Căn phòng chừng 12m2, ánh sáng đèn chữ U yếu ớt, chiếc quạt máy "trùm mền" lâu lâu có khách đến chơi mới bật cho đỡ nóng rồi lại tắt đi để tiết kiệm điện, là nơi cư ngụ của gia đình chị Hà.
Chị Hà cho biết, căn phòng này thuê với giá 750.000 đồng mỗi tháng, mới đây chủ trọ thông báo sẽ tăng thêm 50.000 đồng, riêng tiền điện, nước tháng này cũng tăng mỗi món 10.000 đồng. Chị tính toán, tổng cộng các khoản chi tiêu ăn uống cho cả nhà, học phí cho con cũng hết 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, tiền lương cơ bản của hai vợ chồng cũng chỉ hơn 3,5 triệu mỗi tháng.
Vợ chồng cùng với cậu con 5 tuổi ngồi quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Chị Hà phân trần: "Thịt cá dạo này mắc quá, chỉ có đậu hũ, rau các loại thì giá cả vừa phải hơn nên cả tuần nay nhà phải ăn mấy món này suốt, cũng lo con không đủ dinh dưỡng nhưng thời buổi khó khăn, phải chi ly tính toán lắm mới được". Thế mà, chị Hà nói, cả mì gói gần đây cũng tăng giá, lên thêm ít nhất 500 đồng nữa.
Gần nhà chị Hà, vợ chồng anh Trường cũng đang dùng cơm tối với vài con cá khô chiên mặn và dĩa rau muống luộc. Hai vợ chồng đang bàn nhau kế hoạch hạn chế chi tiêu thời buổi khó khăn thì chủ trọ đến báo tiền phòng tháng tới sẽ tăng thêm 100.000 đồng, giá điện nước cũng lên theo giá nhà nước. Cả hai cứ ngồi thở dài mãi: "Phải tằn tiện hơn nữa mới đủ sống!".
Các bà nội trợ công nhân đi chợ chiều chủ yếu chỉ mua rau và đậu hũ. Ảnh: T. Trân. |
Để có được đĩa rau muống luộc kia, từ sau Tết đến nay, chị Lê, vợ anh Trường có sáng kiến cuối giờ làm ghé ngang vườn rau giúp chủ vườn cột những bó rau muống bán; để được trả công bằng 2 bó rau. "Trước không nghĩ ra cách này, từ hôm giá cả đắt đỏ sau Tết đến nay, tôi chợt nghĩ mình chịu khó một chút sau giờ làm mà không phải tốn tiền mua rau nên đến xin phụ giúp vườn, trả công bằng rau. Thế mà họ cũng đồng ý, bảo là đỡ phải trả tiền công", chị Lê cười khi nhớ lại.
Cả khu trọ này có gần 100 gia đình đang sinh sống, hầu hết là người lao động phổ thông nên thu nhập đã ít ỏi lại rất bấp bênh. Rất ít người sắm được xe máy đi làm. Thế nhưng người có xe máy thì lại muốn đổi phương tiện vì giá xăng tăng cao. Anh Trí, chủ một chiếc xe máy cà tàng của Trung Quốc cho biết, hai vợ chồng đều làm công nhân chắt chiu cả chục năm nay mới để dành được tiền mua chiếc xe làm phương tiện đi lại. Song trước tình hình giá xăng tăng thêm 3.000 đồng một lít như hiện nay, anh chị đang bàn nhau bán xe máy để mua xe đạp cũ đi làm. "Vợ chồng cũng đang tính, một là đổi xe đạp, hai là chuyển đến khu trọ gần công ty ở, mặc dù giá thuê đắt hơn chút nhưng đỡ được khoản đi lại", anh Trí bộc bạch. |
Hai năm trước vợ chồng anh Trường rời quê Yên Bái vào Sài Gòn lập nghiệp với hy vọng cuộc sống tương lai bớt lam lũ hơn. Làm công nhân ở KCN Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM), trung bình thu nhập hai người cộng lại được hơn 4 triệu đồng mỗi tháng (kể cả tăng ca). Anh Trường cho biết, riêng khoản chi phí hàng tháng gồm: phòng trọ, ăn uống, sinh hoạt cũng hơn 2 triệu đồng.
Chắt chiu lắm, mỗi tháng anh chị dành dụm được hơn một triệu đồng gửi về quê nhờ ông bà nội lo chi phí ăn uống và học hành cho 2 đứa con. Anh Trường cho biết, trước tình hình bão giá hiện nay, để tiết kiệm chi tiêu, mỗi sáng anh chị bảo nhau tranh thủ dậy sớm để nấu cơm đưa đến công ty ăn trưa, đỡ thêm được khoản tiền 10.000 đồng mỗi bữa.
"Bình thường phải dè xẻn lắm, cả năm trời không dám mua chiếc áo mới thì còn dư được vài đồng phòng lúc ốm đau. Giờ giá phòng, rồi điện, nước, gas, thức ăn đều tăng thế này chắc không còn đồng nào", anh Trường trầm tư.
Đời sống công nhân nghèo vốn đã thiếu thốn nay lại khó khăn hơn trước "bão giá". Ảnh: T. Trân. |
Con đường dẫn đến khu trọ công nhân ở quận Tân Bình, TP HCM, đến cuối ngày lại xuất hiện những xóm chợ nhỏ. Tan ca, hàng nghìn nam nữ công nhân đổ vào các khu chợ dã chiến ven đường để mua thức ăn chuẩn bị cho bữa tối sau một ngày làm việc vất vả. Hàng chợ vẫn bán cá thịt, nhưng đa phần người chọn mua trứng, cá khô, đậu hũ và các loại rau cải, rau muống, dưa leo. Khu chợ đông nghẹt ồn ào với tiếng í ới của công nhân trả giá từng vài trăm đồng để mua được một món vừa túi tiền.
"Cầm 50 nghìn đi chợ mà cứ như bị móc ví vậy, mới mua vài thứ đã hết sạch", chị Thu Hà, công nhân xí nghiệp giày da tại KCN Tân Bình (quê Quảng Ngãi) than thở với nhóm bạn.
Một nữ công nhân khác nghe vậy cũng góp chuyện bức xúc: "Hồi nãy tớ mua 3.000 đồng cà pháo mà họ nhất định không bán mới tức chứ. Thế là đành phải bỏ ra 5.000 đồng mới mua được vài miếng về ăn với mắm tôm cho đỡ ghiền".
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý các KCN tại TP HCM cho biết, trước tình hình giá cả leo thang như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang lưu ý tới vấn đề hỗ trợ giúp công nhân vơi đi khó khăn. Cụ thể như Công ty Pouyuen, KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) hỗ trợ trượt giá 250.000 đồng một người một tháng; Công ty Nissei, KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức) hỗ trợ 200.000 đồng, bao gồm tiền trợ cấp ăn uống, trợ cấp năng suất...
Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ đời sống tinh thần dành cho công nhân tại TP HCM cũng tặng hơn 680 triệu đồng học bổng và cho người lao động vay không lãi gần 1,4 tỷ đồng. Những chính sách này nhằm giúp công nhân nghèo có cơ hội học kỹ năng nâng cao tay nghề, cải thiện thu nhập.
Đại diện Ban quản lý quỹ này cũng cho biết, công nhân có hoàn cảnh khó khăn muốn vay tiền đi học có thể gửi hồ sơ theo địa chỉ: Văn phòng quỹ Hỗ trợ công nhân, số 35 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đakao, quận 1, TP HCM. Điện thoại 08. 38232577 hoặc 0986 978 436.
Thi Trân