Sáng 21/6, văn phòng khoa Lý luận Chính trị - Học viện Ngân hàng (Hà Nội) ngổn ngang sổ sách, giấy tờ. Hơn 10 cán bộ, giảng viên tất bật làm đề, chấm thi, vào điểm, báo cáo cuối kỳ... Thầy cô nỗ lực hoàn thành công việc để một ngày nữa yên tâm đi tỉnh coi thi THPT quốc gia.
"Sinh viên sẽ thi cuối kỳ đến hết tháng 6, đầu tháng 7 nên chúng tôi phải làm việc gấp rút để đúng lịch trả điểm cho các em. Số cán bộ đi làm thi THPT quốc gia, thậm chí còn phải tăng ca, mang việc về nhà, để đảm bảo trước khi lên đường công việc ở trường mình đã hoàn tất, không ảnh hưởng đến tiến độ chung", Phó trưởng khoa Trần Thị Thu Hường nói.
Năm 2018, 10 cán bộ, giảng viên của khoa Lý luận Chính trị cùng 230 thầy cô khác ở Học viện Ngân hàng được phân công lên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang tổ chức thi THPT quốc gia. Một số trong đó là thành viên ban chỉ đạo thi, thanh tra, giám sát, phó điểm trưởng, 200 người còn lại là cán bộ coi thi. Theo Trưởng phòng Đào tạo Phạm Quốc Khánh, những người này đều là cán bộ, giảng viên có trách nhiệm, phần lớn đã nhiều lần trông thi THPT quốc gia.
Ngoài gửi tài liệu hướng dẫn công tác coi thi (bản mềm) tới từng thành viên, Học viện Ngân hàng đã 2 lần tổ chức tập huấn để phổ biến điểm mới trong quy chế năm 2018, nhắc nhở tính đặc thù của học sinh vùng cao biên giới Hà Giang... Những lưu ý về ứng xử đúng quy định nhưng phải nhẹ nhàng để không ảnh hưởng tới tâm lý vốn nhút nhát của thí sinh dân tộc, được đặc biệt nhấn mạnh.
Uống hoạt huyết dưỡng não cả tháng để chống say xe
20 điểm cán bộ, giảng viên Học viện Ngân hàng sẽ tới làm thi THPT quốc gia được trải khắp các huyện vùng cao biên giới Hà Giang, như Vị Xuyên, Yên Minh, Mèo Vạc, Xí Mần, Hoàng Su Phì... Từ Hà Nội đến các nơi đó, ngắn là 300 km, dài thì khoảng 420 km, với vô vàn con dốc, cung đường đèo ngoắt ngoéo, những đoạn cua tay áo, một bên là núi bên vực sâu.
Xác định hành trình đi ôtô từ Hà Nội lên Bắc Quang (Hà Giang) rồi trung chuyển đến điểm trông thi sẽ vừa lâu lại nhiều vất vả, từ một tháng trước "hội say xe" của Học viện Ngân hàng đã cùng nhau uống hoạt huyết dưỡng não.
"Năm trước đi coi thi THPT quốc gia ở Mường Ẳng (Điện Biên), quãng đường cũng khoảng 400 km. Đi xe giường nằm, nhưng cả đêm tôi không ngủ được vì đầu óc chếnh choáng. Tới đèo Pha Đin (Sơn La), tôi say xe không biết gì, lên đến Điện Biên thì chân tay không làm nổi gì nữa", TS Bùi Thị Hồng Thúy (khoa Lý luận Chính trị) nhớ lại. Mất một buổi nằm bẹp, nữ giảng viên 35 tuổi mới lấy lại sức lực, tinh thần để những ngày sau làm thi THPT quốc gia.
Mùa thi năm nay, khi biết Học viện Ngân hàng sẽ lên tỉnh Hà Giang phối hợp làm thi, TS Hồng Thúy vẫn hăng hái tham gia. Ngoài chuẩn bị sức khỏe, chị và đồng nghiệp còn làm áo đồng phục in khẩu hiệu Không sợ dốc, sốc tới đỉnh, để khích lệ tinh thần cho "team Hà Giang".
