Đọ nhau về tần suất xuất hiện trên truyền hình vào những giờ vàng giữa sản phẩm mì của Masan và Acecook Việt Nam chỉ là một phần trong trận chiến về quảng cáo giữa 2 doanh nghiệp này.
Trước đó, Acecook Việt Nam đã có văn bản khiếu nại lên Cục quản lý cạnh tranh về việc clip quảng cáo của Masan với sản phẩm mì Tiến Vua bò cải chua đưa thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng và yêu cầu ngừng truyền thông.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, ông Kajiwara Junichi cho rằng, người tiêu dùng khi xem đoạn quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua của Masan, sẽ nhận được thông điệp hễ mì màu đậm là có chất độc hại, và màu nhạt mới tốt. Mì của Acecook thuộc loại có màu đậm trên thị trường, nên thời gian qua, công ty này nhận được rất nhiều câu hỏi: "Liệu mì của Acecook có phẩm màu độc hại?".
Cuộc chiến mì gói leo thang với những clip quảng cáo gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Đại diện Acecook Việt Nam khẳng định, phẩm màu chỉ là một yếu tố cấu thành nên màu vàng của vắt mì. Màu của mì đậm lên so với ban đầu còn do quá trình tẩm ướp gia vị, quá trình, thời gian, nhiệt độ chiên... chứ không phải do sử dụng phẩm màu.
Bên cạnh đó, sản phẩm của Acecook Việt Nam khi đưa ra thị trường đều có giấy chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành, không có hoá chất độc hại. Vì vậy, không thể căn cứ vào việc chế nước sôi vào vắt mì và xuất hiện màu vàng để đưa ra kết luận có phẩm màu độc hại, mà phải gửi mẫu đi phân tích hoá lý.
Không chịu kém tiếng, Masan cũng có văn bản khiếu nại Acecook Việt Nam về hành vi “gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác”.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Masan không bình luận về nội dung quảng cáo đang gây tranh cãi, chỉ cho biết kết luận đúng sai thế nào sẽ do cơ quan chức năng quyết định.
Trong khi Cục Quản lý Cạnh tranh chưa có câu trả lời chính thức, cuối tháng 6, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - nơi cấp phép cho quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua, cho biết sẽ yêu cầu Masan chỉnh sửa một số từ ngữ trong quảng cáo, tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về chất lượng các sản phẩm cùng ngành hàng.
Đây không phải là lần đầu tiên Masan bị yêu cầu dừng truyền thông vì mẫu quảng cáo gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về các sản phẩm mì gói khác. Năm 2010, một clip quảng cáo (cũng về mì Tiến Vua) có nội dung gây hiểm nhầm về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh đã bị Cục quản lý cạnh tranh “tuýt còi”, phải ngừng phát trên truyền hình.
Có kinh nghiệm nhiều năm về tư vấn trong ngành quảng cáo, ông Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Khách hàng của Công ty quảng cáo NEO cho biết, mẫu quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua nằm trong chiến lược truyền thông thống nhất của Masan với thông điệp thực phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng. Về mặt thể hiện, các sản phẩm của Masan được quảng cáo là không chứa chất gây hại cho sức khỏe. Chiến lược này của Masan đã rất thành công với nước mắm Chin-su.
Với mì gói, công nghệ sản xuất của các công ty gần như giống nhau và sự khác biệt được tạo ra chủ yếu bởi quảng cáo chứ không nằm ở chính sản phẩm. Vì thế, khi phát hiện ra thị trường đang nổi lên một vấn đề, nhà sản xuất sẽ đưa ra thông điệp quảng cáo nhằm vào việc giải quyết điều đó và gây sự chú ý của người tiêu dùng.
“Quảng cáo là một chiến trường và các nhà sản xuất sẽ làm mọi biện pháp mà pháp luật cho phép để vượt lên đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu như hành động của họ không tạo được mối thiện cảm của xã hội, hoặc gây nên sự mập mờ thì dù không vi phạm quy định của luật pháp, mẫu quảng cáo sẽ có những hiệu ứng ngược nhất định”, ông Quang Anh bình luận.
Tuy nhiên, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, màu sắc đậm, nhạt là theo đánh giá của mỗi người. Quan trọng nhất là phải xác định màu đậm có phải là do phẩm màu tạo ra hay các yếu tố khác, hoặc màu sắc nhạt là do không có phẩm màu; không thể kết luận đơn thuần nếu nước chuyển sang vàng đục, chứng tỏ sợi mì có nhuộm phẩm màu độc hại mà không có kiểm chứng xác thực.
Ông Hoàng Đạo Hiệp, Giám đốc Marketing khu vực Đông Dương của bia Carlsberg cho rằng, không nên sử dụng cách so sánh trực tiếp hoặc nói xấu đối thủ cạnh tranh. “Theo tôi, mình không thể trở nên tốt được nếu thông điệp quảng cáo của mình nói người khác là không tốt. Một chiến lược quảng cáo hay là nhấn mạnh vào sự khác biệt của sản phẩm và dịch vụ chứ không nên ‘đạp’ người khác xuống. Mình tốt thì không thiếu gì cách để nói mình cao phong”, ông Hiệp bình luận.
Giám đốc sáng tạo của một công ty truyền thông lớn từng tham gia vào nhiều chiến dịch quảng cáo cho mì gói cho biết, thông điệp quảng cáo gieo sự sợ hãi vào tâm trí khách hàng có thể đem lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, chiến lược này có thể gây ra một thảm họa với cả ngành mì ăn liền nói chung, thậm chí là chính công ty đưa ra thông điệp quảng cáo.
“Về bản chất, mì ăn liền của các hãng ở Việt Nam đều sản xuất với công nghệ và nguyên liệu tương tự nhau. Vì thế, nếu nói loại nào tốt cho sức khỏe hơn loại khác là do hình ảnh quảng cáo tạo ra chứ không phải là sản phẩm đó thực sự như vậy. Thêm vào đó, nếu nói sản phẩm của mình tốt cho sức khỏe, còn loại khác là độc hại thì không đúng”, ông này nhận xét.
Bạch Hường - Hoàng Ly