Bên lề Hội nghị sơ kết đề án tái cơ cấu nông nghiệp ngày 17/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã phản đối việc tàu sắt Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam đang khai thác thủy sản gần giàn khoan Hải Dương 981. "Chúng tôi sẽ có những biện pháp để bảo vệ ngư dân, tiếp tục hỗ trợ họ bám biển, vừa để sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền", ông Phát nhấn mạnh.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định sẽ tính toán phương án để đẩy mạnh dự án hỗ trợ đóng tàu sắt cho ngư dân trên biển. Trên thực tế, dự án trang bị tàu sắt thay thế tàu gỗ đã được làm thí điểm tại tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau một vài năm, dự án vẫn triển khai chậm. Trong khi đó tàu gỗ của ngư dân Việt Nam ngày càng tỏ ra mong manh và yếu thế trên biển, đặc biệt so với tàu sắt của Trung Quốc.
Lý giải về việc thực hiện dự án chậm trễ, ông Cao Đức Phát cho biết Bộ đang tổng kết lại các kinh nghiệm sau thời gian thí điểm để tìm giải pháp, chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân với nhiều ngành nghề khác nhau. "Với những nghề khác nhau, kết cấu của con tàu sẽ khác nhau nên các chính sách hỗ trợ để đóng tàu sắt sẽ không thể giống nhau", ông Phát cho biết thêm.
Ngoài việc giúp ngư dân đóng tàu sắt, Bộ Nông nghiệp đang tăng cường trang bị thông tin liên lạc cho các tàu cá như gắn chip thông qua vệ tinh cho hàng nghìn tàu cá, tổ chức nông dân theo tổ đội sản xuất để bà con giúp nhau ở trên biển.
Tại Hội nghị sơ kết Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng cũng nhiều lần khẳng định vai trò giữ gìn biển đảo đối với ngành đánh bắt xa bờ hiện nay. Ông Cao Đức Phát cho biết sắp tới sẽ điều chỉnh lại việc sử dụng vốn đầu tư thay vì chỉ tập trung vào thủy lợi, trồng lúa như trước đây. Một trong những ưu tiên theo ông là đầu tư cho thủy sản, hạ tầng nghề cá. "Đánh bắt ngoài biển cần hiểu không chỉ là đánh cá mà còn là để giữ chủ quyền của đất nước", đại diện Bộ nhấn mạnh.
Thanh Thanh Lan