Thứ ba, 26/9/2017, 00:00 (GMT+7)

Những ngôi làng nơi thời gian ngừng trôi

Nhiều cánh đồng bị bỏ lại. Nhiều ngôi làng dừng phát triển. Dòng di cư nông thôn-thành thị vẽ ra nhiều bức tranh dang dở.

Trong điều tra di cư năm 2015 của Tổng cục thống kê phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, có một câu hỏi: Liệu anh/chị có quyết định di cư nếu lường trước được khó khăn?

Hơn 70% số người di cư trả lời rằng có, họ vẫn sẽ di cư. Và tỷ lệ cao nhất là ở Đồng bằng Sông Hồng. 76.9% những người ở đây khẳng định rằng dù ra sao, họ cũng vẫn đi.

Di cư và tự do di chuyển trong quốc gia để tìm kiếm cơ hội là hành vi phổ biến ở bất kỳ đâu trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, kể từ sau Đổi Mới, với sự bất đồng trong tốc độ phát triển kinh tế, luồng di cư từ nông thôn ra thành thị tạo ra một thực trạng xã hội phức tạp: tình trạng quá tải ở các đô thị, cơ hội nhà ở, y tế, giáo dục...

Nhưng vấn đề của những người di cư không chỉ tồn tại ở nơi họ đến. Những ngôi làng họ bỏ lại phía sau đối mặt với một tình trạng "đóng băng" về kinh tế xã hội - khi luồng di cư cứ liên tục nối tiếp qua các thế hệ.

Trong bài viết này là câu chuyện của hai cánh đồng. Đó là những cánh đồng trũng, mỗi năm chỉ cấy một vụ, từng nuôi sống được những ngôi làng - nhưng cùng với sự phát triển, nó trở nên bất lực trong việc níu giữ những bước chân người đi.

Một nằm bên bờ sông Hồng, một nằm bên bờ sông Lô, chỉ vài cây số trước khi hai dòng sông ấy gộp lại ở ngã ba sông Phú Thọ, rồi chảy xuống đồng bằng. Người làng cũng theo dòng chảy ấy đi xuống thủ đô, tìm miếng cơm theo cách khác. Những cánh đồng bị bỏ lại, cùng với những ngôi làng không còn bóng người lớn, trở thành những vùng đất mà thời gian ngừng trôi.

Dọc hệ thống sông ở Đồng Bằng Sông Hồng, không khó tìm những ngôi làng, những cánh đồng trũng như thế. Những ngôi làng mà tương lai của chúng trôi theo dòng nước tụ họp ở thủ đô, người này rủ người kia đi tha hương, lập cộng đồng làm thuê bán dạo.

Và rộng hơn, tại Việt Nam, đó chắc chắn không chỉ là câu chuyện của hai cánh đồng.

Chúng tôi gặp ông Quang hơn hai năm về trước, đang chèo thuyền đi đánh cá vũng nước lớn cạnh làng quất Tứ Liên.

Vũng nước ấy từng là một phần của sông Hồng, nhưng bị tách ra vào mùa nước cạn. Cạnh đó, là ngôi làng ông sống: một chuỗi những chiếc thuyền sắt cũ nằm trườn lên bờ đất, một dãy những túp lều đủ sắc màu phế liệu. Người ta gọi đó là làng gốm Tứ Liên.

Khung cảnh làng gốm Tứ Liên nhìn từ sông Hồng

Từ nơi này, những người ngụ cư sẽ tỏa đi khắp vùng quanh Hà Nội để buôn gốm sứ. Họ sống ở đó nhiều năm, không có pháp nhân: họ sống trên thuyền, hoặc dựng những túp lều được dựng trên đất vườn thuê lại của dân bản xứ. Họ trở thành một phần quen thuộc của Hà Nội. 

Bất kỳ cư dân thủ đô nào cũng có thể tưởng tượng ra hình ảnh một chiếc xe thồ, trên đó chất cao những đồ gốm sứ to nhỏ; một người lầm lũi đẩy nó đi trên phố.

Trong căn lều tối nhiều muỗi vắt của mình, một chiều trời mưa, ông Quang kể với chúng tôi, về ngôi làng nơi họ đã ra đi. Tất cả người lớn trong làng đã đi hết, ông nói, bây giờ trong làng nếu có người già qua đời, sợ còn không đủ người khiêng quan tài.

