Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Hoàng Hà |
Bản báo cáo về quản lý tập đoàn và tổng công ty Nhà nước dài tới 21 trang mà Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh dự định trình bày trước các đại biểu đã bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị dừng lại. Vị chủ tọa lo cách trả lời chậm rãi của người đứng đầu ngành tài chính nếu trình bày cả bản báo cáo sẽ hết giờ và không còn thời gian để trả lời câu hỏi của các đại biểu.
Như nhiều phiên chất vấn khác, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh luôn nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề hóc búa như giá cả, quản lý vốn tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đầu tư ra ngoài ngành và các giải pháp cấp bách quản lý các tập đoàn, tránh vỡ bong bóng sau sự cố Vinashin...
Đại biểu Phạm Thị Loan mở đầu phiên chất vấn với 3 câu hỏi liên quan đến vấn đề đầu tư dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. "Tôi đã 3 lần gửi câu hỏi cho Bộ trưởng Vũ Văn Ninh hỏi về vấn đề này và 3 lần đều nhận được câu trả lời khác nhau, tôi cần con số cụ thể", bà Loan thẳng thắn đặt vấn đề.
Bà cũng đề nghị ông Ninh giải trình về việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN) ký với Venezuela dự án thăm dò, khai thác dầu khí trị giá 8 tỷ đôla. Trong đó, Việt Nam đóng góp 40% vốn. "Tôi xin hỏi PVN lấy vốn ở đâu để đầu tư, đầu tư như vậy có phù hợp không và đã được Quốc hội cho phép chưa? Xin Bộ trưởng cho biết", bà Loan chốt lại.
Cùng với 2 câu hỏi liên quan đến vấn đề tăng giá nhiều nhóm hàng hóa, đầu tư xây dựng các dự án công trình giàn trải, chậm tiến độ, đại biểu Nguyễn Văn Ba, tỉnh Khánh Hòa một lần nữa xới lại việc quản lý vốn tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC. "Tôi chưa nói đến vấn đề lương bổng tại siêu tổng công ty này. Điều tôi quan tâm là việc giao quá nhiều quyền, nhiều vốn vào SCIC nếu quản lý không tốt sẽ có thể dẫn đến chuyện một loạt tập đoàn, tổng công ty rơi vào tình cảnh giống Vinashin. Tôi muốn biết việc giám sát, quản lý đối với SCIC như thế nào?", ông Ba nhấn mạnh.
Không tránh né hoặc đi vòng vấn đề như đại biểu Nguyễn Văn Ba, đại biểu Đặng Như Lợi, đoàn Cà Mau nói thẳng vào vấn mà dư luận đang quan tâm, bức xúc đó là hiệu quả của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, nhất là sau sự cố "chìm tàu" Vinashin. "Tôi muốn hỏi Bộ trưởng có nhầm lẫn gì không khi đánh giá rằng hiệu quả đầu tư, quy mô của Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang nâng dần qua các năm", ông Lợi nói và dẫn chứng: Trước năm 2006 khi chưa thành lập mô hình tập đoàn một đồng vốn nhà nước bỏ ra thu về cho ngân sách 0,28 đồng. Thế nhưng, đến năm 2009, cũng một đồng vốn ấy chỉ thu về cho ngân sách 0,13 đồng. "Vậy xin hỏi bộ trưởng việc đánh giá quy mô hiệu quả nâng dần qua các năm có chính đáng không", đại biểu Đặng Như Lợi nhấn mạnh.
Ông cũng là người đầu tiên đặt vấn đề đến trách nhiệm của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh liên quan đến sự cố Vinashin và việc xử lý khoản nợ nên tới trên 86.000 tỷ đồng tại tập đoàn này.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo, đoàn Thừa Thiên Huế cũng băn khoăn về những sai phạm trong đầu tư, sử dụng vốn sai mục đích của Vinashin. Các bộ ngành mặc dù được giao nhiệm vụ quản lý giám sát nhưng lại phát hiện và sửa sai quá chậm. "Tôi xin hỏi vai trò quản lý giám sát của các bộ ngành với Vinashin đến đâu. Các bộ ngành không quản lý hay không quản lý nổi. Không phát hiện được sai phạm hay phát hiện được nhưng không làm gì được?", câu hỏi này, ông Mạo dành cho cả 3 vị bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch Đầu tư và Giao thông Vận tải.
Bà Trịnh Thị Nga, Đại biểu Phú Yên nói thêm trong báo cáo của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh có đề cập đến việc Bộ Tài chính 4 lần thực hiện việc thanh tra định kỳ và một lần đột xuất việc sử dụng vốn tại Vinashin, vậy mà vẫn để xảy ra sự cố mà tập đoàn này gặp phải. "Tôi xin hỏi trách nhiệm thuộc về ngành nào trước con số nợ trên 86.000 tỷ đồng, chưa kể hàng trăm tỷ đồng nợ lương nhân viên tại Vinashin", bà Nga nêu câu hỏi.
Bà Ngô Minh Hồng, đại biểu đoàn TP HCM quan tâm đặc biệt đến khoản vay từ nguồn trái phiếu quốc tế 750 triệu đôla Mỹ. Bà nhấn mạnh: "Việc Vinashin vay nguồn vốn lớn như vậy có đúng không. 4 lần thanh tra sử dụng vốn vay tập đoàn này mà không xử lý được để xảy ra sự cố Vinashin, phải chăng chúng ta đang bất lực?".
Đại biểu Lê Quốc Dung cũng không nén nổi bức xúc nên cũng nói thẳng quan điểm: "Tôi chưa thấy trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính liên quan đến vấn đề Vinashin?".
