Trao đổi với VnExpress.net sáng 22/4, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết chủ đầu tư - Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã hoàn tất báo cáo tiền khả thi của dự án Nhà máy lọc hóa dầu tại khu Nhơn Hội trị giá khoảng 27 tỷ USD. Bình Định cũng dự kiến bố trí khoảng 2.000 ha đất cho thuê với giá ưu đãi 10 đến 15 USD mỗi m2 trong thời gian 50 năm.
"Dự án mang tính khả thi, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao vì không chỉ lọc mà còn chế biến ra nhiều sản phẩm hóa dầu, nguồn dầu thô đầu vào đa dạng, có công nghệ hiện đại", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, đầu tháng 5 tới, đoàn công tác của tỉnh sẽ sang Thái Lan họp bàn, thống nhất với PTT về một số vấn đề như: Thu xếp nguồn vốn, nguồn dầu thô đầu vào, phương án tiêu thụ sản phẩm đầu ra giải trình thêm cho các Bộ, ngành trình Thủ tướng quyết định triển khai dự án.
"Chủ đầu tư cũng khảo sát xây cảng chuyên dụng phía Đông dãy núi Phương Mai, đưa đường ống từ ngoài biển vào bơm dầu thô và xuất sản phẩm đáp ứng cho tàu trọng tải lớn hơn 50.000 tấn cập cảng. Trong khi chờ xây cảng chuyên dụng, tàu có trọng tải từ 50.000 tấn trở xuống của PTT có thể cập cảng Quy Nhơn", ông Lộc cho biết thêm.
Phát biểu của lãnh đạo tỉnh Bình Định đưa ra trong bối cảnh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) có văn bản gửi Bộ Công Thương nêu quan điểm về dự án. Theo Tuổi trẻ, PetroVietnam đề nghị Bộ Công Thương “không ủng hộ chủ trương xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu ở Khu kinh tế Nhơn Hội để tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu”.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu của thị trường và nguồn nguyên liệu để đảm bảo dự án 27 tỷ đôla phù hợp với quy hoạch.
Trong khi đó, Bộ Công Thương vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung Dự án nhà máy lọc dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí, đồng thời lưu ý vấn đề dư thừa nguồn cung giai đoạn 2020 - 2025 nếu các dự án nhà máy lọc dầu Long Sơn và Nam Vân Phong cũng được đưa vào vận hành.
Năm 2020, nếu đúng tiến độ, Việt Nam sẽ có hàng loạt dự án lọc hóa dầu lớn như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm; Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô công suất lên 8 triệu tấn; Nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong 10 triệu tấn mỗi năm. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất: "Thủ tướng giao PetroVietnam và Petrolimex nghiên cứu để dự án Long Sơn và Nam Vân Phong vận hành sau năm 2020".
Bình Định tin tưởng dự án "siêu lọc, hóa dầu" 27 tỷ USD sẽ triển khai tại Khu kinh tế Nhơn Hội trong tương lai gần. Ảnh: Trí Tín. |
Dự án tại Bình Định dự kiến đặt mục tiêu chính là xuất khẩu (sang Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khu vực...), Việt Nam gần như chỉ là địa điểm chế biến trung gian. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần đánh giá ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khi triển khai dự án. Ngoài ra, việc xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesina, những quốc gia có thị trường sản xuất và tiêu thụ xăng dầu lớn nhất châu Á, Bộ cho rằng cần có luận cứ rõ ràng hơn.
Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư PTT giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến khả năng thu xếp vốn, tiến độ dự án, khả năng cân đối nguồn cung ứng dầu thô, phương án tiêu thụ sản phẩm xăng dầu ở Việt Nam và xuất khẩu... PTT phải có cam kết từ đại diện pháp lý cao nhất của Tập đoàn này với việc triển khai dự án. "PetroVietnam và Petrolimex đều được Chính phủ giao tham gia 2 dự án Nhà máy lọc dầu Long Sơn và Nam Phong trong khi khả năng của hai tập đoàn có hạn. Do vậy khả năng tham gia góp vốn của 2 tập đoàn ở mức 30% là khó khả thi", Bộ Công Thương bày tỏ.
Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội dự kiến đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội với quy mô 660.000 thùng một ngày (30 triệu tấn dầu thô mỗi năm, gấp gần 5 lần nhà máy lọc dầu Dung Quất). Nếu Chính phủ đồng ý thông qua thì đây sẽ là nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam.
Nhà máy sẽ sử dụng nhiều loại dầu thô có chất lượng khác nhau từ ba khu vực cung cấp chính với tỷ lệ 45% từ Trung Đông, 25% từ châu Phi và 30% từ Nam/Trung Mỹ. Sản phẩm của nhà máy gồm có lọc dầu (LPG, xăng A92/95, Jet A1, DO...) và hóa dầu (PE, PP, benzen...), trong đó hóa dầu dự kiến chiếm khoảng 35% doanh thu của dự án.. Thị trường tiêu thụ nội địa Việt Nam và xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Trung Quốc và châu Á. Dự kiến dự án khởi công xây dựng vào quý 1/2016 và hoàn thành vào giữa năm 2020.
Trí Tín - Hoàng Lan