Sinh hoạt của dân Đức Bác di cư tại Tứ Liên, Hà Nội

Họ là dân Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Họ phải đi, vì cánh đồng Đức Bác là một cánh đồng trũng. Đồng trũng, nghĩa là chỉ cấy được một vụ, còn sau mùa mưa, cánh đồng sẽ ngập trong nước sông Hồng. Từng có thời cấy một vụ một năm là nuôi nổi con người, nhưng bây giờ thì dân Đức Bác phải đi. Chỉ trông vào cánh đồng, thì ăn cũng không đủ nữa.

Một mùa mưa, khi những cánh đồng trũng ven sông Hồng bắt đầu bạc trắng màu nước, chúng tôi quyết định tìm về Đức Bác. 

Con đường bê tông trắng đâm xuyên vào cánh đồng mênh mông nước trắng.

Cánh đồng lớn Đức Bác chỉ dấu cho người qua đường bằng những đường nét lạnh lùng. Chỉ còn vài vết dấu kể rằng tháng trước, nơi đó là cánh đồng. Bây giờ, mùa mưa đến, cánh đồng trũng đã hòa vào dòng nước sông Lô. Thấp thoáng dăm ba người bên bờ câu cá. Một con thuyền bì bõm trên mặt nước mênh mông, người đàn ông đứng tuổi thả rọ bắt cua.

Đường vào xã vắng lặng giữa buổi chiều. Chỉ có một trục đường lớn, thi thoảng có tiếng xe máy chạy qua. Trên trục đường ấy, là một quầy thuốc nhỏ có bán cả vé máy bay, một hiệu làm sắt thép, một tiệm ảnh cưới mà tấm hình in làm biển quảng cáo đã bợt màu, cô dâu chú rể nhìn xanh xao. Phía cuối trục đường, một quầy hoa quả đặt trên một chiếc bàn gỗ. Vài chùm nhãn đã ngả màu, người phụ nữ bán hàng đang gục đầu xuống bàn ngủ gật.

Người lạ vào làng, sẽ dễ dàng trượt qua trụ sở ủy ban nằm ở đầu xã vì không nhìn ra: nó không có cổng, chỉ có một vài khối trụ xây dở dang không hề được lắp cánh cổng, một cái biển tên chờ đợi nhưng chưa có dòng chữ đắp nổi nào. Hàng rào thép đã han gỉ, rụng mất nhiều thanh. Phía bên trong là một căn nhà phủ rêu mốc. 

Bên trong tòa nhà ấy, Phó chủ tịch xã Nguyễn Kiều Hưng tổng kết rất nhanh tình trạng lao động địa phương.

Quãng đôi chục năm trước, người Đức Bác tìm thấy nghề buôn gốm. Người này rủ người kia, họ leo lên những chiếc thuyền, bỏ lại cánh đồng trũng đi dọc bờ sông Hồng bán gốm. Thuở ban đầu, những chiếc thuyền lớn trở thành chợ di động. Dừng lại ở đâu, là mở được chợ gốm ven sông đến đó. Nhưng rồi đến một thời đại mà phương thức kinh doanh đó không còn phù hợp nữa: hàng hóa đã sẵn có ngay cả ở các làng quê. Những con thuyền được neo lại bên bờ sông Hồng, bên làng quất Tứ Liên. Người Đức Bác lên bờ, lập làng ở nơi mới, rồi từ đấy túa ra khắp phố phường bán gốm.

Từ đấy, dân Đức Bác sinh ra đã mang theo định mệnh của những người di cư.

Cuộc di dân làm Đức Bác giàu lên theo một cách phức tạp. Tương phản với ủy ban xã, với những quán hàng tiều tụy, nhà dân ở đây lại bề thế. Những căn nhà xây theo lối tân cổ điển, chống bằng thức cột na ná Doric kiểu La Mã, phào chỉ na ná kiểu Baroque và mái ngói thấp thoáng như nhiều tầng. Người đi làm ăn xa gửi tiền về quê xây nhà.

Nhà ông Quang là một căn nhà như thế. Tất cả gia sản bao nhiêu năm phiêu bạt sông nước, buôn bán nơi đất khách quê người, họ dồn cả vào công trình này. 

