Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, nguồn tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, 4 doanh nghiệp đầu mối là Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro, Công ty Xăng dầu Đồng Tháp đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính đề nghị tăng giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, nguồn tin này không tiết lộ cụ thể mức tăng giá đề xuất.
Ông Đặng Vinh Sang - Tổng giám đốc Saigon Petro cho biết, đơn vị này đã gửi văn bản cho Bộ Tài chính chia sẻ chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp xăng dầu từ tuần trước. Theo ông Sang, hiện mức chênh lệch giữa giá cơ sở và bán lẻ rất lớn. Không nói cụ thể mức chênh lệch, song lãnh đạo Saigon Petro khẳng định, nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp xăng dầu sẽ khó tồn tại.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex khẳng định ngày 11/4, Petrolimex có văn bản báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về tình hình kinh doanh xăng dầu của tập đoàn. Petrolimex đề nghị liên bộ sớm xem xét quyết định hoặc cho phép doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu theo Nghị định 84 nhằm từng bước đưa giá bán trong nước bám sát sự biến động của giá thị trường. "Mức tăng tối thiểu không thấp hơn mức chênh giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành", ông Năm cho hay.
Nửa đầu tháng 3, giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá dầu WTI bình quân là 106,42 đôla mỗi thùng tăng 5,04% so với cùng kỳ. Dầu Brent đạt 124,45 đôla mỗi thùng, tăng 12,15 đôla, tương đương 10,82%.
Giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore nửa đầu tháng 3 cũng tăng theo. Xăng RON 92 trung bình lên tới 133,98 USD mỗi tấn và đạt mức tăng cao nhất với 6,39% so với cùng kỳ. Dầu hỏa, DO, FO cũng lần lượt tăng từ 2,91% đến 4,3%.
Do giá thế giới tăng cao, xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh. Bắt đầu từ 16h chiều ngày 7/3, giá bán lẻ các mặt hàng xăng A92 tăng 2.100 đồng một lít, lên 22.900 đồng. Các mặt hàng dầu hỏa, diesel, mazut cũng tăng giá 600 - 2.000 đồng.
Hoàng Lan