Ông Đức cho biết đã gửi đơn tố cáo tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi từ cuối tháng 8, đề nghị thanh, kiểm tra lại toàn bộ việc thu hồi 11 căn biệt thự tại Đà Lạt.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức tuyên bố theo đến cùng vụ tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa. Ảnh: Vũ Lê. |
Dự án cải tạo, nâng cấp khu biệt thự trên đường Nguyễn Du và Phó Đức Chính, phường 9, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, được Công ty Hoàng Anh Gia Lai theo đuổi từ năm 2002, gồm 20 biệt thự cổ. Doanh nghiệp thuê đất và tài sản trên đất từ năm 2004 để xây dựng, cải tạo thành khu resort 4 sao. Thời hạn thuê 50 năm, giá thuê được điều chỉnh theo từng phân kỳ 5 năm một lần.
Các biệt thự có tổng diện tích gần 46.000 m2, chia làm 3 giai đoạn căn cứ theo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND TP Đà Lạt. Khi được địa phương bàn giao 15 căn biệt thự, doanh nghiệp đã xây dựng, cải tạo cuốn chiếu được 8 căn. 7 căn chờ kết hợp với 5 biệt thự giai đoạn cuối để đầu tư khu này thành resort 4 sao.
Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng, tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa bàn giao đủ các căn biệt thự như kế hoạch ban đầu. Doanh nghiệp đã ứng trước gần một tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng 5 biệt thự còn lại, song mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Ngày 22/9/2009, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản thu hồi 11 căn biệt thự đã cho Hoàng Anh Gia Lai thuê. Ngày 9/10 cùng năm, UBND tỉnh Lâm Đồng giao dự án này cho Công ty cổ phần tập đoàn Trung Thủy (TP HCM).
Khu resort của Hoàng Anh Gia Lai tại Đà Lạt (Lâm Đồng) không thể thực hiện tiếp các hạng mục bổ sung vì UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi 11 căn biệt thự đã cho doanh nghiệp này thuê. Ảnh: Vũ Lê. |
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức cho rằng lãnh đạo tỉnh thu hồi 11 căn biệt thự không những chưa đúng với quy định pháp luật như tiền ứng của doanh nghiệp không hoàn lại, thu hồi trước thời hạn cam kết, mà còn có dấu hiệu khác thường.
Ông Đức giải thích, khu resort đã hoàn thành xong giai đoạn một, vốn đầu tư tính tới thời điểm này là 80 tỷ đồng, là dự án nhỏ của tập đoàn, nằm trong số các dự án không hiệu quả. Tỉnh chậm giao mặt bằng nhưng hứa hẹn sẽ nỗ lực thu hồi đất nên doanh nghiệp vẫn chờ đất sạch, chưa thể triển khai các giai đoạn tiếp theo. "Khi chúng tôi ngỏ ý muốn bán dự án, lãnh đạo tỉnh trả lời trực tiếp không cho phép chuyển nhượng. Sự việc còn chưa ngã ngũ, lãnh đạo tỉnh lại giao dự án cho một doanh nghiệp khác là hết sức vô lý", ông Đức nói.
Người đứng đầu tập đoàn HAGL cho hay, việc bị thu hồi 11 căn biệt thự đã gây thiệt hại uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp, cổ đông và đối tác đầu tư của tập đoàn băn khoăn, lo ngại doanh nghiệp có làm điều gì sai trái khuất tất hay không.
Ngay khi tiếp nhận đơn tố cáo của Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Thường trực tiếp công dân Văn phòng chính phủ Hoàng Như Hải đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng giải quyết, trả lời doanh nghiệp.
Ngày 7/9, trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng - Huỳnh Đức Hòa cho biết: "Tôi chưa biết gì về đơn thư tố cáo của HAGL. Nếu đơn tố cáo gửi đến đâu thì nơi đó xử lý theo quy định pháp luật". Hiện ông Hòa đi công tác tại Hà Nội.
Cũng trong chiều 7/9, ông Trương Văn Thu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và ông Võ Ngọc Hiệp- Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt (nguyên chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng) cho báo chí biết: Dự án của HAGL chỉ là một trong những dự án tỉnh thu hồi giấy phép thời gian qua. Nguyên nhân thu hồi dự án của HAGL do tập đoàn này triển khai dự án chậm tiến độ. Trong quá trình HAGL thực hiện dự án, tỉnh đã sáu lần gửi văn bản cho nhà đầu tư này nhắc nhở về việc thực hiện dự án chậm tiến độ theo cam kết, đồng thời tỉnh cũng thường xuyên đốc thúc các cơ quan chức năng hoàn thành các thủ tục để bàn giao 5 biệt thự còn lại cho HAGL.
Theo đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, việc khiếu nại, khiếu kiện là quyền của công dân, trường hợp HAGL gửi tố cáo lên Chính phủ thì khi Chính phủ thụ lý giải quyết tỉnh Lâm Đồng sẽ có giải trình cụ thể.
Trong cuộc họp với các sở ngành của tỉnh gần đây ông Huỳnh Đức Hòa từng nói về tình trạng Lâm Đồng có nhiều dự án nhưng một số nhà đầu tư chậm hoặc không chịu triển khai. Theo ước tính của ông Hòa, nếu tập hợp lại tất cả giấy phép đầu tư đã được chấp thuận, có đến 90% các dự án đều quá hạn hoặc chưa được triển khai, có những dự án sang nhượng trái phép gây bất bình trong dư luận. Không ít dự án đầu tư sai mục đích ban đầu.
Ông Hòa còn cho biết, để chấn chỉnh những bất cập tỉnh đã có những động thái tích cực, kiên quyết thu hồi 170 dự án với tổng vốn đăng ký 30.000 tỷ đồng, phần lớn các dự án bị thu hồi thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ và xã hội. Lý do thu hồi do nhà đầu tư không triển khai dự án hoặc triển khai không đúng tiến độ, không đúng với các nội dung đã được phê duyệt ban đầu.
Vũ Lê - Quốc Dũng