Dưới thủ đô, các thành viên gia đình chui rúc trong căn lều bạt bên triền sông đầy muỗi. Ở quê nhà, họ dựng lên một căn biệt thự. 

Đó là cách để dành cho tương lai - dù "tương lai" ở đây chỉ là một cách gọi dễ dãi: ông bà có hai đứa con, thì một người đang ở dưới Hà Nội cùng bán gốm, một người cũng đi làm thuê ở xa. Căn nhà đó, không biết để lại cho ai.

Bây giờ nhà vẫn vắng bóng người. Căn nhà chưa được sơn, vẫn đang là một khối xi măng xám đã nhiều vết loang. Nhà ông Quang đã hết tiền. Tổng chi phí xây phần thô hết 800 triệu, quá cả số tiền tiết kiệm được trong gần chục năm của ông bà. Chỉ tiền xây thô, ông bà nợ đã lâu chưa trả hết.

Nhà chỉ có hai người phụ nữ. Mẹ ông Quang già yếu và bà Tú - vợ ông. Bà Tú ngày trước cũng đẩy xe gốm đi vòng quanh trên phố Hà Nội, là lao động chính của gia đình. Bây giờ dưới Hà Nội chỉ còn hai bố con ông. Bà sốt ruột. Đàn ông thì không khéo léo buôn bán, từ đầu năm đến giờ không kiếm ra bao nhiêu tiền. Nhưng bà cụ đã già, không có ai trông.

Chỉ có đôi sào ruộng, trồng được ít ngô, phải về quê, bà Tú nuôi thêm con lợn và chục con ngan lấy tiền tiêu. Họ không có tích lũy. Dù xoay sở tiếp ra sao trong tương lai, tiền cũng sẽ đổ tiếp vào căn nhà lớn này.

Xung quanh, cũng nhấp nhô những mái nhà rất cao. Và những cánh cổng khóa ngoài. Người chủ nhà đã phiêu bạt xa hết. Và có thể cũng đang ở trong một túp lều bạt nào đó bên sông Hồng.

Cách tích lũy duy nhất họ biết: xây một căn nhà to ở quê. Đó cũng là thứ gần như duy nhất Đức Bác hưởng lợi từ dòng di dân: những căn nhà to mọc lên. Còn đường làng, vẫn im lặng.

Đi thẳng từ cổng chính bệnh viện Việt Xô vào chừng hai chục mét, sẽ gặp một cây bàng non. Ngước lên nhìn ngọn cây bàng, bạn có thể sẽ nhìn thấy một chiếc chiếu. Chiếu của những người Đồng Lương.

Đồng Lương cũng có một cánh đồng trũng. Xã ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, nằm bên dòng sông Hồng. Cũng từng có thời cánh đồng ấy nuôi nổi con người: mùa khô thì cấy lúa, mùa cạn thì bơi thuyền ra bắt con tôm con cá. Nhưng rồi đến một ngày, dân Đồng Lương nhận ra họ không còn cách nào khác. Họ phải đi.

Cũng giống như dân Đức Bác, người này rủ người kia, họ kéo nhau đi làm cùng một nghề. Bây giờ, dân Đồng Lương đã làm cái nghề ấy đến thế hệ thứ hai. Họ là những người trông bệnh nhân thuê trong các bệnh viện.

Chiếc chiếu nằm trên ngọn cây bàng ở bệnh viện Việt Xô đại diện cho cách sống của những người Đồng Lương bây giờ. Họ có lẽ là những lao động di cư duy nhất trong thành phố Hà Nội, mười mấy năm tha hương không thuê một phòng trọ, cũng không dựng một túp lều: họ sống luôn trong bệnh viện. Những ngày "có khách" thì dựng giường gấp ngủ ngay trong phòng cạnh giường bệnh nhân. Những ngày không ai thuê thì tìm một góc tối trong viện. Bảo vệ đuổi thì sang viện 108 gần đó kiếm chỗ nằm.

Người Đồng Lương tản mát ở nhiều bệnh viện trong thành phố Hà Nội. Nhưng Việt Xô trở thành trung tâm của những người trông bệnh nhân thuê, như một đặc trưng của những bệnh nhân trong viện này: người nhà của họ có nhiều điều kiện, nhưng thiếu thời gian.

