Dù chỉ chiếm số ít trong các phát biểu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30/5, đại biểu Quốc hội đã thể hiện nhiều tâm tư, lo lắng trước tình hình bất ổn trên biển Đông thời gian qua. Theo đại biểu Lê Nam, qua nhiều kỳ tiếp xúc, cử tri luôn bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến chủ đề này. Với những diễn biến được cho là ngày càng phức tạp, đại biểu Nam đề nghị Chính phủ thông tin kịp thời đầy đủ về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên niển Đông cho người dân.
Bên cạnh đó Chính phủ cần nói rõ cơ chế, chính sách và những giải pháp thiết thực để thường xuyên đảm bảo hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của hơn 4 triệu ngư dân trên các vùng biển của đất nước. Ông Nam nhấn mạnh, đây là chủ trương phải đặc biệt ưu tiên. “Ngư dân còn rất nhiều khó khăn, tàu bè, phương tiện nhỏ bé, cách thức khai thác lạc hậu. Chúng tôi rất mong Chính phủ có những chương trình, có sự quan tâm đặc biệt để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển”, ông Nam đề nghị.
Vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh tới việc tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng và khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, dứt khoát không để bị động bất ngờ.
Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chính phủ đã đóng tàu cảnh sát biển, cho đóng tàu kiểm ngư để vừa giúp cho bà con sản xuất kinh doanh bám biển nhưng đồng thời cũng vừa giữ chủ quyền trên biển đảo. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Nhắc đến lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc áp đặt hàng năm từ giữa tháng 5 đến tháng 8 cùng những hành động đâm tàu, xua đuổi tàu cá Việt Nam…, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân cho biết, cử tri và ngư dân các tỉnh ven biển rất bức xúc. Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu thuyền có công suất lớn, xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở các đảo, quần đảo Trường Sa, khu vực ở quần đảo Hoàng Sa; hình thành các trung tâm nghiên cứu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu ngay tại ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.
“Chính phủ cần tiếp tục có chính sách đưa dân ra đảo lập nghiệp, hình thành các mô hình làng thanh niên lập nghiệp, mô hình đánh bắt tàu mẹ con, hoàn chỉnh cơ sở trường lớp, bệnh viện, đảm bảo xây dựng các đảo của chúng ta có cuộc sống ổn định và phát triển”, đại biểu Tuân đề nghị.
Giải đáp một số băn khoăn của đại biểu, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, đối với ngư dân, bên cạnh các chính sách đã có, Chính phủ đã ban hành quyết định để thí điểm cho ngư dân được thay tàu mới và tàu này công suất rất lớn, từ 400 cho đến trên 1.000 mã lực. “Với mức cho vay 70-80% kinh phí đóng tàu và lãi suất cố định 3%/một năm trả trong 10 năm, đây là mức hỗ trợ rất lớn. Sắp tới đây Chính phủ sẽ tổng kết chương trình này và có thể sẽ nhân rộng cho cả nước”, Phó thủ tướng nói.
Theo ông, khi nhân rộng cho cả nước thì Chính phủ sẽ cho vay để đóng tàu mới cả tàu gỗ và tàu sắt 90 đến trên 1.000 mã lực, trong đó bao gồm cho cả những tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, Chính phủ cũng đã đóng tàu cảnh sát biển, cho đóng tàu kiểm ngư để vừa giúp bà con sản xuất kinh doanh bám biển, vừa giữ chủ quyền trên biển đảo.
“Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phương án tổ chức lại sản xuất nghề cá làm sao cho có hiệu quả nhất”, Phó thủ tướng thông tin.
Nguyễn Hưng