Khảo sát của VnExpress.net, hầu như các khu nhà trọ trên địa bàn thành phố đều điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt trung bình 500-1000 đồng mỗi kWh. Như vậy ở các khu nhà trọ, giá điện tăng gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần so với mức điều chỉnh của Nhà nước. Chị Thanh Tú thuê nhà trọ trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP HCM, nói với VnExpress.net: "Tôi vừa nhận thông báo của chủ nhà trọ rằng tiền điện sẽ tăng từ 3.000 đồng một kWh lên thành 4.000 đồng. Giá điện nhà nước tăng vài trăm đồng vậy mà người thuê nhà phải trả đến 1.000 đồng".
Người phụ nữ này nhẩm tính, theo thông báo của chủ nhà trọ, chị sẽ phải trả giá điện tăng 30% so với giá điện nhà trọ trước đây. Người này cho hay, tiền điện đang chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng chi phí của hai vợ chồng. Mỗi tháng chị phải trả tiền điện phòng trọ là 100 nghìn đồng cho các thiết bị điện tối thiểu: đèn, nồi cơm điện, tivi, quạt máy, laptop chỉ dùng vào buổi tối.
Để đối phó với tình trạng giá điện nhà trọ tăng cao như thế này, người thuê nhà không còn cách nào khác là phải cắt giảm điện tối đa để tránh đội chi phí tiền điện lên quá cao. Chị Tú cho hay, chồng chị đã thay tất cả bóng đèn huỳnh quang dài bằng đèn huỳnh quang compact và huỳnh quang ống nhỏ. Trong khi đó, chủ nhà trọ chọn giải pháp thắp sáng cho các lối đi bằng loại đèn quả ớt ánh sáng vàng không tiêu hao năng lượng.
"Trước Tết, vợ chồng tôi còn định mua tủ lạnh nhưng khi chủ nhà trọ thông báo giá điện tháng 3 tăng thì tôi từ bỏ hẳn kế hoạch mua thêm bất cứ thiết bị điện nào", chị Tú bộc bạch.
Những loại bóng đèn và thiết bị tiết kiệm năng lượng được nhiều người quan tâm. Ảnh: Vũ Lê. |
Trong khi đó, ở khu vực quận Gò Vấp, các khu nhà trọ nhỏ lẻ trên đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Oanh, Lê Đức Thọ cũng được chủ nhà thông báo tăng giá điện từ 500 đồng đến 1.000 đồng mỗi kWh so với trước đây.
Là sinh viên năm thứ ba Đại học Công nghiệp TP HCM, hết suất trọ trong ký túc xá của trường, bạn Đức Thịnh xoay sở thuê phòng trọ trên đường Nguyễn Kiệm. Thịnh cho biết: "Với giá điện 3000 đồng em đã thấy quá đắt đỏ và luôn phải tiết kiệm. Sắp tới giá điện nhà trọ tăng lên thành 3.500 đồng mỗi kWh thì tiền điện phải trả sẽ tăng thêm 14% so với trước Tết". Sinh viên này cho hay, bạn sẽ chọn giải pháp tình thế là thường xuyên vào thư viện trường học bài, để tránh sử dụng thiết bị điện ở nhà trọ.
Việc các chủ phòng trọ, nhà cho thuê tăng giá điện sinh hoạt với khách thuê không dừng lại ở mức giá điều chỉnh. Nhiều người ở trọ cho hay, chủ nhà khống chế cả hạn mức sử dụng điện với khách thuê phòng. Đơn cử như trường hợp của anh Quang, nhân viên bảo vệ, trọ ở khu hẻm nối đường Nguyễn Du với Lý Tự Trọng, quận 1, thuê phòng dưới hình thức ở ghép. Theo đó, tiền điện anh phải trả cho suất của mình là 30 nghìn đồng một tháng, chỉ được dùng đèn thắp sáng và quạt máy. Nếu bắc thêm nồi cơm điện, hay dùng bất cứ một thiết bị điện nào khác, anh phải báo với chủ nhà và trả mức phí dôi thêm trung bình là 30-50 nghìn đồng mỗi tháng.
Người dân cần lưu ý cách sử dụng các thiết bị điện trong nhà để sử dụng điện hiệu quả hơn nhằm tiết kiệm các khoản chi tiền điện. Ảnh: Vũ Lê. |
Sức ép từ việc tăng giá điện lên người nhập cư (các trường hợp ở trọ) tại TP HCM có khi khiến họ phải chuyển chỗ ở nếu mức tăng vượt quá sức chi trả. Bởi lẽ, mặc dù người đi thuê nhà rất bức xúc khi nhận thông báo tăng giá điện với tỷ lệ 30% so với giá trước đây nhưng họ không thể đối thoại với người cho thuê. Tình thế thường gặp là, nếu không bằng lòng với mức giá mới, khách thuê sẽ tự dọn đi.
Theo giải thích của giới kinh doanh nhà cho thuê nhỏ lẻ trên địa bàn TP HCM, sở dĩ họ phải tăng giá điện sinh hoạt lên thêm 500-1000 đồng mỗi kWh, vì toàn hệ thống điện của các phòng trọ vẫn chỉ được tính là số điện tiêu thụ của một hộ gia đình. Theo đó, hộ của họ dùng nhiều điện thì phải trả mức giá lũy tiến rất cao. "Tôi không còn cách nào khác là tăng tiền điện, nếu không điều chỉnh thì mỗi tháng phải móc tiền túi trả bù", một chủ nhà trọ ở quận Phú Nhuận cho biết.
Hà Thanh