Mở cửa sáng nay, Tập đoàn DOJI đưa giá vàng lên 46,40 - 46,50 triệu đồng, tăng 100.000 đồng mỗi chiều so với cùng thời điểm hôm qua. So với đầu tuần, giá vẫn thấp hơn 100.000 đồng một lượng.
Chênh lệch giữa niêm yết mua và bán tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đang ở mức khá cao 300.000 đồng. Doanh nghiệp này thu mua vàng thấp hơn DOJI 200.000 đồng, trong khi bán ra với giá ngang bằng.
Giá bán vàng của nhiều doanh nghiệp đang cao hơn 300.000 đồng so với mua, trong khi thông thường khoảng cách này chỉ dưới 100.000 đồng. Ảnh: AQ |
Tương tự, tại TP HCM, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã duy trì độ vênh giữa giá mua và bán ở 300.000 đồng suốt 6 ngày qua. Còn trong 8 ngày trước đó, công ty này liên tục duy trì độ vênh "khủng", từ 400.000 đồng đến 1,7 triệu đồng.
Thông thường, doanh nghiệp nới rộng khoảng cách mua bán khi muốn hạn chế giao dịch. Trước đây, độ vênh đủ để doanh nghiệp kiếm lời khi thu mua vàng vào và bán ra chỉ dưới 100.000 đồng.
"Chiêu thức" này đã có tác dụng khi lực mua bán trên thị trường gần như đóng băng trong những ngày vừa qua. Nhà đầu tư càng chùn tay khi vàng trong nước đắt hơn quốc tế tới gần 5 triệu đồng. Ngoài ra, sự kiện xóa sổ 70% điểm giao dịch vàng miếng trên toàn quốc vào ngày mai cũng khiến nhiều người thận trọng, chờ các phản ứng của thị trường.
Còn giá vàng quốc tế vừa có ngày tăng khá mạnh, từ 1.646 lên vượt 1.660 USD. Đến sáng nay, nhà đầu tư chốt lời khiến giá giảm 3,4 USD, xuống 1.657,4 USD tính đến 9h27.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang chờ đợi thông tin chính sách từ Nhật và EU. Nhật Bản đang cân nhắc tung thêm một gói nới lỏng tiền tệ trong tháng này. Còn tại châu Âu, cuộc họp chính sách vào ngày mai, các nhà lãnh đạo có thể tuyên bố vẫn giữ lãi suất ở mức thấp như hiện nay.
Thanh Bình