Sáng 24/12, lãnh đạo tỉnh Cà Mau họp đột xuất nghe báo cáo tình hình đối phó bão số 16, thống nhất phương án triển khai phòng chống. Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, sáng nay đã thông báo di dời dân 8.000 dân ở các vùng ven biển, nhất là người già và trẻ em đến nơi an toàn.
Ngày mai, 245.000 học sinh trên toàn tỉnh sẽ nghỉ học. "Công nhân tại các nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp trên toàn tỉnh phải nghỉ làm, chỉ chừa lại một số bộ phận chuyên môn để coi sóc nhà máy, ứng cứu kịp thời khi bão đổ bộ", ông Hải nhấn mạnh.
Tại các xã, huyện đã triển khai loa phát thanh lưu động tuyên truyền các ghe thuyền trên sông lên bờ tránh bão. Nghành y tế cũng sẵn sàng ứng trực, đảm bảo y bác sĩ, thuốc men, thành lập tổ y tế cơ động sẵn sàng đến các nơi có người cần ứng cứu.
Các nhà mạng, ngành điện được chỉ đạo kiểm tra hệ thống hạ tầng đảm bảo thông tin liên lạc, nguồn điện. Lực lượng cứu hộ trọng điểm tại cửa biển Sông Đốc, cảng Năm Căn phải túc trực 24/24h để sẵn sàng cứu người khi có sự cố xảy ra.
"Chúng ta vẫn còn nhớ rất rõ những thiệt hại của cơn bão số 5 (Linda) năm 1997 và mới đây nhất là cơn bão số 12 ở miền Trung. Vì thế công việc quan trọng nhất là tuyên truyền đến người dân, không để người dân chủ quan", ông Hải nói và yêu cầu dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung toàn lực lo cho chống bão.
Ông Dương Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhận định, cơn bão này không thể tránh khỏi, nó đổ bộ vào Cà Mau. Trong hôm nay và ngày mai các địa phương phải chỉ đạo thu hoạch các mô hình sản xuất kinh tế, tránh thiệt hại.
"Các cơ quan từ tỉnh đến địa phương phải túc trực 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc, sử dụng tất cả phương tiện để tham gia phòng chống bão", ông Bình nhấn mạnh.
Ở Bạc Liêu sáng nay cũng bắt đầu di dời 1.000 dân tránh bão. Ngày mai, học sinh trên toàn tỉnh được nghỉ học.
Trong khi đó, trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) đang triển khai phương án ứng phó bão. Hơn 200 người ứng trực 24/24h. Hiện các tàu cung cấp than đã neo đậu nơi an toàn. Hơn một triệu tấn tro xỉ trong bãi chứa được che đậy kỹ lưỡng và phun nước giữ ẩm để tránh gió thổi bay ra môi trường xung quanh. Hệ thống cống thoát nước trong công trường được khơi thông, để chống ngập úng cục bộ.
Ông Kim Ngọc Thái - Phó chủ tịch UBND Trà Vinh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.216 tàu thuyền đánh cá với gần 4.900 ngư dân hành nghề. Hiện, tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn.
"Bão số 16 đã vào biển Đông, Trà Vinh sẽ bị ảnh hưởng tại các huyện ven biển. Đây là siêu bão với mức độ rủi ro khó lường, nên công tác chủ động ứng phó luôn được đặt lên hàng đầu đề phòng trường hợp xấu nhất", ông Thái nói.
Nam Bộ rất ít khi có bão, người dân được cho là thiếu kinh nghiệm trong việc đối phó. Vì vậy, khi có bão thiệt hại thường rất nặng nề. 20 năm trước, cơn bão Linda - bão số 5/1997 lúc đầu không mạnh nhưng chỉ trong 36 giờ gió từ cấp 6 tăng lên cấp 11 đổ bộ vào Cà Mau. Hậu quả là làm chết và mất tích gần 3.000 người; hư hại rất nhiều tài sản ước tính hơn 7.200 tỷ đồng.
>> Nhà tránh bão 5 tỷ đồng hoang phế ở miền Tây
7h ngày 24/12, tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 340 km về phía Đông với gió mạnh nhất 115 km/h (cấp 11), giật tăng ba cấp. Sáng sớm mai, tâm bão trên khu vực phía Tây quần đảo Trường Sa, cách Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) 300 km về phía Đông. Gió tăng thêm một cấp - cấp 12 (tối đa 135 km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 8-10 m. Đến 4h ngày 26/12, tâm bão trên khu vực các tỉnh từ Cà Mau và Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão khoảng 90 km/h (cấp 9), giật tăng hai cấp, sóng biển cao 7-9 m. |
Phúc Hưng - Cửu Long