Thứ tư, 1/8/2018, 12:30 (GMT+7)

Đô thị vệ tinh của Hà Nội - một hình hài bất động

Một thập kỷ sau khi được quy hoạch, nhiều "đô thị vệ tinh" của Hà Nội vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ.

Chị Tâm kinh doanh cửa hiệu tạp hóa trước cổng chợ Trung Sơn Trầm hơn bảy năm nay. Một ngày của chị, cũng như của nhiều hộ sinh sống dọc đoạn quốc lộ này, bắt đầu bằng việc diệt giặc bụi.

Nhà nào không buôn bán sẽ đóng tất cả các loại cửa sổ, cửa ra vào suốt ngày. Những hộ kinh doanh lớn sẽ đầu tư mạnh tay một vòi phun nước tưới ướt khoảng đường trước cửa.

Chị Tâm không có tiền để phun nước tưới đường. Cách chị chọn là trùm kín tất cả những mặt hàng nào có thể lấy túi nylon để trùm lên được: cặp sách, thú bông, hoa giấy, tập vở...

Thứ chị bán chạy nhất là khẩu trang. Đi qua đoạn phố này, ai cũng cần.

Tháng 10/2010, dự án cải tạo nâng cấp tuyến phố Tùng Thiện nằm trên quốc lộ 21A, Trung Sơn Trầm được phê duyệt, do Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 246 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013.

Không lâu sau, Trung Sơn Trầm trở thành một nơi bụi mù quanh năm. Những đoàn xe kéo qua đoạn quốc lộ dang dở tạo ra một đám mây trắng đậm đặc của bụi phủ vây khu dân cư. Và khung cảnh giữ nguyên cho đến năm 2018, tròn một thập niên kể từ khi Sơn Tây "về thủ đô".

Khung cảnh quốc lộ 21A đoạn vào thị xã Sơn Tây.

Ngày 7 tháng 4 năm 2011, tai nạn giao thông, hai thanh niên tử vong tại chỗ.

Ngày 6 tháng 1 năm 2016, tai nạn giao thông, 3 người tử vong tại chỗ.

Ngày 30 tháng 7 năm 2016, tai nạn giao thông, một phụ nữ tử vong tại chỗ.

Đó là một vài thống kê về cùng một đoạn đường, loại thông tin hiếm hoi làm cho địa phương này hay được truyền thông nhắc đến.

Bốn xe ôtô trọng tải lớn, hơn ba mươi lượt phương tiện qua lại mỗi phút. Hơn 900 học sinh qua lại đoạn đường này hàng ngày. Thông tin đáng chú ý còn lại về con đường là chuyện ông bảo vệ dân phố với "nghiệp dắt trẻ qua đường" hai lần mỗi ngày. Sự nghiệp của người đàn ông này cũng bắt đầu từ chính năm con đường được khởi công.

"Hôm nào cũng vài đứa học sinh trượt bánh xe đạp ngã ở đây", chị Tâm chỉ vào đoạn đường trước cửa nhà, ngổn ngang những viên đá lớn làm đường, một miệng hố chưa lấp.

Nắng thì bụi, còn một cơn mưa nhỏ cũng đủ để biến đoạn dân cư ấy thành vũng thành chuôm. Những đoạn cống thoát nước lắp đặt dang dở của con đường dang dở không giúp chị tránh được dòng nước tràn vào nhà.

Đó là hình ảnh con đường huyết mạch nối liền hai "đô thị vệ tinh" Hòa Lạc và Sơn Tây - những nơi mà theo quy hoạch, sẽ là mũi nhọn của việc phát triển thủ đô sau mở rộng.

Đô thị vệ tinh (satellite town) là khái niệm được học giả Mỹ Graham Romeyn Taylor đưa ra lần đầu năm 1915 để chỉ việc di dời các nhà máy ra ngoại thành nhằm giảm thiểu áp lực dân cư vào một thành phố lớn.

Sau thành công của Mỹ, Liên Xô, Anh và nhiều nước châu Âu nửa đầu thế kỷ 20, phong trào xây đô thị vệ tinh ở bắt đầu lan sang châu Á.

Nhật Bản là một trong những nước tiên phong. Năm 1956, quốc gia này rót hàng trăm tỷ đôla vào việc gây dựng 8 đô thị vệ tinh quanh Tokyo. Người Nhật chỉ mất 6 năm để nhận ra đại kế hoạch này không hiệu quả. Họ tập trung đầu tư cho tái cấu trúc thủ đô, phương án đạt nhiều thành công và ít tốn tiền hơn.

Hàn Quốc kiên trì hơn với 3 lần nỗ lực đeo đuổi kế hoạch chỉ trong vòng 13 năm. Từ 1960 đến 1973, họ cho xây dựng 12 đô thị vệ tinh quanh Seoul. Sức ép dân số vào Seoul không hề giảm. Từ một thành phố đông dân thứ 33 trên thế giới với 2,4 triệu người năm 1960, Seoul ngày nay đứng thứ 4 thế giới với 23 triệu dân.

Hàn Quốc đã có lúc phải tính tới chuyện dời thủ đô ra khỏi Seoul để tránh áp lực dân số.

Quy hoạch các đô thị bao quanh Hà Nội.

Năm 2008, Việt Nam nhập cuộc. Sau mở rộng địa giới, các nhà quy hoạch Hà Nội gọi tên năm đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Với chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, chúng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về mọi mặt.

Nhưng Việt Nam đang mất nhiều thời gian hơn người Nhật để xác định mức độ hiệu quả của đại công cuộc này.

Trung tâm Sơn Tây, mười giờ sáng, một anh thanh niên dìu tay người phụ nữ lớn tuổi lên những bậc cầu thang của chợ Nghệ để tìm mua một bộ áo nâu đi lễ chùa.

Người phụ nữ đến đây mua đồ chỉ vì mối quen biết nhiều năm với người bán hàng. Anh thanh niên không thích mua quần áo ở những nơi không gương, không phòng thử, không ánh sáng, không điều hòa, xung quanh đủ loại mùi. Anh không bao giờ mua đồ chợ Nghệ.

Hai bà cháu họ là những người đầu tiên bước vào ki ốt 494 của bà Hiền từ ba ngày nay. Thời điểm đó, họ là hai trong vỏn vẹn năm khách hàng của khu chợ đầu mối được gọi là "hiện đại nhất phía Tây thủ đô".

Chợ Sơn Tây vắng bóng người mua hàng
 
 
Chợ trung tâm Sơn Tây lúc 10h sáng thưa vắng người.

Bà Hiền vẫn nhớ như in những ngày hoàng kim của khu chợ này, khi bà còn là cô thiếu nữ ra giúp mẹ bán hàng. "Ngày thường thôi, người xếp hàng mua đồ đã dài khắp các ngách chợ, đen đỏ toàn người là người". Những người dân Sơn Tây cùng thời với bà Hiền còn nhớ một câu ca dao:

Chợ Nghệ một tháng sáu phiên
Khách đến như nước hàng tiền như mưa.

Bà Hiền còn định kể thêm gì nữa nhưng tiếng hát karaoke từ những ki ốt xung quanh làm bà khựng lại. Khung cảnh chen chúc quanh bà những ngày chợ xưa giờ được thay bằng những chủ hàng nằm dài trên ghế xếp ngủ từ sáng đến trưa. Người khác ngồi tán chuyện, nhổ tóc cho nhau. