Ảnh: Kerjasam. |
Tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là trên 49% và ở phụ nữ là dưới 2%. Những thông số này được ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu về thuế thuốc lá tại Việt Nam sáng 9/3.
Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2003, có 71% trẻ em dưới 5 tuổi sống trong các gia đình ít nhất một người hút thuốc. Gần 60% em tuổi thiếu niên, nói thường xuyên hít phải khói thuốc lá ở nhà.
"Trẻ em đặc biệt dễ bị tác động bởi khói thuốc thụ động. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị suy sinh dưỡng và dẫn đến các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp dưới, viêm tai giữa, suy giảm chức năng hô hấp...", ông Khuê nói.
Cũng theo ông Khuê, thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là gánh nặng kinh tế với cá nhân, gia đình và xã hội. Một nghiên cứu vào năm 2003 cho thấy, mỗi năm tổng số tiền mua thuốc lá ở Việt Nam ước tính hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương với 2,4 triệu tấn gạo, đủ nuôi được 15,6 triệu dân trong một năm. Ba năm sau, một nghiên cứu tương tự cho kết quả số tiền mua thuốc lá cả nước đã tròm trèm 14.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí cho 3 bệnh phổ biến nhất do thuốc lá gây ra (ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, phổi tắc nghẽn) cũng lên đến con số nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến tình trạng hút thuốc lá vẫn phổ biến ở Việt Nam một phần là do giá thuốc lá còn rất thấp. Trung bình chỉ cần 3.500 đồng, nhiều người có thể mua được một bao thuốc lá 20 điếu.
Tiến sĩ Jean Marc Olive, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: "Giá các sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam vẫn chưa tăng kể từ năm 1995, trong khi thu nhập của người dân đã tăng hơn 80%. Trên thực tế, mức giá này đã giảm trung bình khoảng 5%. Vì thế, thuốc lá ngày càng trở nên rẻ hơn".
Nhiều chuyên gia cho rằng cách hiệu quả nhất để giảm việc sử dụng thuốc lá là tăng giá thông qua tăng thuế. Ở những nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả, mặt hàng này bị đánh thuế từ 65% đến 80%. Trong khi đó, ở Việt Nam, mức thuế cao nhất là 45%.
Nam Phương