Sáng 23/6, hơn 540 cán bộ, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM lỉnh kỉnh túi xách, đồ đạc, tập trung trước cơ sở chính chuẩn bị đi công tác dài ngày. Năm nay, trường hỗ trợ tỉnh Bình Phước coi thi THPT quốc gia tại 25 điểm ở hầu hết các thị xã, huyện.
Đây là lần thứ ba phối hợp với tỉnh nên các giảng viên khá thuận lợi trong công tác tổ chức thi. Hơn một tháng trước, trường cử đoàn cán bộ đi tiền trạm, tìm chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt cho giảng viên trong thời gian diễn ra kỳ thi.
"Ban giám hiệu cũng có buổi tập huấn coi thi với giảng viên, lưu ý nhiều điểm mới của năm nay để không xảy ra bất cứ sai sót nào trong những ngày thi", Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương (Phó trưởng phòng Đào tạo) cho biết.
Tương tự, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cử gần 450 cán bộ coi thi và thanh tra phối hợp tỉnh Tây Ninh tổ chức thi tại 16 điểm. Việc di chuyển và tìm nơi ở cho giảng viên khá thuận lợi do trường đã có kinh nghiệm.
Cán bộ thanh tra của trường đã họp với Sở Giáo dục Tây Ninh để lấy chữ ký mẫu vài hôm trước. Ngày mai, cán bộ coi thi sẽ đăng ký chữ ký mẫu trong buổi tập huấn của tỉnh.
Tại Bình Dương, hơn 11.300 thí sinh dự thi tại 21 điểm với sự giám sát của hơn 700 trưởng, phó điểm thi, cán bộ giám sát, y tế và công an. Hai đại học trên địa bàn là Thủ Dầu Một và Bình Dương sẽ phối hợp coi và giám sát kỳ.
Tại Bình Thuận, Đại học Mở TP HCM cử hơn 400 giảng viên phối hợp với tỉnh coi thi tại 16 trong tổng số 26 điểm thi. Năm nay, Bình Thuận có hơn 11.000 người dự thi THPT quốc gia. Riêng 251 thí sinh tại huyện đảo Phú Quý phải di chuyển vào đất liền bởi tỉnh không tổ chức điểm thi tại đây. Họ được Đại học Mở TP HCM hỗ trợ kinh phí đi lại.
Cũng tại Bình Thuận, hơn 100 giảng viên Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM sẽ hỗ trợ 5 điểm thi tại huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi. Chiều nay, đoàn công tác sẽ xuất phát.
Trong khi đó, hơn 500 giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã đến Phú Yên và Bình Định làm nhiệm vụ. PGS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng trường) cho biết, để đảm bảo việc di chuyển nhanh chóng và an toàn, phần lớn giảng viên đi máy bay, chỉ ít người đi xe khách.
Hôm qua 22/6, 375 giảng viên Đại học Nông Lâm TP HCM cũng đến Gia Lai. Hiện, họ đã ổn định chỗ ở tại thành phố Pleiku và các huyện vùng sâu của tỉnh, sẵn sàng hỗ trợ cho kỳ thi THPT quốc gia.
"Địa bàn rất rộng nên việc đi lại có chút vất vả, song trường đã có kinh nghiệm nhiều năm phối hợp nên mọi việc diễn ra rất suôn sẻ. Tinh thần và sức khỏe các giảng viên đang rất tốt, sẵn sàng làm nhiệm vụ", TS Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo) vui vẻ nói.
Tại Kiên Giang, Đại học Luật TP HCM hỗ trợ coi thi với 213 cán bộ tại 23 trong tổng số 26 điểm thi của tỉnh. 31 người được cử đi làm nhiệm vụ tại huyện đảo Phú Quốc. "Lần đầu tiên phối hợp với Kiên Giang nhưng mọi việc chuẩn bị rất thuận lợi, các giảng viên đã ổn định nơi ăn chốn ở", Thạc sĩ Lê Văn Hiển (Phó phòng Đào tạo) chia sẻ.
7 đại học hỗ trợ coi thi tại TP HCM
Năm nay, TP HCM có hơn 78.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó gần 4.500 người là thí sinh tự do. Thành phố bố trí 124 điểm thi rải khắp các quận huyện và phân công hơn 8.800 cán bộ coi thi, trong đó khối đại học hơn 3.200 người.
Các đại học được phân công phối hợp với TP HCM tổ chức thi gồm: Đại học Quốc gia TP HCM, Y dược TP HCM, Nguyễn Tất Thành, Hoa Sen, Văn Hiến, Hồng Bàng, Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Từ ngày 18/6, công tác in sao đề thi được tiến hành với sự hỗ trợ của công an nhằm đảo bảo an toàn và bảo mật. TP HCM sẽ bàn giao đề thi hằng ngày đến các điểm thi bằng 40 ôtô. Những điểm thi ở xa như huyện Cần Giờ, Củ Chi, xe vận chuyển sẽ xuất phát sớm hơn.
Phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, để hạn chế tối đa việc cán bộ coi thi mang theo điện thoại, họ chỉ được mang những vật dụng cần thiết vào phòng thi. "Cứ ba phòng sẽ có một cán bộ giám sát, có trách nhiệm phát hiện và nhắc nhở kịp thời trường hợp cán bộ coi thi mang theo điện thoại", ông Hiếu cho biết.
Các điểm thi phải tuân thủ chặt chẽ quy chế
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc vừa kiểm tra công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện, các tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.
Ông Phúc lưu ý Ban chỉ đạo thi các tỉnh lưu ý năm nay thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần rút ngắn chỉ còn 10 phút. Do đó, giám thị phải nắm vững quy chế, thao tác nhanh gọn để không ảnh hưởng tới thời gian và kết quả làm bài của thí sinh.
Thứ trưởng Giáo dục cho rằng, thực tế qua nhiều năm cho thấy, nhiều sự cố xảy ra do giám thị xử lý tình huống phát sinh theo kinh nghiệm chứ không tuân thủ đúng quy chế hoặc do chưa nắm vững quy chế. Do đó, các tỉnh cần lưu ý để hạn chế tối đa những sự cố.