Bên cạnh danh sách 100 người giàu nhất, 50 phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán, năm 2008 VnExpress.net lần đầu tiên lập danh sách Top 30 gia đình giàu có. Nguồn dữ liệu để xây dựng danh sách này vẫn là cáo bạch và thông tin công bố của các doanh nghiệp niêm yết ở hai sàn Hà Nội và TP HCM.
Tiêu chí để được tính là thành viên trong gia đình của bảng xếp hạng này là: Các cá nhân phải có quan hệ huyết thống (bố, mẹ, anh, chị, em và con ruột), hoặc quan hệ hôn nhân (vợ, chồng). Một số trường hợp là người thân đằng vợ (hoặc chồng), nếu trong cáo bạch hoặc thông tin công bố có ghi rõ quan hệ với cổ đông nội bộ cũng được tính là thành viên trong gia đình.
Trong cáo bạch của 310 công ty niêm yết mà VnExpress.net khảo sát, có khoảng 550 gia đình với 1.400 thành viên. Đa phần đều đứng tên sở hữu cổ phiếu với tư cách người có liên quan tới cổ đông nội bộ, song cũng không ít trường hợp trực tiếp tham gia vào hội đồng quản trị hoặc ban giám đốc. Đây là một đặc điểm chung dễ nhận thấy ở các công ty tư nhân Việt Nam.
Tính đến cuối phiên giao dịch 31/12/2008, số cổ phiếu mà các thành viên của 550 gia đình này nắm giữ có giá trị tới 37.400 tỷ đồng, chiếm 84% tổng tài sản của gần 4.000 cá nhân xuất hiện trong cáo bạch của các công ty nêu trên. Riêng 30 gia đình giàu nhất nắm giữ lượng vốn tương đương 34.515 tỷ đồng.
Các đại gia đứng đầu 30 gia đình giàu nhất đều xuất hiện trong Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán 2008 do VnExpress.net mới công bố. Họ tập trung ở 13 doanh nghiệp thuộc hàng blue-chip như Vincom, Vinpearl, Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng ACB, Sacombank, FPT... Trong đó Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đóng góp 6 gia đình, FPT có 5 trường hợp và Ngân hàng Á châu (ACB) "cử" 4 đại diện.
Ông Phạm Nhật Vượng, nhân sự cao cấp của hai công ty Vincom và Vinpearl (đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM) chỉ đứng thứ hai trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2008, với số tài sản 5.225 tỷ đồng. Nhưng tính chung tài sản của ông Vượng cùng với vợ, em gái và các anh, chị em vợ (đều xuất hiện trong cáo bạch) lên đến 7.364 tỷ đồng và trở thành gia đình giàu nhất trên sàn chứng khoán 2008. Trong 7 thành viên của gia đình ông Phạm Nhật Vượng, có 3 người là nhân sự cấp cao trong hai công ty Vincom (VIC) và Vinpearl (VPL).
Đứng vị trí thứ hai trong Top 30 là gia đình Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức. Mẹ và 5 em trai, em gái của ông Đức đều nắm giữ cổ phiếu HAG, song chỉ có em trai Đoàn Nguyên Thu mới cùng anh trực tiếp tham gia điều hành công ty. Ông Đức và ông Thu cũng là những thành viên sở hữu nhiều cổ phiếu nhất, tương đương 6.300 tỷ đồng trong tổng số 6.330 tỷ đồng của cả gia đình.
10 gia đình giàu nhất TTCK 2008:
Thứ bậc |
Người đại diện |
Doanh nghiệp |
Mã CK |
Số thành viên |
Tổng tài sản |
1 |
Phạm Nhật Vượng - Thành viên HĐQT |
Công ty Vincom |
VIC |
7 |
7.364,425 |
2 |
Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị |
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai |
HAG |
8 |
6.329,402 |
3 |
Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT |
Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc |
KBC ITA SGT |
10 |
6.323,976 |
4 |
Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT |
Tập đoàn Hòa Phát |
HPG |
4 |
2.109,996 |
5 |
Trần Mộng Hùng - Chủ tịch Hội đồng sáng lập |
Ngân hàng ACB |
ACB |
6 |
1.689,699 |
6 |
Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch HĐQT |
Ngân hàng ACB |
ACB |
5 |
1.458,702 |
7 |
Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT SSI |
Công ty Xuyên Thái Bình Dương |
PAN |
4 |
1.241,807 |
8 |
Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT |
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín |
STB |
5 |
1.154,734 |
9 |
Doãn Tới - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc |
Công ty Nam Việt |
ANV |
4 |
901,648 |
10 |
Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT |
Công ty FPT |
FPT |
6 |
719,511 |
> Top 30 gia đình giàu có
> Top 100 người giàu trên TTCK 2008
> Top 100 người giàu trên TTCK 2007
> Top 100 người giàu trên TTCK 2006
VnExpress.net