Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thu hút và quản lý vốn đầu tư được đem ra chia sẻ tại phiên thảo luận của các thống đốc (Governors' Seminar) trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 sáng nay, 4/5.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee cho biết nước này cần tới 3.000 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong vòng 10 năm tới. Bản thân Ấn Độ chỉ tự đáp ứng được một nửa trong số này, còn lại phải trông cậy vào các nguồn lực từ bên ngoài.
![]() |
Đại diện các thành viên ADB tại phiên thảo luận sáng 4/5. Ảnh: Nhật Minh |
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh Việt Nam ngày 3/5, Phó thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải cho biết nền kinh tế cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển, chỉ riêng trong giai đoạn 2011 - 2015.
Ấn Độ và Việt Nam không phải là những trường hợp cá biệt về nhu cầu vốn để phát triển trong những năm tới. Theo dự báo của ADB, nhu cầu vốn phát triển mỗi năm cho vào khu vực châu Á trong giai đoạn từ nay đến 2050 có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Chia sẻ tại diễn đàn ADB, hầu hết lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đều cho rằng khó khăn lớn nhất của các Chính phủ không phải là thu hút vốn mà nằm ở việc quản lý và sử dụng số tiền nói trên sao cho hiệu quả. Cùng với đó là việc sử dụng các nguồn lực khác như đất đai, tài nguyên, lao động…
Theo Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, mấu chốt để giải quyết vấn đề này là các Chính phủ phải xác định đâu là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả nhất để sử dụng vốn. Trong điều kiện của châu Á, các lĩnh vực này bao gồm nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
“Để phát triển bền vững, các quốc gia châu Á cần đầu tư mạnh cho kinh tế tri thức. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người trẻ gia nhập vào lực lượng lao động. Do đó, các Chính phủ cần đảm bảo lực lượng lao động này luôn có có khả năng đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển cao hơn”, ông Mukherjee nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, hầu hết các nước châu Á đều sẽ trở thành quốc gia đô thị trong thế kỷ này với khoảng 60 - 70% dân số sống tại các thành phố. Do đó, đầu tư cho cơ sở hạ tầng luôn là một bước đi đúng hướng.
Chia sẻ quan điểm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho rằng quá trình đô thị hóa cần đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội ở mọi quốc gia. “Nơi ở, việc làm, thu nhập… của người dân khi đô thị hóa nhất định phải tốt hơn trước. Các Chính phủ cũng sẽ phải chuẩn bị thật tốt lực lượng lao động phù hợp cho quá trình này”, Thống đốc nhận định.
Cũng theo người đứng đầu ngành ngân hàng Việt Nam, các quốc gia châu Á có thể đạt được sự chuẩn bị tốt hơn cho quá trình này nếu làm chậm được quá trình dịch chuyển người dân từ nông thôn ra thành thị. Muốn vậy, các Chính phủ cần nâng cao chất lượng của các dịch vụ công, sao cho người dân nông thôn và thành thị có thể sử dụng những dịch vụ với chất lượng gần tương đương nhau.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde. Ảnh: Nhật Minh |
Một giải pháp khác nhằm nâng cao chất lượng dử dụng vốn cũng được đề cập khá nhiều tại diễn đàn ADB là cuộc chiến phòng chống tham nhũng tại các quốc gia. Đại diện cho G20, một trong những đối tác chính của ADB, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde nhấn mạnh vai trò của chống tham nhũng trong việc cải cách mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững tại châu Á. Bà Lagarde cũng cho biết G20 sẵn sàng hợp tác với các quốc gia châu Á để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho rằng hướng tới một mô hình phát triển bền vững, toàn diện hơn là xu thế tất yếu của các nền kinh tế châu Á. Trong đó, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn là hết sức quan trọng nhằm giúp các nước tránh được bẫy thu nhập trung bình, vốn được xem là thách thức không nhỏ đối với châu Á trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Nhật Minh