Nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, bên cạnh là đống giấy và bông thấm đầy máu, không ai nghĩ mới hơn một năm trước, cô bé 16 tuổi, cao 1,67m này nặng tới 54 kg và rất khỏe mạnh.
Anh Phạm Đức Phận, bố của Lan Phương (ở Bắc Giang) cho biết, cách đây hơn một năm, gia đình lo lắng khi thấy con bị xuất huyết dưới da. Đi khám và xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận em bị suy tủy. Đây là bệnh do tế bào tủy giảm hoặc ngừng được sinh ra nên lượng máu giảm nghiêm trọng. Thế là từ 26 Tết năm ngoái đến nay, Phương phải điều trị liên tục tại bệnh viện, thi thoảng mới được về nhà nghỉ vài ngày.
"Từ nhỏ tới lớn nó có bao giờ ốm đau đâu, thậm chí còn cao lớn hơn hẳn đám bạn cùng lứa. Có lúc, con còn sợ béo, giấu bố mẹ nhịn ăn. Thế mà, tự dưng bệnh từ đâu ập đến, giờ thì con càng ngày càng yếu...", mẹ của Phương nghẹn lời kể.
Chị cho biết, hôm 25 Tết vừa qua, gia đình xin cho cháu về quê nhưng đến nửa đêm mùng 2 đã phải cấp tốc đưa con trở lại viện vì lượng tiểu cầu của Phương giảm mạnh, máu mồm, máu mũi ồng ộc chảy mà không cầm lại được. Khi đó, do bệnh viện cũng thiếu máu nên gia đình phải kêu gọi hơn 20 người nhà, bạn bè của các con đến truyền máu.
Lan Phương đang chờ được ghép tủy. Anh trai cô bé vừa làm xét nghiệm xem có hợp tủy với em không.
Vốn đã biết đi, nhưng vì bụng quá to (do gan, lách bị suy sau thời gian mắc hội chứng thực bào) bé Nguyễn Đức Trung bây giờ không thể đứng lên được. Ảnh: Minh Thùy. |
Nằm cùng khoa nhi, Viện huyết học và Truyền máu trung ương với Lan Phương, bé trai Nguyễn Đức Trung ở Hưng Hà, Thái Bình cũng có hoàn cảnh đáng thương. Nhìn cậu bé 26 tháng tuổi với nước da vàng bủng, ngồi khó nhọc vì bụng to vượt mặt, không mấy ai cầm được nước mắt. Em bị hội chứng thực bào - một bệnh lý cấp tính, nặng và hiếm gặp ở trẻ em. Đây là bệnh có thể do di truyền, miễn dịch, nhiễm trùng hay bệnh máu ác tính, với các biểu hiện như sốt cao liên tục trên 7 ngày, gan, lách to, giảm 2/3 dòng tế bào máu...
Mẹ bé Trung kể, khi mới sinh, Trung rất khỏe mạnh, bụ bẫm. Lúc con được 9 tháng, bé bị sốt kéo dài, da vàng, xỉn rồi bụng ngày càng to. Vợ chồng chị cho con đi khám nhiều nơi nhưng đều không phát hiện ra bệnh. Mãi tới tháng 7 năm ngoái, khi tới Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ mới kết luận bé bị hội chứng thực bào máu. Sau 3 tháng điều trị tại viện nhi, bé Trung được chuyển sang Viện huyết học vì liên tục phải truyền máu, huyết tương.
"Dù bệnh, đau nhưng cháu ngoan lắm, đêm trằn trọc không ngủ được nhưng cũng không khóc, có lúc mẹ mệt quá thiếp đi thì con ọ ẹ gọi mẹ xoa, gãi người cho đỡ khó chịu. Lâu lắm rồi hai mẹ con cũng không về, cậu anh 6 tuổi đang ở với ông bà nội, còn bố cháu thì đi làm bảo vệ kiếm tiền cho con chữa bệnh", mẹ bé thổ lộ.
Sau Tết, tình trạng thiếu máu trầm trọng khiến không ít người mắc các bệnh cần truyền máu và các chế phẩm từ máu như tiểu cầu, huyết tương... càng nguy khốn. Đối với những người mắc các bệnh bẩm sinh về máu, cuộc sống cả đời phụ thuộc vào việc truyền máu cũng thấp thỏm khôn nguôi.
Trường hợp của anh Trần Văn Thương (Hoành Bồ, Quảng Ninh) là một điển hình.
