Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 31/10, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định các số liệu về kinh tế vĩ mô, trong đó có chỉ số tăng trưởng GDP là “đáng tin cậy và khách quan".
Theo ông, quý III tăng trưởng 7,46% và ba tháng cuối năm chỉ cần 7,31% là đạt tăng trưởng cả năm 6,7% theo chỉ tiêu Quốc hội giao. "Thường thì tăng trưởng sẽ đạt mức cao nhất vào quý cuối năm nên các đại biểu yên tâm", ông nói.
Trước đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, nêu vấn đề mức tăng trưởng những năm gần đây không hợp lý, lên xuống đột ngột giữa các quý, không theo logic thông thường. Cụ thể quý 4 năm 2015, cả nước tăng trưởng đạt 7,01% thì quý 1 năm 2016 rơi xuống 5,48%. Mức tăng trưởng này tăng dần ở quý sau và đạt 6,68% ở quý 4 năm 2016, nhưng lại đột ngột giảm ở quý tiếp theo.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư giải trình về tăng trưởng kinh tế
Tránh phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài
Sau khi nghe giải trình của Bộ trưởng Kế hoạch, đại biểu Hoàng Quang Hàm xin tranh luận. Ông nêu vấn đề phải chăng đang có tư tưởng tăng trưởng bằng mọi giá, và hiện tượng này nảy sinh từ cách đây 2 năm, khi Việt Nam khai thác thêm tài nguyên để đảm bảo tốc độ GDP.
Điểm yếu nữa của "sức khoẻ" tăng trưởng, theo ông Hàm, là chưa xuất phát từ động lực nội tại của nền kinh tế. "Samsung có vấn đề là tăng trưởng suy giảm ngay, vì thế chúng ta phải có giải pháp phát triển bền vững để nền kinh tế không chịu tổn thương từ tác động bên ngoài", ông cảnh báo và cho rằng, tăng trưởng quý IV vẫn đang trông vào giải pháp ngắn hạn khi tín dụng được "kích" từ 12 lên 21%.
Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam. "Samsung không thể quý nào cũng tăng trưởng vài chục phần trăm như quý III vừa qua và Formosa không thể quý nào cũng tăng sản lượng đột biến", ông Lộc lo lắng.
Bên cạnh quan ngại nền kinh tế phụ thuộc vào vài doanh nghiệp nước ngoài lớn, ông Lộc cũng chỉ ra, thu - chi ngân sách nhà nước và nợ công vẫn chưa thay đổi so với trước, chi thường xuyên hơn 64%, nợ công sát trần 65% GDP, tốc độ giải ngân vốn đầu tư chậm...
"Năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt. Với tư duy thu – chi như vậy, bao giờ chúng ta mới có thể đưa nợ công về mức có thể an tâm?", ông Lộc nhận xét.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc lo ngại nợ công gần "đụng trần"
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dành 2,5 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020.
Điều hành phiên thảo luận sáng 31/10, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 80 đại biểu bấm nút đăng đàn. Các ý kiến trên nghị trường trải rộng nhiều lĩnh vực, từ tăng trưởng kinh tế, nợ công, thu hút đầu tư nước ngoài, đến buôn lậu, trồng rừng...
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội về nội dung trên, còn 69 đại biểu đăng ký chờ phát biểu trong ngày mai 1/11.
Theo báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 7,9%, ước cả năm tăng khoảng 7,8% so với năm 2016. Trong đó, phải kể đến sự phục hồi của một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như sản lượng thép của công ty Formosa đạt khoảng 1,5 triệu tấn, sản xuất của Tập đoàn Samsung tăng 34%, giá trị xuất khẩu ước đạt 50 tỷ USD. |
Nguyễn Hoài