Chiều 24/12, thời tiết ở Cà Mau và một số tỉnh miền Tây mát mẻ, có nắng nhẹ. Người dân hối hả chằng chống nhà cửa, mua lương thực, đèn pin, thuốc men dự phòng khi bão Tembin đổ bộ.
Bà Nguyễn Thị Ke, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết, dù được dự báo còn hơn 24 giờ tới bão mới ảnh hưởng đến Cà Mau, nhưng người dân ở địa phương đã triển khai các phương án đối phó bão. "Đứa con trai lớn đi làm ăn xa không về kịp, nhà chỉ còn mấy bà cháu, hồi sáng căn nhà lá của gia đình được các chú dân quân đến buộc dây giúp", bà Ke cho biết.
Ông Trần Văn Tứ (67 tuổi) thì rất lo ngại về sức ảnh hưởng của bão. "Cơn bão Linda 20 năm trước vẫn còn là nỗi ám ảnh của người dân ở Cà Mau, nên giờ khi nói tới bão ai cũng lo ứng phó", ông Tứ nói.
Theo chủ tịch UBND huyện Cái Nước Phạm Phúc Giang, địa phương huy động toàn lực lượng đến giúp và hỗ trợ dân dụng cụ chằng néo nhà cửa (tương đương 150.000 đồng một hộ). Huyện cũng đã trích ngân sách 300 triệu đồng mua dây thừng cho dân mượn, khi hết bão sẽ thu hồi lại để sử dụng tiếp khi có sự cố.
Trong hôm nay, nhiều hộ dân nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bán cho thương lái, hoặc có biện pháp phòng chống thiệt hại. Riêng huyện Cái Nước có 40 ha nuôi tôm siêu thâm canh được dân vớt bán. Ở các vùng ngọt hóa của Bán đảo Cà Mau, người dân đã thu hoạch hoa màu từ nhiều ngày trước.
Kiểm tra tại các địa phương, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu lãnh đạo các huyện tăng cường đến với dân, cử lực lượng đến giúp dân. "Ai không thực hiện công tác chằng chống nhà cửa, hay tàu thuyền không chịu vào bờ tránh trú bão thì phải cưỡng chế", ông Hải nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP Bạc Liêu cho biết vẫn còn 5 tàu cá chưa vào bờ trú ẩn, trong đó có một tàu không liên lạc được. "Chúng tôi đã lên phương án di dời người dân ở những vùng xung yếu, nếu có ai không chấp hành thì sẽ tiến hành làm biện pháp mạnh, kể cả cưỡng chế đến nơi an toàn", lãnh đạo TP Bạc Liêu nói.
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết đến chiều nay cơ bản công tác phòng chống bão số 16 trên địa bàn tỉnh đã được lên phương án. Trong đó việc di dời người dân được chia làm 2 đợt với tổng số 80.000 người. Ngày 25 và 26/12, học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ học.
Theo ông Trung, các điểm nuôi tôm công nghệ cao, điện gió cũng được quán triệt chằng chống, kể cả tháo dỡ các mái vòm tôm để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại. "Những hộ nuôi tôm đến kỳ thu hoạch được khuyến khích bán sớm trước khi bão vào, cơ quan chức năng sẽ giám sát không cho thương lái ép giá bà con", ông Trung cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương yêu cầu lãnh đạo địa phương cần tuyên truyền hơn nữa, đặc biệt cấm tuyệt đối không cho người dân buôn bán kinh doanh khu vực mặt biển. "Phương châm đưa ra là không để thiệt hại về người, còn tài sản kinh tế thì hạn chế thấp nhất", ông Dương yêu cầu.
Tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) gần 3.000 tàu cá đã vào nơi tránh trú an toàn. Chiều nay, bộ đội biên phòng và cảnh sát đường thủy đang tuần tra trên biển kêu gọi và cưỡng chế kéo một số tàu đánh bắt hải sản, du thuyền còn lại vào nơi trú ẩn.
Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, địa phương đã huy động lực lượng vũ trang phối hợp với ngành chức năng, đoàn thể giúp dân chằng néo nhà cửa, trường học, di dời các lồng bè cá, chuẩn bị sơ tán 3.000 người ở các nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nhất.
Ngày mai, học sinh được nghỉ. Tỉnh có khoảng 300.000 hộ dân cần di dời đến nơi an toàn. "Các địa phương kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; nhất là các xã cù lao", lãnh đạo tỉnh cho hay.
Ông Kim Ngọc Thái - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh nhận định, Tembin là siêu bão với mức độ rủi ro khó lường, nên công tác chủ động ứng phó luôn được đặt lên hàng đầu đề phòng trường hợp xấu nhất.
Để đảm bảo an toàn, tỉnh đã thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 25 và 26/12. "Công tác chuẩn bị ứng phó bão đang được đảm bảo tốt, các lực lượng được bố trí 24/24h; các phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, sơ tán dân cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng", ông Thái nói .
Tại Bến Tre, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ di dời dân 3.000 hộ dân trước 12h ngày 25/12, chậm nhất trước 16h phải xong. Trường hợp nào không đồng ý di dời sẽ cưỡng chế.
"Tỉnh có 3 huyện vùng biển là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Đối với các hộ nuôi tôm, thủy sản có khả năng thu hoạch sớm thì khuyến khích để hạn chế thiệt hại, nhưng trước 15h ngày mai, người dân phải vào nơi an toàn", ông Trọng cho hay.
Tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, đến trưa nay, còn 20 tàu đang ở trong vùng nguy hiểm, địa phương tiếp tục vận động và sẽ tiến hành cưỡng chế vào neo đậu. Hiện Côn Đảo có hơn 600 tàu với hơn 5.000 ngư dân đang trú ẩn, tập trung nhiều nhất ở khu vực Bến Đầm.
"Đối với hơn 500 du khách đang lưu trú ở những nơi sát bờ biển, có nguy cơ mất an toàn, du khách đã cam kết di dời đến nơi an toàn khi có hiệu lệnh", ông Nhựt cho biết.
Theo ông Nhựt, người dân trên đảo dưới sự giúp sức của bộ đội đang khẩn trương chằng néo nhà cửa, cơ quan, trường học... Hàng trăm hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm, bán kiên cố địa phương đã có phương án di dời.
16h ngày 24/12, tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 120 km về phía Đông với gió mạnh nhất 135 km/h (cấp 12), giật tăng ba cấp. 16h ngày 25/12, tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau, sức gió cấp 11. Sau đó, bão đi vào đất liền các tỉnh này với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13 và yếu dần. Đến 4h ngày 26/12, tâm bão trên đất liền Tây Nam Bộ Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão khoảng 100 km/h (cấp 10), giật tăng ba cấp, sóng biển cao 8-10 m. |
Nhóm phóng viên