Anh Thương kể, từ khi biết đi, anh đã bắt đầu thấy đau các khớp trên cơ thể. Năm 1997, anh bị đau nhức tay, đi khám ở bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ không chẩn đoán đúng bệnh, đã tiêm thuốc giảm đau trúng huyệt khiến vết thương càng sưng, tím rồi bị hoại tử và anh bị cắt cụt một cánh tay. Năm 2005, anh đi xét nghiệm thì phát hiện bị hemophilia (máu khó đông). Dù vậy, do gia đình khó khăn, anh không dám đi chữa mà cố chịu đựng ở nhà.
Mãi tới năm 2008, khi một khối máu tụ ở đùi vỡ, mất quá nhiều máu, anh đau đớn, suy kiệt và phải nhập viện. Từ đó tới nay, anh sống chủ yếu trong bệnh viện, mỗi ngày phải truyền ít nhất hai đơn vị máu.
"Nếu không được truyền máu, tôi không thể sống quá một tuần. Nhiều lúc tôi thấy tuyệt vọng lắm. Mình đã bệnh tật, không làm được gì, lại gây tốn kém cho gia đình, rồi lúc nào cũng phải phiền thêm một người đi theo chăm sóc...", người đàn ông 36 tuổi rưng rưng nói.
Cũng phải truyền máu cả đời để duy trì cuộc sống, chàng trai Đỗ Hải (phố Vĩnh Phúc, Hà Nội) luôn cố gắng lạc quan để mọi người không phải lo lắng cho mình. Bị thiếu máu huyết tán, Hải thường xanh xao, mệt mỏi do thiếu máu. Cứ 2-3 tháng, Hải lại phải vào viện truyền máu một đợt (kéo dài khoảng 1-2 tuần). Những thời điểm đến hạn truyền máu, Hải thường xuyên đau đầu, chóng mặt.
"Mỗi người mỗi cảnh, em biết bệnh của mình và vui vẻ chấp nhận vì biết không thể thay đổi được", Hải thổ lộ.
Dù liên tục phải nghỉ học vào viện điều trị, nhưng chàng thanh niên có gương mặt hồn hậu này cũng vẫn tiếp tục theo học Đại học công nghệ thông tin và sẵn sàng cho cuộc sống tự lập.
Theo Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, có rất nhiều bệnh nhân phải duy trì sự sống và tìm cơ hội chữa bệnh nhờ nguồn máu hiến. Trong đó, những người bị mắc hai bệnh về máu bẩm sinh là bệnh ưa chảy máu (máu khó đông) và bệnh tan máu bẩm sinh (thiếu máu huyết tán) thì cần phải truyền máu cả đời, nếu không sẽ tử vong. Một số bệnh mắc phải khác, như suy tủy, hội chứng thực bào, ung thư máu... thì cần truyền máu trong thời gian nhất định, nếu bệnh nhân đáp ứng với quá trình điều trị, tình trạng sức khỏe ổn định thì mới khỏi phụ thuộc vào việc truyền máu.
Thạc sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cho biết, những năm gần đây, lượng máu tiếp nhận được trên toàn quốc tăng đáng kể, mỗi năm tăng khoảng 15% so với năm trước. Tuy nhiên, lượng máu thu được mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu và vẫn còn phải lấy máu từ người cho lấy tiền.
Năm 2010, cả nước thu được khoảng 670.000 đơn vị máu, trong đó 84% là từ nguồn hiến máu tình nguyện. Tình trạng thiếu máu cơ bản đã được khắc phục, tuy nhiên, mùa hè, mùa nghỉ Tết, đầu Xuân, tình trạng khan hiếm máu, thiếu máu cho điều trị vẫn phổ biến và khá trầm trọng.
Ông Quân cho biết, năm nay, lượng máu chuẩn bị cơ bản đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho điều trị. Tuy nhiên, ngay sau Tết, số bệnh nhân trở lại bệnh viện nhanh chóng, số ca tai nạn, cấp cứu tăng vọt nên nhu cầu máu đang tăng rất cao, nhiều bệnh viện đang rất thiếu máu cho điều trị. Trong đó, một loại chế phẩm đặc biệt thiếu đó là tiểu cầu, do thời gian bảo quản được tiểu cầu rất ngắn (3-5 ngày) và để có được một đơn vị tiểu cầu thông thường, cần tới 4 người hiến máu. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc cấp cứu, xử trí các trường hợp xuất huyết, chảy máu, mất máu... Bởi vậy, các bác sĩ phải cố gắng điều tiết, ưu tiên những trường hợp cần kíp và kêu gọi nguồn hiến máu để giúp những người bệnh.
Minh Thùy