Hải Vân quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân (giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng), vừa kết thúc đợt khảo cổ phần móng và đang được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cùng Sở Văn hoá, thể thao Đà Nẵng gấp rút hoàn thành hồ sơ tu bổ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Được xây dựng hoàn chỉnh vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), đến nay Hải Vân Quan trải qua gần 200 năm tồn tại và chịu ảnh hưởng từ các biến cố lịch sử, tác động của thiên nhiên khắc nghiệt cũng như con người, dẫn đến di tích bị thay đổi rất nhiều.
Trong giai đoạn 1945 - 1975, nơi đây bị biến thành hệ thống đồn bốt phòng thủ trấn giữ con đường huyết mạch từ Huế vào Đà Nẵng. Các phần trên của Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan bị tháo dỡ và xây dựng lên các lô cốt bê tông, gạch thẻ; hệ thống tường thành một phần bị sụt, đổ; hào bị cải tạo.
Rất nhiều lô cốt, hầm hào và các công trình khác được xây dựng trong khu vực Hải Vân Quan giai đoạn này đã phá hoại các công trình, các dấu tích có yếu tố nguyên gốc và chân xác của di tích dưới thời nhà Nguyễn.
Mặt bằng hiện bị biến đổi hoàn toàn so với sơ đồ do ông H. Cosserat vẽ vào năm 1918.
Tuyến đường bậc cấp bằng đá từ phía Đà Nẵng lên Hải Vân Quan bị phá huỷ, dịch chuyển tuyến đường từ hướng Nam sang hướng Tây Nam; tuyến đường Thiên Lý Bắc - Nam xưa từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan về phía Huế bị vùi lấp từ 1,2 đến 1,5 m so với nền đất hiện hữu.
Cơ quan chức năng đưa ra hai phương án phục dựng di tích. Trong đó phương án đầu tiên có tổng kinh phí hơn 39 tỷ đồng, là phục hồi toàn bộ công trình phía trong ranh giới vùng I bảo vệ di tích, một đoạn tuyến đường Thiên Lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng như thời nhà Nguyễn. Các công trình nằm ở ranh giới vùng bảo vệ I và II sẽ được bảo tồn thích nghi.
Cụ thể, di tích cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan sẽ được tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên cửa quan đến nền gốc di tích thời Nguyễn, tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc. Phục hồi thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ. Gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây. Phục hồi lan can xây gạch vồ chia ô hộc và trang trí trên nóc theo tư liệu. Phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ.
Hệ thống tường thành nhà Nguyễn sẽ được phục hồi bằng đá hộc theo dấu vết khảo cổ và dấu vết trên tường hông Hải Vân Quan cũng như Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành bằng vữa neo, các vị trí xung yếu gia cố bằng bê tông.
Các tường phía Nam phục hồi nhãn pháo, tường che, các ụ đặt pháo. Sáu khẩu pháo thần công cùng chòi quan sát bằng khung gỗ, lợp ngói cũng sẽ được phục hồi theo tư liệu...
Phương án trên cũng tính đến việc phục hồi khoảng 200 m tuyến đường Thiên Lý từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi Huế bằng đá xếp theo hình thức và công nghệ truyền thống. Làm lại tuyến bậc cấp từ cổng Hải Vân Quan xuống phía Đà Nẵng theo dấu vết khảo cổ bằng đá; nhà Trú Sứ và nhà Vũ Khố ba gian.
Năm lô cốt được xây dựng từ thời Pháp chiếm đóng, hiện đang xuống cấp sẽ được phục hồi các chi tiết bị sập vỡ. Xây dựng các tuyến đường dạo theo địa hình nối các lô cốt và di tích bằng chất liệu bê tông giá đất đảm bảo mỹ quan và bền vững.
Phương án thứ hai tập trung vào bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định có trước giai đoạn năm 1975. Ở cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan sẽ không tháo dỡ các lô cốt mà tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc; gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây, khối bê tông cốt thép các lô cốt; phục hồi hệ thống thang lên các lô cốt. Các hạng mục khác gần tương tự như phương án một. Tổng kinh phí cho phương án này hơn 23 tỷ đồng.
Các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đánh giá phương án thứ nhất có ưu điểm hơn, truyền tải được ý nghĩa, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của di tích Hải Vân Quan trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của tiền nhân, đặc biệt là giai đoạn nhà Nguyễn; về quân sự cũng thể hiện được đồn luỹ phòng thủ bảo vệ Kinh thành Huế khỏi các cuộc tấn công từ phía Nam.
Trong khi phương án thứ hai được cho chỉ thể hiện vai trò trong giai đoạn lịch sử cận đại (1946-1975). "Việc tu bổ Hải Vân Quan đang là một bài toán được đặt ra, do pha trộn giữa kiến trúc của triều Nguyễn và thời lính Pháp, Mỹ xây dựng", ông Nguyễn Ngọc Chất - Phó trưởng phòng Nghiên cứu và sưu tầm Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói.
Theo ông Chất, khi phục dựng và tu bổ lại di tích này, cần bảo tồn hai cổng Hải Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan như thời nhà Nguyễn vốn có. Thêm vào đó, ngoài phục dựng khu vực tường thành, đường Thiên Lý bắc - nam thì cũng cần có một nhà trưng bày các hiện vật. Riêng các lô cốt và hầm do lính Pháp và Mỹ xây dựng cần giữ lại như là một chứng tích chiến tranh.
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, trong năm 2017 đã có 320.000 du khách đến Hải Vân Quan. Thời gian qua dù tiến hành khảo cổ, nhiều khu vực phải rào chắn lại, nhưng điểm đến này vẫn tấp nập du khách. Việc tu bổ công trình này không chỉ có ý nghĩa hoàn thiện một điểm du lịch di sản mà còn giúp kết nối giữa hai địa phương Huế và Đà Nẵng.
"Những gì chúng ta đang nhìn thấy rất dễ gây ngộ nhận cho người xem về kiến trúc cũng như quy mô của Hải Vân Quan. Bên cạnh đó cũng rất khó phân biệt đâu là di tích nguyên dạng, đâu là phần đã bị cải tạo. Chúng tôi cũng đã dựng 3D để giúp cho việc nghiên cứu, phục hồi giá trị nguyên gốc của di tích", ông Hải nói.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác khảo cổ, trùng tu và quản lý di tích. Ông Nguyễn Dung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, dù chọn phương án nào thì việc cần thiết là phải khảo cổ kỹ để giữ được nguyên bản.
"Khi khai thác tốt thì việc thu hồi chi phí bỏ ra trùng tu sẽ rất nhanh. Đà Nẵng và Huế không phải là thiếu tiền để trùng tu. Tuy nhiên thời gian qua đã có những trở ngại. Bây giờ vượt qua được rồi thì phải cùng nhau quyết tâm làm. Ai khai thác cũng được thôi, miễn là phát triển giá trị của di tích cũng như người dân hai bên được hưởng lợi", ông Dung nói.
Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng, cho biết trong thời gian tới hai địa phương sẽ tổ chức một cuộc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn phương án trùng tu. Sau đó sẽ báo cáo kết quả cho Bộ Văn hoá để có thể khởi công trong năm 2019.