Thị trường nhà đất mảng dự án đang chùng xuống, giá cả đi ngang và ít giao dịch song khu đất trên đường Nguyễn Hữu Thọ gần cầu Kênh Tẻ, quận 7, TP HCM đang nóng lên. Cuộc chạy đua dự án giữa Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng Thanh Bình (Thanh Bình) và Công ty cổ phần xây dựng và phát triển Hoàng Anh (HAGL) đang tăng nhiệt từng ngày.
Theo quy hoạch, đây là khu vực được duyệt là nhà cao tầng có vị trí mặt tiền đắc địa tại quận 7. Điều đáng chú ý là khu đất "vàng" xuất hiện đến hai dự án riêng biệt của Thanh Bình phủ lên dự án của HAGL.
Trên thực tế, ngày 10/11/2007 khu đất này đã được UBND TP HCM thuận địa điểm và cho Thanh Bình thực hiện dự án cao tầng với phương thức tự thỏa thuận bồi thường, tái định cư với người sử dụng đất tại đây. Trước đó, Công ty Thanh Bình đã phải trình nhiều cấp thẩm quyền bản đồ vị trí, ranh giới khu đất...
Ngay sau khi được thành phố thuận địa điểm, đơn vị này đã từng bước tiến hành đền bù. Tính đến tháng 9 năm nay, Thanh Bình đã thu hồi xong toàn bộ khu I và 2 hộ dân của khu II, tức 60% trên tổng diện tích toàn dự án và chỉ còn chờ quy hoạch chung 1/2000 sẽ xin phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Dự án HAGL dự kiến xin cấp phép trên khu đất hơn 35.000 ha đang bị quận 7 bác đơn vì nằm trong khuôn viên Công ty Thanh Bình làm chủ đầu tư. Ảnh: Vũ Lê. |
Khúc mắc phát sinh khi HAGL cũng xuất trình 16 hồ sơ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, trong đó có 2 hồ sơ là đất nông nghiệp đã thu mua tại khu vực này. Số hồ sơ trên đều là các vị trí đẹp thuộc một phần đất khu II của dự án và có mốc thời điểm chuyển nhượng sớm hơn thời gian Thanh Bình được thuận chủ trương. Hiện nay HAGL đã tiến hành rào chắn và san lấp mặt bằng trên phần đất này. Song, khi xin dự án tại đây, HAGL bị UBND quận 7 bác đơn và Sở Tài nguyên môi trường TP HCM xác nhận làm chưa đúng quy định.
Phản ảnh của đại diện Công ty Thanh Bình, sở dĩ quá trình đền bù giải tỏa bị kéo dài đến nay vẫn chưa xong và doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng vì có sự chen vào của HAGL. Bởi lẽ, Hoàng Anh đang nắm giữ một phần đất khu II đã thu mua với giá cao ngất ngưỡng gấp ba bốn mức bình thường. Điều này đã làm cản trở quá trình đầu tư của Thanh Bình, chủ đầu tư hợp pháp đầu tiên của khu đất.
Cơ sở pháp lý mà Thanh Bình đưa ra là, doanh nghiệp này đã xin phép thực hiện dự án theo đúng quy trình của thành phố, bắt đầu từ việc xin thuận địa điểm và tiến đến đền bù, lập quy hoạch chi tiết. Theo điều 40 của Nghị định 84, khi Thanh Bình được thuận làm chủ đầu tư và từng bước thương lượng, đền bù giải tỏa, lập quy hoạch 1/500 là hoàn toàn hợp pháp. Căn cứ theo văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư dự án của thành phố, HAGL chỉ được thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án là Công ty Thanh Bình.