"Đoạn đường sắp tới sẽ rất nhiều dốc cao, đường đèo, khó khăn, nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng lên đường và sẽ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ coi thi THPT quốc gia", nữ giảng viên hào hứng chia sẻ ý nghĩa slogan.
Gửi con về quê để mẹ đi làm thi THPT quốc gia
Chuyến đi Hà Giang để làm thi THPT quốc gia sẽ kéo dài 6 ngày, vì thế ngoài nỗ lực hoàn tất việc ở trường, các cán bộ, giảng viên Học viện Ngân hàng còn phải sắp xếp việc nhà để yên tâm công tác.
Giảng viên Đào Thị Hữu (khoa Lý luận Chính trị) mấy ngày trước đã đưa 2 con (một 6 tuổi, một 7 tuổi) về Ninh Bình nhờ ông bà nội trông để có thời gian làm nốt việc cơ quan, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đi Hà Giang coi thi. Một nữ giảng viên khác của khoa Kế toán (Học viện Ngân hàng) ngày 21/6 cũng phải xin nghỉ phép để đưa con về quê nhờ ông bà trông trong một tuần đi làm thi.
Có bố mẹ ruột, bố mẹ chồng đều trên 90 tuổi, chị Trần Ngọc Hằng (giảng viên khoa Lý luận Chính trị) không thể gửi 2 con, đứa lớn 10 tuổi, đứa bé mới lên 4, về cho ông bà. Chồng chị là cán bộ lực lượng vũ trang, công tác xa nhà, nên cũng không trông được các bé. Vì thế, từ đầu tháng 6, chị Hằng tập cho 2 con tự ở nhà cơm nước, trông nhau.
"Cuối năm học, mẹ đi làm bận rộn, nhiều hôm dạy ca hai đến 12h mới về, nhưng rất xúc động khi thấy cơm nước đã được con gái nấu xong, dọn sẵn ra bàn. Thấy các con tự lập, biết trông nom, chăm sóc lẫn nhau, tôi phần nào yên tâm cho chuyến công tác xa nhà đầu tiên và lâu đến vậy", chị Hằng nói.
Trước ngày lên đường, người mẹ dặn dò các con phải cẩn thận khi bếp núc, sử dụng đồ điện, ghi lại số điện thoại của những người cần gọi khi có việc khẩn cấp... Giảng viên Hằng ngoài ra còn nhờ người cháu họ là sinh viên năm cuối đại học, mỗi buổi tối sẽ qua ở cùng các em, để hỗ trợ những lúc đêm hôm.
"Đi xa lâu ngày, việc ở nhà không thể không lo lắng, nhưng tôi và đồng nghiệp ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia, nên sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", chị Hằng nói.
4h30 sáng 23/6, các cán bộ, giảng viên Học viện Ngân hàng sẽ xuất phát lên Hà Giang. Nhiều trường đại học khác cũng điều quân đi các tỉnh làm thi THPT quốc gia, như Đại học Kinh tế quốc dân cử 700 cán bộ, giảng viên tới Hà Tĩnh; Đại học Sư phạm Hà Nội cử 500 người đi Thanh Hóa; Đại học Ngoại thương cử 300 cán bộ, giảng viên về Nam Định...
Hơn 1.000 nhân sự từ Đại học Quốc gia Hà Nội và khoảng 800 người của Đại học Bách khoa Hà Nội phục vụ công tác làm thi ở cụm thi thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - địa phương có số lượng thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia đông nhất cả nước.
Năm 2018, cả nước có 925.790 thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia, tăng gần 60.000 so với năm trước. Riêng cụm thi thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số thí sinh đăng ký là 79.620, đông nhất trong các tỉnh thành. Sau buổi làm thủ tục dự thi vào chiều 24/6, từ sáng 25/6 các thí sinh sẽ bắt đầu làm bài thi đầu tiên, là môn Ngữ văn. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ kéo dài đến hết sáng 27/6.
|