Tại Đại hội cổ đông bất thường của ACB diễn ra sáng nay, Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết, việc nhà băng tuân thủ Ngân hàng Nhà nước bán vàng can thiệp thị trường, nhưng sau đó phải chấp hành quy định đóng trạng thái vàng mà giá chênh lệch trong và ngoài nước có lúc lên trên 4 triệu đồng đã gây ra số lỗ lớn trên 1.700 tỷ đồng.
Theo ông, từ 2008 tới nay, cụ thể trong 2010, 2011 và 8 tháng đầu năm ACB đã chuyển đổi vàng sang tiền đồng khá tốt, tổng lãi là hơn 2.381 tỷ đồng. Việc phải đóng trạng thái vàng theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước trong quý 3 năm nay nên ACB đã chịu khoản lỗ là hơn 1.700 tỷ đồng.
"Nếu so sánh giữa con số lời 2.381 tỷ với 1.700 tỷ đồng thì kết quả nhà băng vẫn lời trong hoạt động kinh doanh vàng trong suốt 5 năm qua. Do đó, cổ đông có thể yên tâm là mình không bị mất vốn trong hoạt động này", ông nói.
Từ những bất lợi trên, ông Toàn cho biết dự kiến lợi nhuận năm nay của ACB chỉ xấp xỉ 1.200 tỷ, nhưng đây là số liệu chưa chính thức vì còn chờ kết quả từ cơ quan kiểm toán. Như vậy, so với kế hoạch ban đầu 5.500 tỷ, kết quả này bị giảm sút gần 80%.
Tại hội nghị, nhiều cổ đông đã chất vấn mạnh mẽ ban lãnh đạo nhà băng trước các vấn đề như vụ Bầu Kiên cùng hàng loạt các lãnh đạo cấp cao từ nhiệm và vướng vòng lao lý. Một cổ đông lo ngại từ những sự cố này, ACB sẽ làm đổ vỡ niềm tin của nhà đầu tư, người gửi tiền và ảnh hưởng kết quả kinh doanh, đồng thời tỏ ra thất vọng vì lãnh đạo ngân hàng đã mang lại quá nhiều rủi ro cho cổ đông thời gian qua.
ACB sụt giảm gần 80% lợi nhuận. Ảnh: Lệ Chi |
Một số cổ đông khác đề nghị ACB làm rõ khoản thua lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng và khả năng thu hồi của khoản tiền mang đi ủy thác đầu tư hơn 700 tỷ đồng...
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT thừa nhận, sau vụ việc Bầu Kiên bị bắt và sau đó là từ nhiệm của các thành viên, tổng tài sản của ngân hàng đã giảm 30% và lần đầu tiên kinh doanh vàng bị thua lỗ, gây ra hàng loạt nghi ngờ về quản trị rủi ro, chiến lược kinh doanh.
Ông Huy cũng thông tin, sự cố Bầu Kiên đã khiến 28.000 tỷ bị rút ra trong quý vừa qua. Đây là một số tiền khá lớn. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng, nhờ sự đoàn kết của tập thể nhân viên ACB và sự hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng bạn nên nhà băng đã vững vàng vượt qua.
Theo ông Huy, Ngân hàng Á Châu luôn luôn xác định tôn trọng và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Thực hiện cam kết trong mọi tình huống người gửi tiền phải nhận lại được tiền của mình. Điều này đã được thể hiện trong "cơn bảo của vụ Bầu Kiên". Nhờ đó ngân hàng thêm tăng niềm tin của khách hàng, mà bằng chứng là bên cạnh việc hàng ngàn khách rút tiền thì cùng có hàng chục ngàn khách tiếp tục duy trì gửi tiền và thậm chí gửi thêm.
Tổng giám đốc Toàn cho biết thêm, chất lượng tín dụng ngành ngân hàng giảm nhưng ACB đã tăng 3%. Hệ số an toàn vốn tối thiểu đạt 13% và ngân hàng chưa vội tăng vốn trong năm tới.
Riêng về lợi nhuận, ông Toàn cho biết sẽ không như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân như, thị trường liên ngân hàng có những quy định mới không thuận lợi cho ACB. Tổng giám đốc ACB cũng thông tin thêm, phần thặng dư dự kiến chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu sẽ tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước sắp tới, nhưng sẽ tương đương 10%.
Về kế hoạch năm 2013 ông Toàn cho biết, tăng trưởng tín dụng sẽ theo nguyên tắc cẩn trọng và phấn đấu tăng trưởng tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến khoảng 15-16%. Căn cứ vào tình hình hiện nay, ACB sẽ mở rộng mạng lưới trong năm tới, nhưng sẽ không tăng nhanh mà tập trung vào cải tạo, di dời các chi nhánh yếu kém, phát triển các chi nhánh tạo lợi nhuận tốt. Riêng huy động vốn sẽ tập trung khôi phục lại quy mô, dự kiến tăng trưởng 20- 30%.
Riêng số tiền hơn 700 tỷ liên quan đến vụ Huyền Như, ông Toàn cho biết do vụ án đang trong quá trình xử lý, ACB chưa có kết luận nhưng hy vọng thời gian tới sẽ thu hồi được số tiền ủy thác này.
Còn tổng số dư của công ty bầu Kiên liên quan đến ACB là 7.000 tỷ, nhưng đã được đảm bảo bằng tài sản và được PWC kiểm toán. Hiện nay ACB đã lập tổ công tác và thuê tư vấn độc lập để xử lý nhóm tín dụng này.
Cũng tại đại hội, cả 4 ứng cử viên vào HĐQT đã trúng cử. Cụ thể, ông Trần Mộng Hùng đạt tỷ lệ 125,57%; ông Nguyễn Thành Long 95,95%; ông Đàm Văn Tuấn là 89,58%; ông Trần Trọng Kiên 88,9%.
Cơ chế ban hành từ 10 năm trước cho phép các ngân hàng mua, bán, huy động và cho vay bằng vàng, thậm chí chuyển đổi vàng ra tiền đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Thời hoàng kim, có lúc vàng chiếm 30-50% tổng tài sản của một ngân hàng. Và cũng có ngân hàng, lợi nhuận từ vàng lên đến hàng trăm tỷ đồng, đóng góp gần nửa thu nhập. Tuy nhiên, 3 chính sách lớn liên quan tới vàng đã được Ngân hàng Nhà nước ráo riết triển khai suốt từ tháng 4 năm ngoái đến nay. Trong đó, Nghị định 95 trực tiếp đánh vào giới đầu cơ ngoại tệ, buôn lậu vàng, với quy định xử phạt hành chính tới 500 triệu đồng và tịch thu tang vật mỗi lần vi phạm. Còn Thông tư 12 nhắm vào các ngân hàng, yêu cầu chấm dứt cho vay và từng bước ngừng huy động vàng từ 1/5/2011, tiến tới tất toán các hợp đồng huy động trước 25/11/2012. Từ tháng 4 đến nay, giá trong nước luôn đắt hơn thế giới 3 đến gần 5 triệu đồng, trong khi Ngân hàng Nhà nước một mực khẳng định quan điểm không nhập vàng, bởi cho rằng không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và không làm biến động tỷ giá. Bản thân các ngân hàng sau giai đoạn lãi lớn nay đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là ACB, một ngân hàng trước giờ có thế mạnh về vàng và nay phải mua vàng trong nước gái cao để trả lại khách hàng. Chính vì vậy, khoản lỗ lớn tại nhà băng lên tới 1.700 tỷ đồng. |
Lệ Chi