Dường như đã đoán trước được các vấn đề mà đại biểu và cử tri cả nước có thể đặt ra cho mình nên Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tỏ ra không mấy bất ngờ. Vẫn chất giọng đều đều không quá vội, chi tiết vấn đề, ông Ninh trả lời từng câu hỏi của các đại biểu. Riêng việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư 40% cho dự án 8 tỷ đôla ở Venezuela, ông Ninh thú nhận mình không nắm cụ thể vì không phải là người duyệt. Tuy nhiên, ông khẳng định chủ trương của Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. "Dự án 8 tỷ đôla của PVN tôi biết họ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Ninh nói.
Là Chủ tịch của Siêu tổng công ty SCIC nên trong hầu hết các lần bị chất vấn, ông Ninh đều dẫn giải rất kỹ bằng con số để chứng minh rằng mô hình hoạt động của tổng công ty này là đúng. Ông cho biết sự ra đời của SCIC góp phần thay đổi phương thức quản lý từ hành chính sang kinh doanh vốn. Thời gian qua, SCIC hoạt động có hiệu quả và giúp Nhà nước bán 85% doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ vốn để đầu tư có hiệu quả hơn.
Ông Ninh khẳng định để xảy ra sự cố Vinashin xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp. Nhà nước đã giao quyền tự chủ về vốn cho Vinashin, Bộ Tài chính không làm nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt dự án. 4 lần thanh tra, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu Vinashin khắc phục. Chính phủ đã chỉ đạo nhưng có vấn đề Vinashin đã làm, có vấn đề khắc phục một phần song cũng có cái tập đoàn này không làm. "Chúng tôi đã chỉ đạo. Chỉ có điều chỉ đạo và thực hiện chưa hiệu quả. Vấn đề Vinashin nên coi là bài học kinh nghiệm trong quá trình quản lý, giám sát và cần xử lý mạnh hơn khi phát hiện sai phạm", ông Ninh nói.
Tại thời điểm thành lập, vốn của Vinashin chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Đến năm 2006, con số này tăng lên hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp đóng tàu nên lãi không lớn, cổ phần hóa chưa nhiều nên chưa thu hút được vốn. "Khi xác định Vinashin có vấn đề, Chính phủ đã thành lập tổ tái cơ cấu yêu cầu doanh nghiệp này sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, xác định lại vốn điều lệ, bổ sung vốn theo quy định", ông Ninh nói.
Theo ông Ninh Vinashin đã mua một số thiết bị lạc hậu thiếu an toàn như tàu Bạch Đằng Giang, tàu Hoa Sen... Tuy nhiên, ông cho rằng cần nhìn nhận thực tế vốn của Vinashin không mất hết, con số cụ thể như thế nào cơ quan kiểm toán, thanh tra đang xác minh.
Trong gần 2 giờ trả lời chất vấn với các vấn đề gai góc liên quan đến sự cố Vinashin, điều mà các đại biểu đặt ra là trách nhiệm của người đứng đầu ngành tài chính không được Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đề cập. Ông cố gắng giải thích cặn kẽ, chi tiết các vấn đề, nhưng phần lớn các đại biểu đều cho rằng nó chưa đúng, chưa trúng và quá lan man, chưa chạm tới vấn đề chính.
Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng bà rất buồn và lo lắng khi người đứng đầu ngành tài chính lại không biết việc PVN đầu tư đi đâu và lấy vốn từ nguồn nào. Trong khi đó, Đại biểu Đặng Như Lợi đánh giá, bằng các con số cho thấy nhận định của bộ trưởng rằng tập đoàn, tổng công ty ngày càng hiệu quả là không đúng với số liệu chính bộ cung cấp.
Tại phiên chất vấn, vấn đề chi tiêu cho đại lễ cũng được đại biểu Nguyễn Lân Dũng một lần nữa đề cập. Ông Dũng từng gửi câu hỏi chất vấn trực tiếp tới Bộ trưởng Ninh và đã nhận được trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, số tiền chi tiêu cho đại lý hơn 200 tỷ đồng và 2.000 viên rubi nhập không làm đại biểu hài lòng vì cho rằng nó chưa chính xác, bởi nó thấp hơn so 91.000 tỷ đồng mà dư luận đang bàn tán. "Đại lễ diễn ra đúng lúc bà con miền Trung vật lộn với trận đại hồng thủy, tôi mong Bộ trưởng giải trình rõ khoản chi tiêu cho đại lễ để người dân an tâm", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định đúng như những gì đã trả lời, khoản tiền cho cho đại lễ chỉ là 218 tỷ đồng từ nguồn ngân sách chứ không có con số 91.000 tỷ đồng. Còn việc mua 2.000 viên rubi về gắn cho 1.000 con rồng, ông Ninh thú thực chỉ nghe nói qua dư luận chứ ông không được báo cáo và không biết cụ thể về việc này.
Liên quan đến cơn sốt giá vàng đôla và sự chậm trễ trong việc sử dụng các biện pháp ông Ninh cho rằng do tác động từ thị trường thế giới nên rất khó tránh khỏi. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu được mời lên giải trình đột xuất về vấn đề này cũng chỉ nhận xét một cách rất chung chung chứ chưa đưa ra được biện pháp tổng thể lâu dài để điều tiết thị trường này.
Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng do đặc thù cố hữu của người đứng đầu ngành tài chính là quá cẩn thận nên các câu trả lời thường lan man, chi tiết không cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá với các vấn đề quá gai góc mà các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng đã cố gắng hoàn tất phần trả lời tuy chưa xuất sắc nhưng có thể chấp nhận. Tài chính, ngân hàng là lĩnh vực khó nên ghi nhận sự nỗ lực của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh."Điều hành kinh tế không đơn giản. Các nước sừng sỏ như Mỹ còn khó nói gì chúng ta. Xin cám ơn Bộ trưởng", ông Trọng nhấn mạnh.
Hồng Anh