Ảnh minh họa: tinhnguyenhaidang. |
Trong những công trình thực nghiệm đã được công bố, hai nhà nghiên cứu tâm lý Allen và Barbara Pease chỉ ra, có 5 sai lầm người ta thường mắc phải khi quyết định lựa chọn người bạn đời mà kết cục của những cuộc hôn nhân đặt nền tảng trên những sai lầm này thường dẫn đến đổ vỡ. Cụ thể như sau:
1. Đánh giá và quyết định cảm tính khi mới quen nhau:
Khi thần tình ái gõ cửa trái tim thì sự si mê, cuốn hút lẫn nhau thường khiến người ta có cảm giác như đang say thuốc. Thực tế, khi một người đang yêu "điên cuồng", những quyết định của họ thường mang cảm tính nhất thời, thay vì trong những trường hợp khác, bản thân họ sẽ suy xét cẩn trọng xem có nên gắn cả cuộc đời mình với con người này hay không.
Trong tác phẩm "Why man want sex and women need love", hai tác giả Allen và Barbara Pease đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn đầu tình yêu lãng mạn, não con người sẽ tiết ra rất nhiều hormone khiến người ta nhìn mọi thứ toàn màu hồng, hạnh phúc ngất ngây bao trùm, nó gần giống với cảm giác chuếnh choáng khi say thuốc. Vì thế ở đây người ta thường có quyết định cảm tính, đánh giá thiếu khách quan.
Tác giả cuốn sách khuyên, nếu lúc bạn muốn quyết định gắn bó cuộc đời của mình với một ai đó mới quen chỉ vì họ có sức quyến rũ "chết người" hoặc do họ đem đến cho bạn hạnh phúc ngây ngất, thì tốt nhất "hãy tự dội lên mình một gáo nước lạnh cho tỉnh táo". Bởi vì trong giai đoạn này chính các hormone bản năng đang chi phối hành vi của bạn chứ không phải là lý trí mách bảo.
Tóm lại, dù có say mê như "điếu đổ" cũng phải hãy dặn lòng rằng, đợi một thời gian nữa trước khi có bất kỳ quyết định hệ trọng nào.
2. Kết hôn với một người chỉ vì lý do người ấy yêu mình:
Bạn quyết định tiến đến hôn nhân với một người chỉ vì họ si mê và sẵn sàng làm mọi thứ vì bạn. Nhất là trong khoảng thời gian vừa chia tay người yêu hoặc ly dị, bạn cảm thấy thiếu thốn tình cảm nên thường quyết định bồng bột. Allen và Barbara Pease khuyên, hãy dành ra 10% độ dài thời gian để vượt qua giai đoạn đau đớn ấy, lấy lại cân bằng, rồi sau đó mới tính đến chuyện tìm một người bạn đời để gắn bó lâu dài.
3. Luôn nhượng bộ ngay cả trong tình yêu và khi quyết định tiến đến hôn nhân:
Trong tình yêu, sự gắng gượng để luôn làm vui lòng đối tượng, luôn tỏ ra nhã nhặn, dung hòa, tránh mọi hành vi hay lời nói làm người yêu buồn lòng... đến một lúc nào đó sẽ khiến bạn mệt mỏi và trở thành người nhu nhược, là "nô lệ của tình yêu". Ở đây chẳng những bạn sẽ không nhận được sự tôn trọng, thấu hiểu của người tình mà trái lại thái độ thụ động, cam chịu và nỗi tức giận sẽ dồn nén trong lòng, khiến bạn cảm thấy bí bách ngay trong "lâu đài tình ái" của mình.
Vì thế, các nhà tâm lý học khuyên, trong tình yêu con người nên thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình. Đôi khi sự bộc lộ ấy có thể là nguyên nhân dẫn đến hiểu lầm, tranh cãi nhưng phải có những lúc như thế bạn mới hiểu được con người thực của bạn tình.
4. Luôn tìm cách phủ nhận khuyết điểm của người yêu:
Phần lớn những cặp tình nhân khi yêu và dắt tay nhau đến hôn nhân đều tin rằng chỉ có cái chết mới chia lìa được hai con tim đã hoà chung nhịp đập. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay ở một số nước, tỷ lệ ly hôn đã lên đến con số trên 50%, trong khi tỷ lệ ngoại tình ước tính khoảng 30-60% và đàn ông chiếm phần lớn trường hợp.
Trên thực tế, lúc yêu người ta thường giận nhiều hơn nhưng lại dễ tha thứ hơn khi đã về sống chung một mái nhà. Vì thế đã yêu nhau, người ta thường bỏ ngoài tai những lời góp ý từ bên ngoài về những nết xấu của bạn tình, hoặc chính bản thân họ nhận thấy điều ấy nhưng lại tự biện bạch, lấp liếm nó.
Tuy nhiên xuất phát từ thực tế đổ vỡ của nhiều cặp vợ chồng có hoàn cảnh tương tự như trên, Allen và Barbara Pease kết luận, nếu trong lúc còn mặn nồng mà bạn không nghiêm túc suy xét về những khuyết điểm, tật xấu của người yêu để tính xem nó có phù hợp với đời sống vợ chồng về sau không, thì chính bạn là người tự "đeo gông vào cổ" mình.
5. Chấp nhận lập gia đình với một người mà bạn nghĩ rằng có thể thay đổi những tật xấu của họ:
Nhiều chị em tin rằng sức mạnh kỳ diệu của tình yêu sẽ cảm hóa được con người ngay cả khi anh ta là một con nghiện. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi cưới nhau về, tỷ lệ những tật xấu sẽ xuất hiện nhiều hơn, đến lúc này người phụ nữ mới ôm mặt ân hận: "Sao tôi lại dại dột đi lấy một tên tội phạm".
Mặc dù tình yêu có thể giúp một con người trở nên tốt hơn, song các nhà tâm lý học lại nhắc đến quy luật muôn thuở "Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời". Nó chi phối mạnh mẽ hơn thể hiện rõ ràng hơn khi mà đời sống hôn nhân đã phần nào vơi đi sự hấp dẫn.
Thi Trân