Theo ông, việc thu phí trước sau gì cũng phải thực hiện để bù vào những khoản phí mà ngân hàng cung ứng cho dịch vụ thẻ ATM. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn chưa chín muồi. Lý do là việc kết nối hệ thống POS (các điểm chấp nhận thẻ, cho phép thanh toán hóa đơn mà không cần trả bằng tiền mặt) chưa phổ biến tại siêu thị, khu mua sắm... Khách hàng phải rút tiền ở máy ATM (có tốn phí) để chi trả, trong khi với hệ thống POS, họ không cần mất phí.
Việc thu phí ATM sẽ gây khó khăn hơn cho những người có đồng lương ít ỏi. Ảnh: Hồng Phúc. |
Ông cũng đề nghị, trong trường hợp Hội Thẻ vẫn quyết định thu phí sử dụng ATM kể từ 1/7, mức phí cũng cần được tính lại.
Hội thẻ Việt Nam cho biết, từ ngày 1/7, các giao dịch rút tiền, chuyển khoản từ máy ATM sẽ phải trả phí tối thiểu là 1.000 đồng một lần. Ngoài việc thu phí cho các giao dịch rút tiền mặt và chuyển khoản, hai phương án khác cũng được Hiệp hội thẻ bàn đến là thu phí thường niên hoặc thu phí giao dịch lần 2. Hiện tại, có 30 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thẻ. Một số thành viên mới cũng chuẩn bị nhập cuộc và triển khai lắp đặt hệ thống ATM, tham gia các liên minh. Thị trường đã đón nhận khoảng 130 thương hiệu thẻ trong và ngoài nước, liên minh, liên kết... Hiện Vietcombank dẫn đầu với 25% thị phần, kế đến là DongA Bank (khoảng 20%), Vietinbank (khoảng 19%), Agribank (khoảng 13%)... Trung bình một máy ATM có giá khoảng 500 triệu đồng. Mỗi máy chỉ phục vụ tốt trong 5 năm, sau đó phải nâng cấp. Ngoài ra, các chi phí như địa điểm, vị trí đặt máy, bảo quản máy, an ninh mỗi năm tốn thêm khoảng 200 triệu đồng một máy. Có 5.000 máy ATM trên cả nước. |
"Rút tiền nhiều lần thì mất phí càng nhiều, với mức lương công nhân số tiền đó có thể bằng mấy gói xôi ăn sáng", ông nói.
Theo ông, phí chuyển khoản nên thấp hơn phí rút tiền mặt, bởi chuyển khoản thì tiền vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng, chứ chủ thẻ không rút ra để chi tiêu.
Trong khi đó, nhiều người sử dụng thẻ cho rằng nhà băng thu phí rút tiền ATM là gây khó khăn cho khách hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Thoa, cán bộ về hưu ở quận Bình Thạnh ngân hàng cần có chính sách riêng với một số đối tượng như những người về hưu, công nhân, những người có thu nhập thấp.
Hầu hết các ngân hàng đang áp dụng quy định số dư tối thiểu (buộc chủ thẻ phải để lại trong tài khoản ít nhất 50.000-100.000 đồng). Tính ra với hàng triệu thẻ ATM đang lưu hành, ngân hàng được sử dụng một lượng vốn không nhỏ với lãi suất thấp. Anh Tân, nhân viên văn phòng một công ty ở quận 3 đề nghị ngân hàng có thể dùng lợi ích này bù đắp cho chi phí đầu tư, thay vì thu tiền sử dụng dịch vụ của khách hàng.
Chị Ngô Thị Huỳnh Loan, quận Bình Thạnh, thì cho rằng nhà băng nên bỏ quy định số dư tối thiểu, cho phép khách hàng rút toàn bộ tiền trong tài khoản. Như vậy, cứ mỗi lần nhận lương, chị sẽ rút hết tiền trong tài khoản và chỉ tốn phí có một lần.
Những ngân hàng có khách hàng ATM thuộc tầng lớp trung lưu trở lên lại cho rằng họ sẽ không chịu nhiều áp lực từ chủ thẻ nếu triển khai thu phí ATM.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, hiện nay, khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ ATM của ACB đều đã trả phí như mở thẻ, rút tiền khác nhà băng (1% hoặc tối thiểu 20.000 đồng), phí quản lý tài khoản hằng tháng 10.000 đồng...
Phần lớn thẻ ACB là thẻ tín dụng giao dịch quốc tế như Master card, Visa card. Dịch vụ thẻ nội địa ATM của ngân hàng này chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ. Theo ông Toại, khách hàng sử dụng thẻ của ACB cũng không phải là công nhân, những người thu nhập thấp mà là những người có thu nhập khá. Vì vậy, khi áp dụng thu phí giao dịch, ngân hàng sẽ không gặp quá nhiều trở ngại.
Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng chi phí để xây dựng hệ thống hàng trăm điểm rút tiền qua máy ATM, hàng nghìn điểm cà thẻ đặt tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, đã "ngốn" hàng triệu USD. Từ năm 2004 đến nay khách hàng đã được sử dụng dịch vụ miễn phí. Vì vậy, phải tính đến một mức phí phù hợp để tạo điều kiện nâng cấp, mở rộng hơn nữa dịch vụ.
Bạch Hường - Tần Vy