Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết tính đến cuối tháng 12/2012, Việt Nam hiện có 712 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn đăng ký khoảng 12,4 tỷ USD. Riêng trong năm 2012, cả nước có 75 dự án loại này với số vốn khoảng 1,3 tỷ USD.
![]() |
Doanh nghiệp Việt khá thành công với các dự án đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: V.T |
Trong số hơn 12,4 tỷ USD, doanh nghiệp thực tế đã giải ngân được tổng cộng 3,8 tỷ USD (1,2 tỷ trong năm 2012). Trao đổi tại buổi họp báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư sáng 4/1, Cục trưởng Cục Đầu Tư nước ngoài - Đỗ Nhất Hoàng cho biết các dự án nêu trên đã giúp doanh nghiệp Việt Nam chuyển về nước khoản lợi nhuận khoảng 430 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực khai thác dầu khí, viễn thông, cao su…
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiện đã dần đi vào nề nếp và có xu hướng gia tăng đáng kể tại các nước mà Việt Nam chú trọng đầu tư như Lào, Campuchia, Myanmar…, góp phần tạo việc làm trong nước cũng như các quốc gia nhận đầu tư. Tuy nhiên, vướng mắc chủ yếu hiện vẫn nằm ở khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, đặc biệt là với hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn Nhà nước.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, báo cáo cho biết lượng giải ngân thực tế trong năm 2012 đạt 10,46 tỷ USD, thấp hơn so với mức trung bình khoảng 11 tỷ USD của giai đoạn 2010 - 2011. Tuy nhiên, kết quả này vẫn được cơ quan quản lý đánh giá là khả quan trong bối cảnh Việt Nam chịu nhiều sức ép về cạnh tranh và môi trường kinh tế. Cũng trong năm 2012, khu vực FDI xuất siêu hơn 13 tỷ USD (gồm cả dầu thô), trong khi khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu khoảng 12,7 tỷ USD.
Liên quan đến vấn đề chống chuyển giá, vốn nhức nhối gần đây trong khu vực FDI, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết đã xây dựng đề án trình Chính phủ. Đề án này đang trong giai đoạn tiếp tục được trao đổi giữa cơ quan này và Bộ Tài chính, do liên quan nhiều tới vấn đề thuế và hải quan. Tuy nhiên, theo tiết lộ của đại diện cơ quan soạn thảo, đề án này sẽ bao gồm việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng lực lượng, cơ sở dữ liệu về quản lý giá (có thể phải mua của nước ngoài) cũng như tăng cường các cuộc kiểm tra chống chuyển giá...
Tại cuộc họp báo sáng 4/1, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng công bố số liệu chính thức về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2012. Theo đó, số giải thể, phá sản trong năm là 54.361 đơn vị, cao hơn so với mức 53.972 doanh nghiệp của năm 2011. Tính đến ngày 31/12/2012, cả nước có khoảng 475.700 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 70.000 thành lập mới trong năm. |
Nhật Minh