là do đâu?
- Tôi cho rằng, sau một thời gian dài chúng ta chạy theo tăng trưởng cao và theo chiều rộng, chính sách tài khóa liên tục bội chi với tỷ lệ cao trên 5% GDP. Đầu tư công dàn trải không hiệu quả. Nợ công tăng nhanh trên 52% GDP, trong khi chinh sách tiền tệ nới lỏng với mức tăng dư nợ bình quân trong giai đoạn 2000-2010 lên tới 29,4% một năm. Cùng với đó là nhập siêu liên tục với tỷ lệ cao trên 20% kim ngạch xuất khẩu, dự trữ ngoại hối suy giảm nghiêm trọng, lạm phát tăng cao và kéo dài trong 5 năm, tiền đồng mất giá nghiêm trọng,..
Do đó, khi Chinh phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô hơn là tăng trưởng (chính sách tài khóa phải chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cắt giảm và tăng giám sát đầu tư công…) khiến các doanh nghiệp đi theo dự án đầu tư công bị ngừng trệ hoặc phá sản.
Mặt khác, chính sách tiền tệ chặt chẽ theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm pháp, ổn định tỷ giá nên cung tiền và tín dụng tăng có giới hạn (năm 2011 khoảng 12%), lãi suất tăng cao… Từ đó tác động đến các doanh nghiệp có tỷ số nợ cao, chi phí trả lãi nhiều hơn, hạn chế món vay mới, sức mua trong nước và thế giới bị thu hẹp kéo hàng tồn kho tăng lên... làm chi phí đầu vào đắt đỏ dẫn đến thua lỗ và phá sản.
Một nguyên nhân nữa là tình hình thị trường bất động sản bị đóng băng và giảm sút, nên các doanh nghiệp có mối quan hệ với ngành vật liệu xây dựng, bất động sản,.. cũng gặp khó khăn.
Ngoài ra còn do nhiều yếu tố như: thành lập ảo, hoạt động theo thương vụ, mang tính môi giới, tổ chức quản trị kém, sử dụng vốn sai mục đích vay ngắn hạn đầu tư dài hạn, đầu tư dàn trải trái nghề (làm thủy sản nhưng lấy vốn vay làm bất động sản). Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không dự báo được hết những biến động vĩ mô, cạnh tranh hàng hóa của Trung Quốc và các nước khác vào thị trường nước ta, điều chỉnh tăng các loại giá chủ lực như điện, xăng dầu làm tăng chí phí sản xuất, trong khi sức mua giảm...
- Rất nhiều tiếng kêu cứu đã được phát đi từ phía doanh nghiệp. Theo ông cần có giải pháp gì để giúp họ?
- Tôi nghĩ đã đến lúc Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Cụ thể nên tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế VAT đến cuối năm 2012. Giảm hoặc tạm ngưng thu các loại phí và lệ phí dự định thu trong thời gian tới.
Ngoài ra, chúng ta cần có chính sách để khuyến khích đầu tư mới, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, khuyến khích tiêu dùng hợp lý. Bên cạnh gói hỗ trợ về thuế, chinh sách tiền tệ sẽ được vận hành linh hoạt hơn, điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu, theo lạm phát cơ bản như Thống đốc đã từng phát biểu và đang tiến hành.
Trên cơ sở mục tiêu lạm phát của kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 là 5-7% vào năm 2015, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cần mạnh dạn công bố định hướng chính sách lãi suất thời gian tới sẽ tiếp tục giảm sâu. Theo đó, lãi suất huy động nên hướng về mức 7-8% một năm, lãi suất cho vay 10-12% mỗi năm. Có như vậy mới khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến máy móc thiết bị, tăng năng suất lao động.
Trường hợp, nếu do nguyên nhân khách quan phải tăng lãi suất thì Chính phủ có thể cấp bù chênh lệch lãi suất. Bằng cách này, doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn đầu tư, còn người dân thì an tâm vay tiêu dùng mua nhà trả góp với lãi suất thấp và ổn định, góp phần nâng cao đời sống người lao động.
- Nhiều quan điểm cho rằng, một mặt phải có biện pháp hỗ trợ để cứu doanh nghiệp, nhưng mặt khác phải kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%. Hai mục tiêu này có vẻ mâu thuẫn nhau. Ý kiến ông thế nào?
- Quý I cho thấy nền kinh tế đang đình đốn, với những bất ổn tiềm ẩn. Tuy nhiên, để giải quyết mối nguy này, kinh tế Việt Nam đang đứng trước hai mâu thuẫn lớn: Để kiểm soát lạm phát thì tăng trưởng tín dụng và cung tiền cần phải giữ ở mức thấp, nghĩa là tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong việc huy động vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh. Trong khi, vấn đề cũng khá cấp bách hiện nay là phải cứu doanh nghiệp.
Theo tôi, các giải pháp vĩ mô mà Chính phủ triển khai thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, lạm phát đã giảm tốc, trong 4 tháng đầu năm 2012, tăng bình quân 0,6% mỗi tháng. Bội chi ngân sách thấp, nhập siêu giảm sâu 4 tháng chỉ có 176 triệu USD, cải thiện cán cân thanh toán tổng thể từ thâm hụt sang thặng dư góp phần tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Tỷ giá suốt những tháng qua ổn định làm tăng niềm tin ở tiền đồng. Thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trước nguy cơ đổ vỡ cuối năm 2011.
Vì vậy, Việt Nam cần kiên định “toa thuốc” Nghị quyết 11 với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cần uống thêm thuốc bổ hỗ trợ doanh nghiệp và an sinh xã hội.
Muốn vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó quá trình tái cơ cấu ngân hàng cần thực hiện nhanh và hiệu quả để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém để khơi thông nguồn vốn. Khi có điều kiện thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất huy động và giảm lãi vay. Ngoài ra, các nhà băng phải cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp có khả năng tồn tại.
Song song đó là tái cơ cấu đầu tư đặc biệt là đầu tư công theo hướng tập trung, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và minh bạch tài chính của các tổng công ty nhà nước. Đây là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn góp phần tiết kiệm chi ngân sách đến mức có thể được để giảm sâu bội chi ngân sách theo kế hoạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ trên, chúng ta có thể cùng lúc đạt hai mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ở mức hợp lý 5-6% một năm.
Lệ Chi
> Trình Chính phủ gói giải pháp cứu doanh nghiệp