Bà Thanh, chủ cửa hàng thực phẩm Hà Nội trên đường Trần Quốc Toản (quận 3) cho biết, giá bánh chưng hiện chưa có gì thay đổi so với ngày thường. Bánh nặng 2kg chào giá 120.000 đồng, 1,5kg ở mức 90.000 đồng. Bánh chưng dùng trong ngày Tết thường có trọng lượng 700 gram đến 1,8kg. Các cửa hàng ưu tiên làm bánh theo kích cỡ này, chứ không phải loại nhỏ 200-500 gram như bình thường.
“Đã 20 tháng chạp âm lịch nhưng không có mấy khách hỏi thăm. Năm ngoái vào thời điểm này khách đã tới đặt hàng rầm rộ, chứ không phải vắng vẻ, ế ẩm như năm nay”, bà Thanh than thở.
Hiện cửa hàng này gói với số lượng ít, mỗi lần gói trên 30 cái. Năm nay, cửa hàng chủ trương khách đặt mua đến đâu gói đến đó, không như mọi năm, gói trước cả 300-400 cái. "Không riêng gì bánh chưng, hiện chưa thấy ai mua sắm Tết gì nên tôi chẳng dám lấy hàng nhiều. Ngoài ra, bánh chưng để lâu sẽ hỏng, còn nếu để trong tủ lạnh bánh sẽ lại gạo, mất ngon", bà cho hay.
Bánh chưng hiện vẫn giữ giá như ngày thường. Ảnh: Thi Hà |
Biết trước năm nay sẽ không đắt hàng nên anh Khánh, chủ cửa hàng thực phẩm trên đường Trần Quốc Toản cũng dè dặt nhập nguyên liệu, giảm 30% so với năm trước. Năm ngoái, bánh đặt từ Bắc vào Nam khoảng 1.000 cái, nay giảm xuống khoảng 600 cái. Nếu sức mua quá yếu, lượng hàng Bắc vào Nam sẽ còn giảm nữa trong những ngày tới.
“Từ sáng tới tối ngồi ngóng khách mà chẳng thấy ai đả động gì đến bánh chưng, chưa năm nào lượng khách lại ít như năm nay. Mong rằng từ 23 tháng chạp âm lịch, thị trường sẽ sôi động hơn”, anh Khánh kỳ vọng.
Mỗi chiếc bánh chưng trọng lượng 1,2 kg có giá 120.000 đồng. Anh lý giải, tuy hơi đắt so với các nơi khác nhưng đây là bánh nhập nguyên đai nguyên kiện từ Hà Nội nên vẫn giữ trọn vẹn hương vị cổ truyền phương Bắc. Chi phí vận chuyển vào Nam khá đắt, cộng với giá thực phẩm liên quan tới chiếc bánh chưng như: gạo, đậu xanh, thịt heo, lá dong, lạc buộc... biến động nên giá bán không thể như ngày thường.
Khó có thể khẳng định bánh chưng vẫn giữ giá kể từ 25 âm lịch trở đi, song anh Khánh dự kiến mức tăng nếu có cũng chỉ vài nghìn đồng vì "năm nay người tiêu dùng tiết kiệm hơn hẳn các năm trước do thu nhập eo hẹp".
Bánh chưng bày tràn ra vỉa hè, lề đường nhưng vẫn không nhiều khách ghé đặt hàng. Ảnh:Thi Hà |
Trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), nhiều nơi treo bảng “nhận đặt bánh chưng ngày Tết” nhưng ít khách hỏi thăm.
Chủ của hàng Bích Ngọc cho hay, dù đã treo bảng cả tuần nay nhưng vẫn chưa có khách hàng nào tới đặt, nếu có thì chỉ là người đi đường ghé mua bánh nhỏ khoảng 200gram để ăn sáng. Vắng khách nên chủ của hàng ở đây không dám tăng giá bánh Tết. Giá bánh vẫn dao động từ 70.000 đồng đến 140.000 đồng, tùy trọng lượng.
“Năm nay làm ăn khó khăn quá, cả năm đã không có lãi, bây giờ chỉ trông chờ vào sức mua những ngày giáp Tết vậy mà tới giờ vẫn giậm chân tại chỗ”, chủ của hàng Bích Ngọc than.
Giá bánh tét năm nay tăng 10.000 đồng so với năm ngoái, bánh 1,2 kg là 130.000 đồng. Ảnh: Thi Hà |
Khác với những tiệm bánh trên, tại cửa hàng Như Lan trên đường Hàm Nghi (quận 1), không khí mua bán sôi động hơn. Theo nhân viên bán hàng, tuy số lượng bán không bằng năm ngoái nhưng một ngày cũng bán được khoảng 30-50 cái. Giá bánh ở đây luôn ở mức cao so với các cửa tiệm khác. Loại nhỏ nhất 700gram là 70.000 đồng, 2,2kg bán 220.000 đồng, tăng 10.000 đồng so với năm ngoái. Bánh tét tăng 10.000 đồng một kg so với năm ngoái, bánh 1,2 kg khoảng 130.000 đồng.
Không những khách ít mà số lượng đặt mua cũng giảm so với mọi năm. Cô Mai, nhà ở quận 1 chia sẻ: "Năm ngoái, tôi đặt tới 10 chiếc bánh chưng để vừa dùng vừa biếu nhưng năm nay hầu bao hạn hẹp nên chỉ đặt 6 cái".
Còn chị Minh, quận 3 cho hay: "Tết Nhâm Thìn mua 12 cái để biếu sếp, giờ nghỉ việc nên chỉ đặt 7 cái để gia đình ăn và cúng thôi. Năm nay, tiền bạc không có nên tôi cũng chẳng hứng khởi gì, đáng nhẽ chưa đặt bánh nhưng tiện đi ngang cửa hàng nên đặt trước, chứ không đến 23 âm lịch lại tăng giá".
Thi Hà