- Trở về từ Thụy Sĩ, ấn tượng sâu sắc nhất của ông về diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới là gì?
- Trên thực tế thì WEF là nơi hội tụ nhiều chính trị gia, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp lớn của thế giới. Không chỉ bàn bạc về kinh doanh, tại Davos, người ta dành nhiều thời gian để trao đổi xung quanh các vấn đề xã hội, lao động - việc làm, giáo dục hay nông nghiệp... Tôi rất ấn tượng với những phát minh, ý tưởng mới được các đại biểu khắp thế giới mang đến. Từ ý tưởng chế tạo những chiếc máy kê đơn thuốc phục vụ cho riêng mỗi cá nhân đến những tư tưởng mới mẻ của các doanh nhân xã hội (social entrepreneur) - những người mà tôi rất bất ngờ khi được gặp tại đây.
Ông Trương Gia Bình (phải) và Chủ tịch KPMG - Michael Andrew tại Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: PV |
Tôi rất ngạc nhiên khi hỏi một doanh nhân Ấn Độ xem anh ta làm gì và nhận được câu trả lời là "làm cho thế giới tốt đẹp hơn". Tôi hỏi tiếp xem anh ta làm thế nào thì được biết anh kết nối những người nghèo với cơ hội phát triển bằng cách mở trường dạy nghề với học phí thấp, bằng một phần năm mức thông thường, cho hàng trăm nghìn người nghèo Ấn Độ.
Tìm hiểu kỹ hơn, tôi được biết anh ta đại diện cho nhóm doanh nhân mới tại Davos, những người chấp nhận kinh doanh với lợi nhuận thấp (chỉ khoảng 8% so với mức 25% thông thường) để đóng góp cho xã hội, mang lại lợi ích cho nhiều người. Tôi cho rằng đây là một tinh thần doanh nhân rất mới mẻ, hiện đại, đúng với cam kết của WEF là thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.
- Những tư tưởng mới mẻ này được thể hiện như thế nào tại diễn đàn?
- Theo tôi cảm nhận cũng như phát biểu tại diễn đàn thì quá trình này bắt đầu từ chính tinh thần doanh nhân (entrepreneurship). Tôi nghĩ trong xã hội cần ít nhất 3% những người có tinh thần như thế này, họ luôn phải nung nấu suy nghĩ phải làm thế nào để doanh nghiệp, xã hội phát triển.
Tôi cũng tiếp xúc với một doanh nghiệp lớn khác của Ấn Độ, dù đã rất thành công trong những lĩnh vực khác nhưng giờ đây chỉ chuyên tâm phát triển giáo dục. Họ đào tạo cho khoảng 500.000 người mỗi năm. Sau 20 năm thành lập, đã có 35 triệu người được họ đào tạo. Những mô hình như vậy, nếu được nhân rộng sẽ rất có ích cho những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
- Một vấn đề khác cũng được bàn thảo sôi nổi tại Davos là cuộc khủng hoảng nợ và kinh tế châu Âu. Ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?
- Những gì được bàn thảo tại WEF cho thấy kinh tế thế giới sẽ tiếp tục trải qua nhiều khó khăn trong năm 2012, mà tâm điểm vẫn là châu Âu. Vấn đề này được bàn thảo nhiều nhất và cũng ghi nhận nhiều quan điểm trái chiều. Phía Âu - Mỹ kiên quyết bảo vệ khu vực này bằng cách sử dụng các biện pháp tài chính toàn cầu, nhờ cứu trợ từ IMF hay ECB. Tuy nhiên, quá trình này chắc chắn sẽ tốn kém, trong khi các đại diện châu Á và các nền kinh tế mới nổi lại đòi hỏi sự công bằng.
Đại diện của các nền kinh tế như Nhật, Hong Kong (Trung Quốc) đặt câu hỏi tại sao lại phải bỏ tiền cứu Eurozone. Họ dẫn chứng Trung Quốc tăng trưởng 60% trong 5 năm qua, mức tăng trung bình của châu Á cũng đạt đến 40%. Trong khi châu Âu không hề tăng trưởng. Tại Tây Ban Nha, 50% thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm.
Nhìn chung thì WEF đã phần nào thể hiện mâu thuẫn Á - Âu, giàu - nghèo và chưa có một giải pháp cụ thể nào được thống nhất. Cá nhân tôi tin rằng với cam kết của những nước có thực lực tại Âu - Mỹ thì đồng euro sẽ khó tan rã. Tuy nhiên, những gì được nói ở hội thảo đã chứng minh đây là một vấn đề trầm trọng và để giải quyết, cần một quá trình lâu dài và đau đớn.
- Trong bối cảnh kinh tế thế giới như vậy, cơ hội đối với châu Á, Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp, đã được nhìn nhận như thế nào tại Davos?
Chủ tịch FPT cho rằng khủng hoảng đang mang lại cho châu Á và Việt Nam nhiều cơ hội phát triển. Ảnh: Nhật Minh |
- Trong bối cảnh châu Âu trì trệ, châu Mỹ còn nhiều khó khăn thì rõ ràng cả thế giới đang nhìn về châu Á, trong đó có Việt Nam. Tôi có tiếp xúc với nhiều tập đoàn lớn tại Davos thì thấy rằng Việt Nam luôn nằm trong chính sách Trung Quốc hoặc Ấn Độ "cộng một". Chúng ta có dân số trẻ, thị trường lớn, lao động thông minh và ở góc độ nào đó là "máu kinh doanh" - đây là điều mà nhiều nước khác nằm mơ cũng không thấy được. Đó là lợi thế.
Nhưng thách thức cũng không phải không có, nhất là sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang lên khác trong khu vực như Indonesia hay Myanmar. Đặc biệt là Myanmar. Tại các diễn đàn, tôi thấy mắt ai cũng sáng lên khi nhắc đến tên quốc gia này.
Thứ hai và quan trọng hơn là lạm phát. Nhà đầu tư quốc tế rất quan ngại về lạm phát tại Việt Nam. Tôi có gặp một đối tác lớn và thuyết phục ông ấy vào đầu tư thì gặp nhiều e ngại từ ông ấy về tình hình lạm phát tại Việt Nam. Tuy vậy, khi tôi chia sẻ thông tin Chính phủ Việt Nam quyết đưa lạm phát về một con số trong năm 2012 thì nhà đầu tư này hứa sẽ tới Việt Nam vào tháng 4 tới để xem xét khả năng hợp tác.
Nhật Minh