![]() |
Thị trường ngân hàng ít chỗ cho người đến sau. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hơn 25 bộ hồ sơ của các tổ chức, cá nhân trong nước đã được gửi tới Ngân hàng Nhà nước. Đó là chưa kể những lời đề nghị không chính thức, vốn cứ tăng từng ngày khi ai cũng nhìn thấy rõ tiềm năng lợi nhuận khi nhảy vào kinh doanh ngân hàng. Đáng chú ý, có gần 10 hồ sơ của các tỉnh, thành và tổng công ty xin lập ngân hàng của riêng mình. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chưa chính thức xem xét bất cứ hồ sơ nào cho tới khi quy chế cấp phép thành lập mới ngân hàng cổ phần được ban hành và có hiệu lực.
Một nguồn tin cho hay, ban soạn thảo đã chốt lại nội dung quy chế và hoàn tất cả về câu chữ. Tuy nhiên đây là một dạng điều kiện thành lập doanh nghiệp, trong khi theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, các bộ, ngành không được tự ý ban hành thêm các điều kiện nằm ngoài luật nếu chưa được sự ủy quyền của Chính phủ. Giờ đây, Ngân hàng Nhà nước đang phải văn bản ủy quyền của Chính phủ trước khi ban hành quy chế nêu trên. |
Quy chế này lẽ ra phải được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngay trong quý I, sau gần 10 năm không cấp giấy phép cho bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng trễ hẹn, đến nay văn bản vẫn chưa thể ra đời, khiến những người đã đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng chưa thành lập như ngồi trên đống lửa.
Tất cả số hồ sơ nêu trên đều có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng, cá biệt có trường hợp đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ 5-7 trường hợp có thể được xem xét thông qua, không chỉ vì năng lực tài chính mà vì có định hướng, mục tiêu phát triển rõ ràng và đặc biệt là đội ngũ nhân sự cao cấp rất ấn tượng. Thậm chí có trường hợp có thể được xem xét cấp phép ngay cuối năm nay, dù quy mô vốn chỉ là 1.000 tỷ đồng.
Phần lớn hồ sơ còn lại sẽ bị trả về để bổ sung, hoặc thậm chí bị từ chối thông qua. Sau khi quy chế được ban hành, theo quy định, trong thời gian 3 tháng kể từ khi chính thức nhận hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thông báo trường hợp nào được thông qua, trường hợp nào không. Dự kiến quy chế sẽ được thông qua chậm nhất trong tháng này, và đến tháng 10 sẽ ngã ngũ ai là người về đích trong cuộc đua thành lập ngân hàng.
"Vấn đề đáng lo ngại ở đây chính là tình trạng mua cổ phần ảo. Có những nhà đầu tư sẵn sàng trả giá gấp rưỡi, gấp đôi thậm chí gấp 3 để mua cổ phiếu dù chưa biết rõ ngân hàng có được thành lập hay không. Tài sản của họ có thể tan thành mây khói khi ngân hàng mà họ trót đầu tư vào lại không được cấp phép thành lập", một chuyên gia ngân hàng bình luận.
Hiện tại, Việt Nam có 5 ngân hàng quốc doanh, 35 cổ phần và 6 liên doanh đang hoạt động. Giới chuyên môn cho rằng điều quan trọng lúc này là khả năng và chất lượng dịch vụ ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế và người dân, chứ không phải là số lượng bao nhiêu ngân hàng. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ chỉ cho phép thành lập thêm tối đa 10 ngân hàng và sau đó sẽ để thị trường quyết định sự tồn tại và phát triển của từng đơn vị.
Song Linh