Vàng SJC tại Tập đoàn DOJI mở cửa ngày được niêm yết ở 46,80-46,95 triệu đồng. So với sáng hôm qua, cả hai chiều mua và bán giảm 100.000 đồng mỗi lượng. Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được niêm yết quanh 46,80-46,95 triệu đồng. Cùng lúc, vàng thương hiệu PNJ của doanh nghiệp này là 46,75-46,90 triệu đồng mỗi lượng, giảm 100.000 đồng so với đầu ngày 12/11.
Giá vàng giảm 100.000 đồng. |
Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng miếng không có nhiều biến động đứng ở vùng 47,05 triệu đồng mỗi lượng bán ra khiến sức mua suy giảm trở lại. Khối lượng mua và bán trong ngày 12/11 của toàn hệ thống PNJ khá cân bằng nhau.
Tỷ giá hối đoái sáng nay cũng được điều chỉnh giảm vài chục nghìn đồng. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) niêm yết giá đầu ngày chỉ còn 20.825-20.865 đồng, giảm 15 đồng so với trước đó. Tại Eximbank, giá thu mua thấp hơn Vietcombank 15 đồng những bán ra cao hơn 10 đồng, dao động quanh 20.810-20.870 đồng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm trong phiên giao dịch đầu tuần trước mối lo dành cho Hi Lạp, khi soát xét trong nhiều phiên họp gần đây cho thấy nước này phải cần tới 2 năm để đạt được những mục tiêu ngân sách.Thêm vào đó, lực chốt lời mạnh cũng gây áp lực giảm giá lên vàng. Chốt phiên, kim loại quý giảm 0,2% giá trị so với lúc mở cửa ngày, đứng tại mốc 1.728 USD một ounce.
Trong ngày hôm nay, không có nhiều thông tin quan trọng từ thị trường Mỹ. Tuy nhiên giá vàng có thể chịu áp lực chốt lời mạnh trong ngày hôm nay nếu thông tin ở khu vực châu Âu tiếp tục gây thất vọng.
Mở cửa phiên châu Á sáng nay, giá vàng thế giới rớt thêm 6 USD, xuống sát 1.722 USD mỗi ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá 20.865 đôla, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi tương đương 42,9 triệu đồng.
Với mức quy đổi này, hiện khoảng cách giữa vàng "nội" và "ngoại" giãn rộng từ 3,4 triệu đồng của ngày hôm qua lên 4 triệu đồng sáng nay. Đây không phải là lần đầu tiên chênh lệch giá giữa hai thị trường lên mức cao kỷ lục mà đã tái diễn nhiều lần.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước hiện nay cho rằng, khoảng cách lớn giữa vàng nội và ngoại không đi kèm với hiện tượng "sốt vàng" như trước. Chênh lệch giá cũng không kéo theo hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới do Nhà nước đã kiểm soát khâu gia công, dập đúc vàng miếng. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định trong thời gian qua, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động gần đây của giá vàng.
Sau Nghị định 24, thị trường vàng trong nước được quản lý chặt chẽ. Vàng miếng không phải là một mặt hàng thiết yếu và Nhà nước cũng không khuyến khích nắm giữ. Ngân hàng Nhà nước nhận định giá cả của mặt hàng này không còn tác động tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Do đó, Ngân hàng Nhà nước không phải nghĩ đến chuyện "bình ổn giá vàng", can thiệp thị trường mỗi khi chênh lệch giá trong nước và thế giới trên 400.000 đồng mỗi lượng.
Lệ Chi