Ốc là món ăn dân dã, khoái khẩu của dân nhậu và trở thành thú vui của người dân Sài Gòn vào mỗi buổi chiều tối. Vì thế mà 6 năm qua, quán ốc của chị Thanh tại con hẻm nhỏ trên đường Dạ Nam, phường 2, quận 8, TP HCM tối nào cũng đều đều chục bàn ăn, dù thứ 2 hay thứ 7.
Chị Thanh cho biết, bình quân mỗi tối chị bán 8-10 triệu tiền ốc. Trung bình một tháng sau khi trả tiền mặt bằng, nhân viên, điện nước, thuế chị còn lời khoảng 15-16 triệu đồng.
Mỗi kg nghêu thường, chị lấy mối ở chợ Hòa Bình, dao động 30.000-35.000 đồng một kg, chị chia ra làm 2 phần. Sau khi chế biến mỗi phần có giá 60.000 đồng. Trừ chi phí chị còn lời 60.000 đồng một kg. Một ngày chị bán ít nhất cũng được trên 10kg nghêu. Còn các loại ốc khác, một ngày chị cũng tiêu thụ 10-20 kg, tùy giá cả mỗi loại mà chi phần cho phù hợp.
Hầu hết các quán ốc khi nào cũng tấp nập người ra vào. Ảnh: TH |
Các cửa hàng ốc dọc con đường Phan Văn Hân, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Dạ Nam (quận 8), Tô Hiến Thành (quận 10) lúc nào cũng đông nghẹt. Nhiều cửa hàng đã phải di chuyển sang mặt bằng mới rộng hơn để phục vụ khách. Quán ốc trên đường Ung Văn Khiêm, sau khi thấy lượng khách đến ăn ngày càng đông, chủ cửa hàng ở đây đã chuyển mặt bằng sang chỗ mới có tầng rộng và đẹp hơn.
Nhân viên giữ xe ở đây chia sẻ: “Quán ở đây khi nào cũng đông nghẹt, nhiều khi đông quá, sắp xe không kịp thở. Một ngày trung bình tôi giữ cả 100 chiếc xe máy, bình quân khoảng gần 200 khách tới ăn”.
Chủ quán cho biết buổi sáng mối của chị ở chợ Bình Điền luôn đến giao ốc, mỗi loại lấy khoảng 15-20 kg. Riêng đối với thủy hải sản như tôm, mực lấy với số lượng ít hơn khoảng 5-7 kg vì loại này không để được lâu. Nếu sang ngày tôm, mực sẽ không còn ngon dù đã để lạnh.
“Vì có mối quen ở chợ Bình Điền nên tôm, cua, ốc tôi đặt hàng đều rẻ hơn so với các chợ khác 5.000-7000 đồng. Do vậy mỗi đĩa ốc của tôi bán ra với giá 40.000-60.000 đồng tùy loại”, chủ quán ở đây chia sẻ.
Chủ quán ở đây cũng tính toán, nếu trừ đi tất cả các chi phí, một tối chị cũng lời được khoảng 1 triệu đồng. Bình quân một tháng thu nhập của chị dao động quanh mức 18-23 triệu đồng.
Không thu được khoản lời cao như chủ cửa hàng trên nhưng với chiếc xe đẩy cũ kĩ cô Ba bán ốc tại khu du lịch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) cũng thu về được khoản lời chục triệu đồng mỗi tháng.
Cô Ba kể, mỗi đĩa ốc của cô chỉ có giá 20.000-30.000 đồng. Chiều nào cô cũng đẩy xe trước cổng khu lịch bán từ 17h đến 20h. Sau 20h cô lại tiếp tục đẩy xe đẩy sang một con hẻm nhỏ bên đường Điện Biên Phủ bán nốt số ốc còn lại cho tới 24h. Có những đêm không ngủ được cô thức bán tới 1-2h đêm. Chiều nào cũng như vậy, cô bán được 500.000-600.000 tiền ốc.
Vì không phải trả tiền mặt bằng, vừa chế biến kiêm phục vụ nên mỗi tối cô thu về 350.000 tiền lời. Vị chi mỗi tháng cô cũng kiếm được 10 triệu đồng.
Giải thích lý do di chuyển hằng đêm cô Ba cho biết, thường trước cổng khu du lịch đến 9h đóng cửa và hết khách, trong khi đó, con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ lại có khách ăn về đêm nên di chuyển để có thêm khách. Hầu hết khách ở con hẻm nhỏ này là xe ôm, sinh viên, người đi đường.
Chia sẻ về kinh nghiệm bán hàng, cô Ba cho hay, bán giá thấp là chiêu hút khách của cô. Thay vì bán đĩa ốc 60.000 đồng như các quán, cô bán đĩa nhỏ hơn với giá 20.000-30.000 đồng. Giá này phù hợp với túi tiền của sinh viên, tài xế taxi.
Còn chị Thanh, chủ quán ốc ở quận 8 tiết lộ, để hút khách người bán phải tự chế biến một số gia vị đặc trưng, nước chấm phải ngon phù hợp với khẩu vị đa số thực khách. Khi lấy hàng chỉ nên lấy với số lượng vừa đủ, không nên để dư nhiều, vì ốc để qua ngày sẽ gầy và mất độ tươi ngon.
Chị Thanh khuyên đối với những cửa hàng mới mở thay vì lấy mỗi loại ốc khoảng 15 kg như quán chị, chỉ nên lấy khoảng 5 kg. Thời gian đầu nếu có lỗ cũng phải kiên trì, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận, khi người ăn đã tin tưởng, đó là lúc hái ra tiền, bù đắp vào khoản lỗ trước đó cũng chưa muộn. Ngoài ra, khi tuyển nhân viên, nên chọn những người hiền, khuôn mặt dễ nhìn.
Hồng Châu