Ngành đường sắt Việt Nam đang đối diện với "làn sóng" công nhân, nhân viên ở nhiều đơn vị khác nhau nghỉ việc.
Theo Tổng công ty đường sắt, năm 2016 có 266 người chấm dứt hợp đồng lao động. Năm 2017 con số này không dừng lại, thậm chí còn "tăng tốc" khi trong sáu tháng đầu năm đã có 207 người nghỉ việc.
Một lãnh đạo tổng công ty cho hay, không chỉ ở doanh nghiệp cổ phần, mà các đơn vị ít bị ảnh hưởng bởi quá trình tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh như nhà ga, xí nghiệp đầu máy, quản lý hạ tầng… cũng có hàng trăm lao động nghỉ việc trong các năm qua. "Trong khi đó, vì nhiều lý do, hiện việc tuyển mới lao động vào ngành đường sắt khó hơn nhiều so với trước", vị này nói.
Ông Nguyễn Đào Việt Phương - Đội trưởng chắn đường ngang Giáp Bát (Hà Nội), cho biết từ đầu năm đến nay đội đã có 10 công nhân xin chấm dứt hợp đồng lao động, trên tổng số 115 nhân viên.
Từ 1/10 tới, đội có thêm bốn người xin nghỉ việc. Mỗi người có một lý do riêng như sức khỏe yếu, muốn về quê làm việc..., song phần lớn là do thu nhập thấp trong khi công việc vất vả.
Theo ông Phương, khu vực từ Trường Chinh đến Ngọc Hồi (Hà Nội) có 18 chắn đường ngang với lưu lượng phương tiện cao; 50-60 chuyến tàu mỗi ngày đêm. Mỗi lao động phải làm 21 ban một tháng (mỗi ban 12 giờ) thì mới được tính đủ lương khoảng bốn triệu đồng.
"Khối lượng công việc đó là quá sức với nhiều người, họ kêu không có thời gian nghỉ ngơi", ông Phương chia sẻ.
"Dứt áo ra đi" sau nhiều năm gắn bó
Gia đình anh Đoàn Văn Minh (Công ty đường sắt Hà Hải) có 5 người làm trong ngành đường sắt, riêng anh đã 13 năm làm nghề gác chắn nên việc chuyển nghề không khỏi khiến anh băn khoăn.
Anh Minh tâm sự, nhiều năm qua, lương nhận về sau khi trừ các khoản là 3,1-3,2 triệu mỗi tháng. Trong khi đó, việc gác chắn đường ngang khu vực ga Hà Nội đến Ngọc Hồi rất căng thẳng vì lưu lượng giao thông lớn. Mỗi ngày làm 12 giờ, nhân viên gác chắn còn luân phiên cả vào ban đêm.
Hai vợ chồng anh thuê nhà mất hai triệu đồng, tiền ăn uống, xăng xe rất eo hẹp vì vợ cũng thu nhập thấp. Cuối năm nay gia đình anh Minh đón thêm thành viên mới nên các khoản chi tiêu càng khiến họ lo lắng. Anh Minh tính, nếu làm tăng ca vào 10 ban (mỗi ban 12 giờ) thì thu nhập tăng được một triệu đồng mỗi tháng, cũng không đủ chi phí, còn không tăng ban thì không có tiền.
"Sau 13 năm làm việc, dịp hè vừa qua tôi đành xin nghỉ, chuyển sang phụ xe, không phải làm đêm và thu nhập 6-7 triệu mỗi tháng", anh Minh nói.
Cũng là nhân viên gác chắn đã ba năm, anh Bùi Tùng Bách (25 tuổi) cho biết mới chuyển sang làm nhân viên quản lý nhà kho tại một doanh nghiệp tư nhân với mức lương gấp đôi chỗ làm việc cũ.
Theo anh Bách, công nhân gác chắn không chỉ thu nhập thấp mà còn "nơm nớp sợ chủ xe hành hung khi chúng tôi chặn dòng phương tiện cho tàu qua". "Đội của em đã có nhiều nhân viên bị chủ xe đánh, chỉ va chạm nhẹ thanh chắn vào xe của họ là họ lao xuống hành hung ngay", Bách nói.
Cũng mới nghỉ việc giữa năm, anh Phạm Ngọc Thắng (25 tuổi) công nhân duy tu đường sắt khu vực Hải Dương, chia sẻ để khỏi thất nghiệp sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông, anh xin làm công nhân duy tu đường sắt vì muốn được "làm gần nhà" với công việc sửa chữa tà vẹt, lèn đá, thay đệm... Song chỉ làm việc được bốn tháng, phải dãi nắng dầm mưa trên công trường trong khi lương nhân viên mới được hơn hai triệu mỗi tháng, Thắng xin chấm dứt hợp đồng lao động.
"Công việc nặng nhọc không hợp với sức khỏe của em, lương lại quá thấp so với công sức bỏ ra. Với công việc này cần thu nhập thấp nhất là năm triệu đồng mỗi tháng thì mới đủ trang trải", Thắng nói.
Gắn bó 15 năm với nghề phục vụ trên tàu, chị Minh (nhân viên tàu khách Thống Nhất, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội) chia sẻ, những tháng ít khách đi tàu, chị chỉ được đi hai chuyến nên lương khoảng 2,5 triệu mỗi tháng.
Tháng cao điểm dịp Tết, hè, chị đi khoảng bốn chuyến với thu nhập 5-6 triệu. Một vòng quay gồm chuyến đi và về, mất 35 giờ cả ngày lẫn đêm, "nghĩa là 70 giờ lao động chưa kể 12 tiếng chờ ở Sài Gòn để quay ra".
Anh Phạm Tuân - thợ cơ khí Xí nghiệp Sửa chữa toa xe Hà Nội, cũng cho biết, lương thấp quá nên anh đành phải nghỉ việc từ đầu năm 2017.
"Tôi đi làm sáu năm rồi nhưng tháng cao nhất cũng chỉ được năm triệu, còn đâu chỉ khoảng 2-3 triệu. Chẳng riêng gì tôi, nhiều người xin nghỉ rồi”, anh Tuân nói.