Phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước đã khép lại vào sáng nay, sau 2,5 ngày làm việc.
Phát biểu giải trình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận ý kiến của các đại biểu và cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP Quốc hội giao là 6,7% trong năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt huy động mọi nguồn lực. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh của Việt Nam... được các tổ chức quốc tế đánh giá tốt hơn. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 tăng 14 bậc, lên 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ...
Theo Phó thủ tướng Dũng, một số lĩnh vực trước đây đóng góp lớn vào tăng trưởng như khai khoáng, dầu thô ... giờ đã giảm. Đơn cử, năm nay khai khoáng giảm 7,8%, dầu thô giảm hơn 10% và dự kiến năm 2018 sản lượng khai thác dầu thô sẽ giảm 2 triệu tấn so với 2016, giảm 3 triệu tấn so với 2017.
"Theo tính toán, mỗi triệu tấn dầu đóng góp 0,25% GDP, nên đóng góp của khai khoáng, dầu thô vào tăng trưởng năm nay giảm tương ứng 0,5% GDP và 0,7% GDP", Phó thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định, kết quả tăng trưởng đạt chỉ tiêu Quốc hội giao không phải phụ thuộc vào một số ngành, như Samsung, mà đồng đều các lĩnh vực.
Cụ thể, khu vực nông nghiệp 9 tháng tăng 2,78%, gấp hơn 4 lần cùng kỳ; trong đó thủy sản tăng 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD.
Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 12,77%; khu vực dịch vụ 9 tháng tăng 7,25%; khách quốc tế đạt trên 10,4 triệu lượt, tăng 28,1%... Tổng đầu tư xã hội cũng tăng hơn so với cùng kỳ, đạt 33,9% GDP
Theo Phó thủ tướng, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng. "Có tăng trưởng mới duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tạo việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội", ông nói.
Cùng với đó, tăng trưởng cao hơn cũng giúp Việt Nam dần rút ngắn khoảng cách so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng thừa nhận, chất lượng tăng trưởng còn thấp, chỉ số ICOR cao so với giai đoạn trước và những nước trong khu vực; ứng dụng công nghệ cao còn thấp, gia công còn nhiều..
Thiên tai gây thiệt hại mỗi năm khoảng 1,3 tỷ USD
Về phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Phó thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề bởi vấn đề này. Trung bình mỗi năm, thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP (tương đương khoảng gần 1,3 tỷ USD).
Bên cạnh việc khẳng định Chính phủ đã triển khai quyết liệt các biện pháp liên quan, ông Dũng nói công tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều bất cập; chưa chủ động đầu tư phòng ngừa và thích ứng; thiệt hại do thiên tai còn lớn. Từ đầu năm đến nay, bão và áp thấp nhiệt đới đã làm 245 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 36 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Theo ông, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng chống giảm nhẹ thiên tai, lấy phòng ngừa là chính.
Các cơ quan chức năng xây dựng bản đồ phân bố dân cư; rà soát, di dời các khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét hoặc có phương án sơ tán khi có thiên tai..., đặc biệt là các tỉnh miền núi và Đồng bằng sông Cửu Long.
Cuối cùng, Phó thủ tướng lưu ý các Bộ trưởng tiếp thu và giải trình bằng văn bản ý kiến các đại biểu Quốc hội đã phản ánh trên nghị trường.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dành 2,5 ngày từ 31/10 đến hết sáng nay để nghị sự về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Gần 100 đại biểu đã đăng đàn, với các ý kiến trải rộng nhiều lĩnh vực, như: Tăng trưởng GDP; sự phụ thuộc của nền kinh tế vào một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn; xuất khẩu nông sản; cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư "chắp vá, đứt đoạn"; công tác dự báo thiên tai, buôn lậu thuốc lá...
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội ở đầu kỳ họp cho thấy, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao.
Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; xuất khẩu 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khống chế dưới 4%, lao động qua đào tạo 58-60%; dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%...