"Không thể nói thiếu, phải nói không có máu mới chính xác", một bác sĩ tại ngân hàng máu Bệnh viện 115 cho biết.
Theo bác sĩ này, tình hình thiếu máu diễn ra từ sau tết Mậu Tý nên nếu mua được, máu cũng chỉ dành cho những trường hợp cấp cứu khẩn. Các bệnh nhân điều trị dài hạn đành phải hoãn lại.
Phòng cấp cứu đầy ắp bệnh nhân cần máu. Ảnh: Thiên Chương. |
Tại khoa tiêu hóa của bệnh viện, chị Lê Hoàng Nhung, nhà ở quận 7, đang hết sức lo lắng cho chồng mình vì căn bệnh của anh luôn cần máu. "Hôm anh ấy nhập viện, hai đứa con tôi đã phải hiến máu để cứu chữa. Mấy hôm nay vẫn phải cần máu nhưng đành chờ đợi vì bệnh viện hết máu, các con tôi cũng không còn đủ sức khỏe để cho", chị Nhung than thở.
Còn tại bệnh viện Ung Bướu TP HCM, Giám đốc Lê Hoàng Minh, cho biết, mỗi ngày nhu cầu sử dụng máu của bệnh viện khoảng 40 đơn vị máu (mỗi đơn vị 250 ml), thế nhưng sáng nay, chật vật lắm bệnh viện mới mua được 5 đơn vị từ bệnh viện Huyết học Quân đội.
"Số tài sản quý báu này chỉ để dành cho nạn nhân cấp cứu khẩn, những bệnh nhân khác phải nhờ đến thân nhân hoặc chờ", bác sĩ Minh nói. Cũng theo ông Minh, chưa năm nào máu bị khan hiếm như đợt này. Việc thiếu máu đã làm ảnh hưởng đến công tác điều trị đặc biệt với những bệnh nhân bị ung thư máu.
Bệnh viện phụ sản Từ Dũ cũng có chung cảnh ngộ. Toàn bệnh viện chỉ còn 2 đơn vị máu, trong khi đó nhu cầu sử dụng hằng ngày là 20 đơn vị. Tại phòng chờ sinh của bệnh viện, hơn 50 sản phụ vẫn đang chờ, trong số ấy, nhiều người dự kiến sinh mổ phải cần máu.
Theo ngân hàng máu của bệnh viện Từ Dũ, nếu có cùng một lúc nhiều sản phụ sinh mổ, hoặc có ca băng huyết cần cấp cứu, giải pháp duy nhất là vận động y bác sĩ cho máu, nếu không có nhóm máu phù hợp thì người thân phải cho. "Vấn đề đang rất nguy cấp", một bác sĩ cho biết.
Nhiều người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương cũng nơm nớp lo âu vì thiếu máu. Chị Ý Nhi, nhà ở Bình Dương chia sẻ về người em bị thiếu máu mãn tính, vốn chỉ sử dụng máu O, nhưng bệnh viện đã hết sạch. Theo bác sĩ Huỳnh Giao, phụ trách phòng xét nghiệm của bệnh viện, hiện ngân hàng máu chỉ còn 3 đơn vị hồng cầu lắng nhưng không có máu O. "Vay mượn mãi mà không có, bệnh viện phải huy động các bác sĩ trong khoa hiến máu để đề phòng trường hợp khẩn cấp", bác sĩ Giao nói.
Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, Trương Thị Kim Dung, cho biết, mỗi ngày các bệnh viện trên toàn thành phố tiêu thụ khoảng 300 đơn vị máu, nguồn này phụ thuộc vào lượng máu hiến nhân đạo của Trung tâm Hiến máu nhân đạo thành phố. Tuy nhiên từ sau Tết đến nay, mỗi ngày số máu cung cấp chỉ khoảng 100 đơn vị, còn lại các bệnh viện tự xoay sở.
Cũng theo bà Dung, lượng người bán máu chuyên nghiệp sau Tết Mậu Tý giảm 50% so với trước. Hiện nay, lượng máu mua được chủ yếu là dân Sài Gòn, người ngoại tỉnh có lẽ về quê chưa vào.
Còn theo bác sĩ Bùi Văn Thêm, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo thành phố, nơi đây đã tổ chức tiếp nhận máu hiến từ mồng 4 Tết nhưng mỗi ngày chỉ có thể tiếp nhận khoảng 30 đơn vị. Các trung tâm lấy máu tại các quận, huyện cũng chưa tổ chức hoạt động này. "Lý do là sau Tết người dân có tâm lý không muốn đi hiến máu vào những ngày đầu năm, thêm nữa, học sinh sinh viên về quê vẫn chưa vào đủ", ông Thêm nói.
Thiên Chương