Vợ chồng ông Tấn làm nghề này đã mười mấy năm. Địa bàn của ông là Việt Xô. Còn vợ ông trông một bệnh nhân nặng lâu năm ở bệnh viện Đống Đa. Họ sống cách nhau hơn 5 km trong Hà Nội, mỗi năm chỉ gặp nhau hai lần ở quê: một ngày giỗ cha, một lần vào Tết.

Trên dưới ba trăm nghìn một ngày, nhiệm vụ của ông Tấn là đóng thế người thân bệnh nhân: trông nom, lo cho họ chuyện vệ sinh, ăn uống. Ông nổi tiếng trong viện là một người cẩn thận và sạch sẽ. Ông trở thành người dẫn dắt những người làng mới vào nghề. 

Ông Tấn sinh sống luôn trong bệnh viện Việt Xô

Thỉnh thoảng lại có người mới lên ngồi dưới gốc cây bàng bắt đầu hành trình trong các bệnh viện . Như tối nọ là một "thằng cu" vừa đi nghĩa vụ về, ngồi tha thẩn trong sân Việt Xô chờ có khách. Nghề này cần sự sạch sẽ và chỉn chu, nhưng cần hơn là sức khỏe, để nâng dìu, lật người cho bệnh nhân, nên đàn ông có đất sống.

Mùa thu, quay trở về Đồng Lương cũng chỉ nhìn thấy một cánh đồng ngập mênh mông trong nước trắng.

Làng không có nghề phụ. Bao nhiêu năm, làng chỉ sống bám vào cánh đồng trũng và dòng sông. Ông Tấn dắt phóng viên ra bến sông. Đó từng là nơi ông chèo thuyền bắt con tôm con cá những mùa nước lên. Ông vẫn thuần thục khi leo lên một con thuyền, bơi ra giữa dòng, dừng lại vẩn vơ, rồi bơi lại.

Hôm ấy, ông Tấn về làng vì mẹ già ốm. Ông về, thuê một người trong làng trông bà để lại xuống phố đi làm. Một điều trớ trêu: vợ chồng ông làm nghề chăm người ốm, để rồi khi mẹ ốm lại phải đi thuê người.

Họ bỏ lại một căn nhà khang trang. Hình thức đầu tư duy nhất cho tương lai mà ông Tấn biết, cũng như nhà ông Quang, là xây nhà ở quê. Căn nhà gạch rộng rãi, giờ chỉ có người mẹ già sống. Ngoài sân, vẫn còn xếp một đống gạch, một đống ngói. Ông Tấn ngồi đó và nghĩ về việc xây thêm tường rào. Mỗi khi rỗi việc về quê, ông lại nghĩ ra một thứ gì đấy để xây. Con cái đã lớn, đứa đi lấy chồng ở xa, đứa lại đi làm thuê nơi khác, việc xây căn nhà ấy, như là một cách thông thường nhất, để những con người này tận hưởng cuộc sống của mình.

Nhà của gia đình ông Tấn ở Đồng Lương

Ông Tấn đi bộ sang thăm một người làng. Cũng một người trông bệnh nhân thuê, cũng bao năm ngủ trong các góc tối của bệnh viện và cũng đang xây một công trình đầy tính gặm nhấm thành quả của sự hy sinh dưới thủ đô. Ngoài sân chất những đống cát sỏi cao quá đầu người, chị đang xây một cái cổng nhà bề thế.

Trên cánh đồng, nước vẫn mênh mông trắng, chỉ có những ngôi mộ bám trứng ốc bươu vàng nổi lên. Ông Tấn không quan tâm đến đồng ruộng đã lâu: nhà chỉ có mấy sào, đã cho người ta thuê cấy.

Trong báo cáo "Di dân nội địa - Cơ hội và thách thức" của các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam năm 2010, sự tác động của dòng người di cư đến nơi họ đi - những vùng đất như Đức Bác và Đồng Lương - đã được đặt ra. Nhưng khi đó, giới chuyên gia nhận định rằng vấn đề này "phức tạp" và vẫn được nghiên cứu "chưa đầy đủ".

Sự phức tạp vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ trong những năm tiếp sau.

