Câu chuyện thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm cùng với việc ra đời của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, dự kiến áp dụng vào ngày 15/9. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đã có thời hạn hoạt động tối thiểu 2 năm có thể góp vốn thành lập, mua để sở hữu 100% vốn của công ty chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tới nay, văn bản này vẫn chưa được áp dụng.
Theo thống kê dựa trên báo cáo thường niên 2011 của 93 trên 105 công ty chứng khoán đã công bố số liệu room nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại Việt Nam có 46 công ty hoạt động có vốn ngoại, chiếm gần 44%.
Làn sóng liên doanh đối tác ngoại đã xuất hiện từ lâu, nhưng 2 năm trở lại đây mới có nhiều biến chuyển nhanh chóng khi các công ty nước ngoài tích cực tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Phần lớn trong số họ đều có mong muốn được toàn quyền sở hữu những doanh nghiệp có sẵn. Không chỉ vậy, tình trạng thị trường chứng khoán Việt ì ạch suốt thời gian qua làm giá cổ phiếu hạ thấp đã khiến cơ hội này càng thêm đắt giá trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Hồi tháng 2/2011, Công ty chứng khoán Nikko Cordial, Nhật Bản đã bỏ ra 6,9 triệu USD để mua 14,9% cổ phần của Chứng khoán Dầu khí (PSI), trở thành cổ đông ngoại chiến lược tại PSI. Trước đó, tháng 10/2012, Công ty chứng khoán Gia Quyền (EPS) cũng bán 49% cổ phần cho đối tác Hàn Quốc là Công ty công ty Korea Investment & Securities Co. (KIS).
Không chỉ vậy, một số doanh nghiệp có vốn hóa lớn như Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng rộng cửa chào đón đối tác ngoại từ lâu. Thậm chí, vào năm 2008, Ngân hàng ANZ đã nắm 10% cổ phần SSI, trị giá 88 triệu USD.
Các nhà đầu tư ngoại cho rằng, tỷ lệ room 49% hiện là rào cản lớn đối với khả năng hút vốn đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh |
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, việc các nhà đầu tư ngoại tích cực mua cổ phần công ty chứng khoán nội như vậy là do ảnh hưởng từ quyết định chấp thuận cho các doanh nghiệp nước ngoài được phép nâng tỷ lệ sở hữu công ty chứng khoán Việt lên 100% sắp ban hành. Dù vậy, tin về luật chứng khoán mới xuất hiện từ hơn một năm trước, tới nay vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động.
Trước sức nóng của các nhà đầu tư ngoại và tình trạng ảm đạm trên thị trường nội, nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán khẳng định, thời điểm này thực hiện việc nới “room” cho đối tác nước ngoài là vấn đề bức thiết, nếu không tiến hành nhanh, các doanh nghiệp nội sẽ còn bế tắc.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán SJC, nhận định, khi các doanh nghiệp trong nước đang ngắc ngoải trên thị trường, việc những công ty mới có dòng vốn ngoại dồi dào sẽ tạo ra cú hích lớn, hỗ trợ đà tăng. Do đó việc chấp thuận cho họ nâng tỷ lệ sở hữu là hợp lý và cần thiết.
Dù vậy, ông Tuấn cũng thẳng thắn chia sẻ, quyết định này có thể gây áp lực cạnh tranh gay gắt lên các công ty trong nước. Những đơn vị nước ngoài khi đến Việt Nam, họ đã có sẵn thế mạnh tài chính, đội ngũ nhân sự tiềm năng, công nghệ hiện đại, ngược lại, phần lớn các công ty nội địa lại chỉ có lợi thế duy nhất là hiểu rõ tâm lý nhà đầu tư, mà cái này thì không tạo ra nhiều lợi nhuận, ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, chính các nhà đầu tư ngoại cũng đang nóng ruột với quyết định nới room. Tại buổi làm việc ngày 24/9 giữa Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và đoàn doanh nghiệp Anh, do Thị trưởng Trung tâm Tài chính London – Alderman David Wooton dẫn đầu, một trong những vấn đề được các nhà đầu tư nhắc đến nhiều nhất chính là quy định về giới hạn góp vốn tối đa 49% vào các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo họ, đây là một trong những rào cản lớn đối với khả năng thu hút đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, họ cũng kỳ vọng Chính phủ có một lộ trình cụ thể để nâng dần tỷ lệ góp vốn này.
Trả lời những thắc mắc trên, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, theo cam kết WTO, kể từ năm 2012, Việt Nam sẽ phải mở cửa toàn diện thị trường tài chính. Do đó, cơ quan quản lý đang tiến hành soạn thảo các văn bản cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam, trong đó có việc cho phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài. Ngoài ra, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng vừa ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Standard Chartered về việc cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho quỹ mở tại Việt Nam.
Riêng về việc nâng tỷ lệ sở hữu tối đa cho phép của nhà đầu tư ngoại tại doanh nghiệp Việt Nam , Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành nghiên cứu và sẽ đề ra một lộ trình cụ thể, phù hợp với mong muốn của các nhà đầu tư cũng như điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày chính thức công bố luật và đưa vào hoạt động chính thức vẫn chưa được Bộ trưởng nhắc tới.
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, quyết định nới room cho nhà đầu tư ngoại bị áp dụng chậm trễ sẽ là việc làm vô cùng đáng tiếc.
Điều đáng tiếc nhất là hiện tại thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn tồi tệ nhất trong suốt 12 năm qua. Do đó khi các nhà đầu tư ngoại nhảy vào doanh nghiệp chứng khoán nội, họ có thể sẽ mua được công ty cùng máy móc, thiết bị, hệ thống khách hàng... với giá hời. Như vậy là quá thiệt thòi cho những doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán trong nước, ông Khánh nhận định.
Cũng theo ông Khánh, việc thi hành luật muộn như vậy là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán Việt Nam chìm trong ảm đạm suốt thời gian qua. “Giả sử nếu các nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận mua 100% cổ phần công ty chứng khoán trong nước từ trước năm 2010, thời điểm thị trường đang sôi động nhất, thì biết đâu với dòng vốn mới dồi dào, các công ty chứng khoán trong nước đã đỡ thiệt hơn, đồng thời các chỉ số chứng khoán chưa chắc bị giảm sâu như hiện nay”, ông Khánh chia sẻ.
Đối với thị trường chứng khoán thế giới, thông thường khi mới chỉ thành lập và hoạt động khoảng 1-2 năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã được phép mua cổ phần lên tới 100% tùy theo từng ngành cụ thể chứ không để lâu như mình, ông Khánh nói thêm.
Tường Vi - Nhật Minh