"Đất đai là tài sản toàn dân, doanh nghiệp muốn đầu tư ở vị trí nào đều phải xin phép và tuân thủ đúng trình tự của luật pháp và quy hoạch của TP HCM. HAGL đã tự thu mua đất lại còn san lấp, rào chắn khi chưa có giấy phép xây dựng là trái quy định", lãnh đạo Công ty Thanh Bình phân tích.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty HAGL Lê Hùng giải thích rằng, với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông có quyền mua đất đúng với chức năng kinh doanh. Lãnh đạo Công ty HAGL lật ngược vấn đề rằng ông đã mua đất từ trước khi Thanh Bình được chấp thuận địa điểm thực hiện dự án. Phần đất này đã đóng phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất và đã đăng bộ theo đúng quy định. Vì vậy, HAGL sẽ theo đi tiếp bước kế tiếp là xin duyệt dự án theo đúng quy hoạch của quận 7 và TP HCM.
Ông Hùng còn khẳng định rằng trong trường hợp không thể cùng thương lượng để dung hòa lợi ích với Thanh Bình, HAGL sẽ kiến nghị thành phố tách khu đất ra làm hai để xin duyệt dự án riêng vì không thể kéo dài thời gian chờ đợi hơn được nữa.
Xác nhận của Sở Tài nguyên môi trường TP HCM về vụ việc này, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đào Anh Kiệt từng có văn bản nói rõ Công ty HAGL đã làm chưa đúng quy định. Sở đã rất nhiều lần làm trung gian cho hai doanh nghiệp thương lượng, tự thỏa thuận nhưng đều bất thành.
Riêng Chủ tịch UBND quận 7 Võ Thị Kim Em đã trả lời bằng văn bản với Công ty HAGL: "Khu vực Công ty Hoàng Anh dự kiến đầu tư nằm trong khuôn viên dự án quy mô 35.652,6 m2 đã được UBND TP HCM thuận cho Công ty Thanh Bình làm chủ đầu tư ngày 10/11/2007. Vì vậy UBND quận 7 không thể xem xét đề nghị của đơn vị".
Chiếu theo Điều 28 Nghị định 84 trong Thông tư Liên tịch của Bộ Tài nguyên môi trường về hướng dẫn trình tự, thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, Công ty HAGL cũng đã làm chưa đúng quy định. Bởi lẽ, điều 28 ghi rõ, trước khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có văn bản gửi UBND cấp thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để xin chấp thuận về chủ trương đầu tư.
Xoay quanh xung đột quyền lợi giữa Thanh Bình và HAGL, các chuyên gia trong giới kinh doanh bất động sản cho rằng hiện Công ty Hoàng Anh đang giữ trong nay phần nạc của dự án vì vị trí khu II đẹp hơn khu I. Tương tự, những khúc xương Thanh Bình phải gặm từ nhiều năm nay để nỗ lực thực hiện dự án đang ngày càng khó "gặm". Trong trường hợp phải tách hai khu ra thành hai dự án riêng biệt nhau, Thanh Bình sẽ bị thiệt hại rất lớn do yếu thế về vị trí. Bởi lẽ, Thanh Bình chỉ mới được UBND TP HCM thuận chủ trương về địa điểm chứ chưa có trong tay quy hoạch chi tiết 1/500 thay cho giấy phép xây dựng của toàn dự án.
Từ nhiều tháng nay, Sở Tài nguyên môi trường và lãnh đạo quận 7 đã tiến hành hòa giải, cho hai doanh nghiệp thương lượng cùng góp sức thực hiện dự án. Theo đó, HAGL góp quyền sử dụng đất cùng chủ đầu tư là Công ty Thanh Bình nhưng đều bất thành nên đành chờ lãnh đạo thành phố đứng ra xử lý. Hiện UBND TP HCM chưa có quyết định cuối cùng về vụ việc này.
Khu đất gần 13.000 m2 mà HAGL đang sở hữu nằm tại góc giao lộ Nguyễn Hữu Thọ và đường số 17, áng ngữ mặt tiền, được đánh giá là vị trí đẹp nhất toàn khu đất 35.652,6 m2 do Thanh Bình làm chủ đầu tư. Cuối năm 2007, đỉnh điểm của cơn sốt đất tại TP HCM, giá đất sang nhượng tại đây dao động từ 40-50 triệu đồng mỗi m2, ước tính hơn 5.000 tỷ đồng. Mức giá này vênh nhau rất lớn đối với giá của Công ty Thanh Bình bồi thường tại dự án. |
Vũ Lê