Trong khi các tác động của luồng di cư với nơi đến, như áp lực dân số lên Hà Nội và TP HCM, liên tục được bàn thảo, thì thời gian, chính sách và sự phát triển vẫn ngừng trôi ở những cánh đồng họ để lại phía sau.

Ở trường THPT Sông Lô, cô Hằng - chủ nhiệm lớp A1 - kể về một tuyến tính tư duy đặc trưng của những học sinh Đức Bác: chúng học giỏi hơn học sinh các xã bên, nhưng không có ước mơ được học cao.

Một cuộc khảo sát nhỏ được thực hiện với điểm thi tốt nghiệp của 47 học sinh vừa ra trường, gồm một nửa là học sinh Đức Bác, còn lại là học sinh xã bên, nền kinh tế thuần nông và không có dòng người di cư. Kết quả chỉ ra rằng điểm trung bình của học sinh Đức Bác cao hơn ở tất cả các môn. Tỷ lệ đạt điểm giỏi (hơn 8) của các môn cũng cao hơn. Điều này được lý giải bằng điều kiện kinh tế. Trẻ con ở Đức Bác được cha mẹ làm ăn xa chu cấp đầy đủ hơn. Chúng không phải bận tâm đến con trâu, mảnh vườn như các bạn nhà làm nông cùng lứa.

Nhưng chúng rất ít khi có ý định học cao hơn. Cô Hằng kể về những buổi họp phụ huynh mà trong đó, người lớn Đức Bác nói thẳng với cô rằng, chỉ cần dạy cho con tôi đỗ tốt nghiệp thôi, không cần học lên đại học. Xong phổ thông rồi chúng sẽ theo cha mẹ đi làm ăn. Cô kể về những học sinh cố tình quậy phá và từ chối học, để được chuyển xuống lớp chất lượng thấp. Học cho xong - trẻ con Đức Bác nghĩ thế - rồi còn đi làm, như cha chú trong làng mấy đời nay.

Ngoài cổng vào trường Sông Lô có một tấm biển to đăng tuyển lao động xuất khẩu. Đấy cũng là một xu hướng di cư mới của thanh niên Đức Bác bây giờ. Sau mấy đời tha hương, cha mẹ đã để dành được chút vốn, nhưng cũng để đầu tư cho một cuộc ra đi khác, cao cấp hơn: ra nước ngoài làm thuê.

Người Đức Bác chưa bao giờ hình thành suy nghĩ sẽ ở lại Đức Bác. Làng chỉ có người già, trẻ con và cán bộ xã.

Khung cảnh làng gốm Tứ Liên

Luồng di dân từ nông thôn ra thành thị được đánh giá là một tác nhân quan trọng của công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện rất thành công. Nhưng khi bàn đến các tương lai xa hơn, số phận của những Đức Bác và Đồng Lương rơi vào cảnh thiếu dữ liệu phân tích.

Ý tưởng nào cho cuộc chảy máu tương lai bất khả kháng ấy?

Ông Hưng, phó chủ tịch xã Đức Bác, không có gì để nói về khả năng phát triển kinh tế của bản thân xã. Ông nhờ phóng viên đưa đề xuất thẳng tới chính quyền Hà Nội: mong chính quyền sở tại tạo điều kiện cho dân Đức Bác được nhập khẩu và làm ăn. Không một phút nào trong câu chuyện, lãnh đạo xã nghi ngờ về việc người dân Đức Bác phải ra đi. Họ nên được tạo điều kiện cho đi hẳn hoi. Đấy là cách giúp địa phương tốt nhất.

Luồng di cư từ những vùng đất này, có lẽ sẽ không dừng lại ở một hai thế hệ. Vùng đất họ bỏ lại phía sau, sẽ còn đóng băng lâu dài.

Sự đóng băng đó không chỉ nhìn thấy ở một hai cánh đồng trên đất nước. Sẽ có nhiều người di cư chia sẻ cảm giác ấy về nơi mình đã bỏ lại, cho dù nó là những làng quê, hay thậm chí là Hải Phòng, là Yên Bái hay Đồng Hới, Phú Yên.

Bài: Đức Hoàng - Hoàng Phương
Ảnh: Cường Đỗ Mạnh
Đồ họa: Tiến Thành