"Đi ăn ở hầu hết các nhà hàng ở Hà Nội, khả năng phải trở thành người hút thuốc thụ động là tất yếu", một quan chức nhận định trong cuộc khảo sát mới đây tại 3 tỉnh ở VN về thực trạng hút thuốc lá nơi công cộng. Nghiên cứu do Đại học Y Hà Nội tiến hành tháng 4/2009, nhằm đánh giá việc thực thi quy định cấm hút thuốc lá tại một số nơi công cộng tại Việt Nam, tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long (đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam). Quy định này ra đời 4 năm trước, với việc cấm hút thuốc ở một số như nhà ga, bến xe, sau đó đến bệnh viện, nhà hàng... Nghiên cứu có sự tham gia của các đại diện lãnh đạo từ trung ương, đến tỉnh, huyện cùng với hơn 600 người dân. Đây là tiền đề cho việc triển khai thực hiện dự án vì "một Việt Nam không khói thuốc". Kết quả cho thấy quy định cấm hút thuốc nơi công cộng còn chưa được thực hiện nghiêm túc. Cả cán bộ và người dân đều chưa có ý thức và chưa chú ý đến các quy định này. Đại diện của một Bộ liên quan đến việc phòng chống tác hại thuốc lá khi được hỏi cũng thừa nhận: "Nhiều người thậm chí còn hút ngay dưới biển 'Không hút thuốc'... Không chỉ ở nơi làm việc, người ta có thể tiếp xúc với khói thuốc lá ở bất cứ đâu". Địa điểm hứng khói thuốc nhiều nhất trong vòng một tháng qua chủ yếu là ở các nhà hàng, quán cafe, chiếm 72,5%.
Cũng theo nghiên cứu, trong số các địa điểm công cộng, nơi được đánh giá thực thi quy định có vẻ tốt hơn là phương tiện giao thông công cộng, bệnh viện, rạp chiếu phim, rạp hát, trường tiểu học vì áp lực của xung quanh, có người nhắc nhở... Trong khi đó, tại các cơ quan, công sở chỉ một số cá nhân tự giác chấp hành chứ không phải do tác động của nội quy. Nhân viên không hút thuốc trong nhà nhưng vẫn hút thuốc ngoài hành lang. Tỷ lệ người dân nhìn thấy người hút thuốc lá tại các văn phòng của cơ quan nhà nước là gần 56%. "Gần như không thực hiện được. Thực tế, không có quy định cấm hút thuốc lá mà chỉ là khuyên. Ngay như cơ quan tôi cũng vậy. Họ không hút trong phòng là do một phần họ ý thức được điều đó, một phần là các chị em trong phòng kêu", một đại biểu của Ủy ban Các vấn đề xã hội thừa nhận khi được hỏi. Trong khi đó, phần lớn người dân được hỏi đều không biết tới quy định cấm hút thuốc tại các quán cafe hay nhà hàng, rạp chiếu bóng. Đặc biệt, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, không có người dân nào tham gia nghiên cứu biết đến quy định cấm này. Nguyên nhân của thực trạng trên theo nhiều người một phần là do thiếu các chế tài nghiêm khắc để xử phạt các hành vi vi phạm. "Nguyên nhân thật đơn giản vì nếu có hút cũng không bị phạt, cùng lắm chỉ bị nhắc nhở hoặc nhận được những ánh mắt thiếu thiện cảm", một quan chức khi được hỏi cho biết. Một cán bộ lãnh đạo cấp huyện cũng bày tỏ: "Các quy định đưa ra nhưng chưa được kiểm tra, giám sát. Có quy định hình thức xử phạt nhưng tôi chưa thấy ai xử phạt những người hút thuốc ở những nơi có bảng cấm. Điều này tạo cho họ có thái độ xem thường các quy định và cũng khiến cho người khác cũng có suy nghĩ không tốt về tính nghiêm minh của các quy định Pháp luật". Cũng chính vì thế, ngày 18/12, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ lá phổi thế giới phát động chiến dịch truyền thông quốc gia nhằm kêu gọi thực hiện cấm hút thuốc lá tại tất cả các nơi công cộng. Chiến dịch truyền thông này gồm hai đoạn quảng cáo truyền hình và sẽ được phát sóng trong thời gian bốn tuần trên phạm vi khắp Việt Nam. Bà Sandra Mullin, Phó Chủ tịch Cao cấp phụ trách Truyền thông của Quỹ Lá Phổi Thế Giới, cho biết: "Các thông điệp chứa nhiều hình ảnh có khả năng tạo động lực khiến người ta bỏ thuốc. Chiến dịch này sử dụng các hình ảnh có tác dụng mạnh để truyền đạt thông điệp rằng hút thuốc và khói thuốc thụ động đều là những tác nhân gây chết người, đặc biệt là đối với trẻ em". Nam Phương |