Khi vợ và hai con gái chuẩn bị đi ngủ cũng là lúc thợ lò Phùng Văn May rời nhà, bắt đầu hành trình 12 giờ may rủi quen thuộc đã 5 năm nay.
Ngồi xe công ty một tiếng, anh và các đồng nghiệp tiếp tục đi bộ một tiếng nữa vào mỏ than Hà Lầm làm việc lúc nửa đêm.
Không gian làm việc của anh May là đường hầm đen hun hút, dài hàng cây số. Càng vào sâu, ôxy càng ít, khí độc càng nhiều. Trước khi đưa công nhân vào, thợ kỹ thuật đã phải hút hết khí mê tan trong hầm ra. Đã có nhiều vụ nổ sập hầm chôn vùi các công nhân chỉ vì ai đó sơ xuất để sót khí mê tan hoặc khí độc bất ngờ bục ra từ một vỉa quặng. Thuốc lá, điện thoại di động là những thứ cấm kỵ… Nguyên tắc an toàn này anh May thuộc lòng từ ngày mới vào nghề.
Công việc của người đàn ông 30 tuổi này là tìm vị trí đặt thuốc nổ, phá những vỉa than. Anh phải khoan thăm dò, dùng kinh nghiệm xác định điểm an toàn. Trước khi kích nổ, vòm hầm được chằng chống kỹ lưỡng, công nhân tìm chỗ nấp an toàn.
“Chỉ cần một cục than như nắm tay văng trúng khi nổ mìn có thể gãy tay chân như chơi. Nguy hiểm nhất khi lò bị sập, bục túi nước hoặc ngạt khí… không chạy kịp thì mất mạng, còn tai nạn là chuyện bình thường”, anh May kể.
Dù đeo khẩu trang dày, nhưng khoảng 20 phút, anh lại trở ra ngoài để lấy dưỡng khí và nhổ những bụi than bám đầy trong mũi, miệng.
Nếu cách đây 5 năm, để có được công việc như anh May, nhiều người phải cạnh tranh chật vật. Mức lương công nhân mỏ 10 triệu so với lương công nhân tập đoàn điện tử nước ngoài 7 triệu khiến nghề than rất “hot” với thanh niên Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc. Bây giờ, Công ty than Hà Lầm nơi anh làm việc liên tục đăng tuyển.
Ngành than không chỉ ngày càng khó tuyển người mà còn đối diện với làn sóng bỏ việc.
Anh May là một trong hơn 28.000 thợ lò vẫn bám trụ bởi "bốn miệng ăn đều trông chờ vào đồng lương của tôi, chưa kể khoản nợ ngân hàng 200 triệu đồng xây nhà".
Anh nhẩm tính mỗi tháng trả góp ngân hàng khoảng 4 triệu đồng, tiền hai con ăn học, sinh hoạt phí tằn tiện cũng 5 triệu đồng nữa nên mức lương 10 triệu không thấm vào đâu. "Hàng tháng, tôi thường xin ứng trước lương thêm 2 triệu".
"Với lại, nếu ai cũng bỏ nghề thì ngành than làm gì còn công nhân nữa", anh hồn nhiên.
Bỏ việc hàng loạt
Sau hơn 11 năm gắn bó với Công ty than Quang Hanh, anh Đỗ Văn Long (36 tuổi) thợ lò bậc 5/6 đã "dứt áo" về quê tìm việc khác. Một tháng làm khoảng 25 công, lương anh Long được hơn 8 triệu đồng.
Vài năm trước, thu nhập trung bình của thợ lò như anh Long khoảng trên 13 triệu. Theo thời gian, mức thu nhập này không tăng mà giảm xuống, trong khi nhiều khu công nghiệp mọc lên, người lao động có thêm lựa chọn.
"Công ty than Quang Hanh đang khai thác xuống mức âm 170 so với mực nước biển. Đi bộ từ cửa lò xuống nơi khai thác mất hơn 3 km, sau này còn sâu hơn nữa. Quanh năm làm việc dưới lòng đất, tôi muốn đổi nghề để được hít thở không khí bên ngoài", anh Long tâm sự.
Bằng lòng với hiện tại là ở nhà chăm sóc hai con nhỏ, phụ vợ làm nông nghiệp, anh nghĩ một thời gian nữa sẽ tìm việc khác, "lương thấp hơn nghề thợ lò cũng được miễn sao gần nhà, đỡ vất vả".
Ca làm việc thuộc phân xưởng đào lò 8 của anh Long có 20 người thì 10 người đã bỏ việc.
Công ty anh Nam cũng trong tình cảnh tương tự, "từ đầu năm đến nay, thợ lò ở công ty tôi bỏ việc rất nhiều, chủ yếu là công nhân mới, thâm niên 5 năm trở xuống. Những người 10 năm trở lên thì cố bám đợi về hưu".
Năm 2016, Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam thống kê số thợ lò bỏ việc là 1.121 người. Sang 2017, chỉ tính 6 tháng đầu năm đã có 1.136 thợ lò bỏ việc, chưa kể hàng trăm thợ cơ điện hầm lò nộp đơn xin nghỉ.
Nguyên nhân được ông Bùi Hữu Lý, Phó giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai, lý giải là ngoài Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam TKV và Tổng công ty Đông Bắc, sáu đơn vị khác cũng được làm than nên có sự cạnh tranh. Một số công ty ở Bắc Ninh, Hải Dương tuyển nhân viên kỹ thuật trả rất cao nên nhiều người chuyển, hoặc chấp nhận lương thấp hơn để về gần gia đình và bớt vất vả.
"Các đơn vị đang thiếu thợ lò, nhưng tuyển được rất khó, khi tuyển được mười thì bảy người bỏ", ông Lý thừa nhận.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Tiến, Chánh văn phòng Công ty cổ phần than Hà Lầm nhìn nhận vấn đề công nhân nghỉ việc là "đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và tái cơ cấu theo chỉ đạo của TKV". Bởi từ năm 2016, Công ty đã áp dụng công nghệ mới vào khai thác.
Năm 2016 Công ty than Hà Lầm giảm 242 lao động vì nhiều lý do như: chuyển đơn vị khác, hoàn cảnh gia đình, đơn phương chấm dứt hợp đồng… "Công ty có tổng cộng 3.600 người với thu nhập bình quân 11,3 triệu đồng/người. Từ đầu năm 2017 đến nay số lao động biến động không lớn, có lao động bỏ việc thì cũng có lao động xin vào", ông Tiến lạc quan.
Phụ trách đào tạo nhân lực cho ngành, ông Vũ Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Cao đẳng Nghề than - Khoáng sản Việt Nam cho hay, mỗi năm các công ty thuộc TKV cần tuyển từ 3.500 đến 4.000 thợ lò. Năm 2017 dự kiến cần 3.800 thợ, nay mới tuyển được 1.800, như vậy là thiếu gần 2.000 nhân lực.