Vốn dịu dàng, xinh đẹp, lại là con nhà gia giáo, từ khi lớn lên Hương (quê Đồng Nai) được nhiều chàng trai danh giá trong và ngoài làng để ý. Tuy nhiên, với sự góp ý của cha mẹ, chị nhanh chóng quyết định kết hôn với Tùng, một anh chàng nhà nghèo làng bên, vì anh "hiền lành và biết chí thú làm ăn".
"2 tháng yêu nhau, anh ấy rất hiền lành tử tế, tuy có biết uống rượu nhưng chỉ cần tôi nói là anh dừng lại. Thỉnh thoảng anh ấy cũng mượn tiền nói là đi công chuyện (sau tôi mới biết là đi đánh đề) nhưng trả lại ngay khiến cả nhà đều rất yên tâm. Ai ngờ lấy rồi mới thấy chồng là đệ tử ruột của đề đóm, cá độ, vô trách nhiệm với vợ con. Nhiều lần tức quá, tôi bật khóc trước mặt anh, đòi ly dị, lúc đó anh cũng xuống nước hứa bỏ xong rồi lại chứng nào tật nấy", chị Hương sụt sùi kể.
Giấc mộng uyên ương tan vỡ khi hình tượng bạn đời sụp đổ. Ảnh minh họa: xaluan.com. |
Cuộc sống vợ chồng ngột ngạt khiến chị Hương ngày càng gầy gò, da dẻ xanh xao hốc hác. Đã nhiều lần người mẹ 24 tuổi tính tới chuyện ly hôn nhưng nghĩ vì đứa con nên không đành, còn chồng thì chị "không thiết gì nữa".
Cảnh tréo ngoe cũng xảy đến với gia đình anh Thành, kỹ sư điện tử lâu năm ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Có người yêu khi tuổi đã gần 40, anh Thành giục cưới ngay bởi ông bà sốt ruột có cháu. Chị cũng là thạc sĩ kinh tế rất giỏi việc kinh doanh, tuổi đã ngoài băm. Vậy là chỉ sau hơn chục buổi đi uống nước, dạo chơi ngoại thành, hai gia đình đã dạm ngõ rồi tổ chức đám cưới linh đình. Đời sống gia đình tiện nghi, anh chị không phải lo lắng về kinh tế, song chính vì có tiền nên cách ứng xử "bề trên" của vợ với nhà nội lại khiến anh đau lòng.
"Đôi khi chứng kiến vợ cự cãi tay đôi với cha mẹ mình mỗi khi có điều trái ý khiến tôi rất khó xử. Bênh vợ thì mang tội bất hiếu, còn bênh cha mẹ thì vợ chồng lại lục đục nên nhiều khi tôi chỉ biết im lặng cho qua chuyện. Ấy vậy mà mỗi lần tôi ngọt nhạt góp ý thì cô ấy lại ngúng nguẩy đòi chia tay khiến tôi thực sự thất vọng, nhiều lúc nghĩ quẩn giá như trước đây đừng lấy nhau", anh Thành đau đáu.
Với nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý gia đình, Linh mục Nguyễn Bá Thông, người sáng lập Trung tâm tư vấn tâm lý Nhịp cầu hạnh phúc cho rằng, hiện trạng ly hôn của gia đình trẻ đang là mối lo của toàn xã hội.
Nguyên nhân được xác định ở đây chủ yếu là do các bạn trẻ thiếu kiến thức về đời sống hôn nhân, cộng thêm việc không tìm hiểu kỹ về người bạn đời đã dẫn đến những ngộ nhận khi về sống chung. Vì thế để tránh những đổ vỡ đáng tiếc, vị linh mục nêu lên một số điểm cần mà các cặp uyên ương cần cân nhắc kỹ trước khi kết hôn như sau:
1. Bàn thảo kỹ trước khi tiến đến hôn nhân: Giới trẻ ngày nay yêu nhau thường dành nhiều thời gian khám phá những rung cảm về thể xác hơn là bàn thảo về tương lai của gia đình, con cái, nơi ăn chốn ở, công việc... Trên thực tế, chính những bất đồng do không thống nhất giữa vợ chồng trong trong những vấn đề này thường dẫn đến trục trặc đổ vỡ về sau.
2. Chỉ kết hôn khi thực sự trưởng thành: Sự trưởng thành ở đây không chỉ là "lớn" về thân xác mà còn ở suy nghĩ, tình cảm và trách nhiệm. Khi một người đã thực sự trưởng thành, họ có thể nhận biết được điều tốt và xấu mà phát huy hay hạn chế chúng để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
3. Không sống chung trước hôn nhân (sống thử): Sống chung trước hôn nhân mà không có ràng buộc nào được ví như việc người đi mua một chiếc xe mới. Khi đến garage lái thử xe người này rất thích và muốn mua ngay, tuy nhiên nếu sau khi dùng từ 5 đến 7 tháng, họ sẽ cảm thấy khó chịu vì một vài điểm không ưng ý trong chiếc xe và lại muốn đổi chiếc khác.
4. Biết dừng lại đúng lúc khi mâu thuẫn phát sinh: Khi tranh luận vấn đề gì, một trong 2 người cần biết dừng lại đúng lúc để không đi quá giới hạn làm nảy sinh mâu thuẫn. Hậu quả của những lần tranh luận liên tục như thế thường dẫn đến đổ vỡ, ly hôn.
5. Cùng nhau làm việc nhà: Hiện nay người ta có xu hướng chia việc ra, theo đó mỗi người có một nhiệm vụ riêng và như thế vợ chồng thiếu đi những khoảng thời gian chia sẻ công việc với nhau. Trên thực tế trong những lúc làm việc chung sẽ tạo cho con người cảm giác được đồng hành, chia sẻ và yêu thương nhau gắn bó với nhau hơn.
6. Vợ chồng cần biết tôn trọng lễ nghĩa gia phong cũng như tôn trọng lẫn nhau: Đặc biệt trong cuộc sống gia đình hiện nay, người nào giỏi hơn và làm lương cao hơn thường tỏ thái độ "trên cơ" nên sẽ làm tổn thương bạn đời của mình. Việc tôn trọng này đỏi hỏi phải xuất phát từ cái tâm và cần được thể hiện mọi lúc mọi nơi.
7. Nếu một trong hai người có "bệnh" thì cả hai phải cùng "chữa" cho nhau: Mục đích việc góp ý sửa lỗi nhằm làm cho nhau nên tốt hơn. Tuy nhiên cần phải cẩn thận trong cách góp ý, cần phải tế nhị chứ không nên nói như "đập vào mặt" nhau vì sẽ tạo cho người nghe cảm giác bị xúc phạm sẽ gây ra phản tác dụng.
8. Hôn nhân cần được xây dựng trên nền tảng tình yêu: Trên thực tế có một số cặp vợ chồng lấy nhau để trả nợ vì người kia đã làm ơn cho bản thân hoặc gia đình mình, cũng có cặp khác vì lớn tuổi lấy nhau mà không tìm hiểu kỹ về đối phương. Thông thường khi mâu thuẫn phát sinh mà không có tình yêu, những gia đình này rất khó để giữ được hạnh phúc.
Ngoan Ngoan
*Tên một số nhân vật đã được thay đổi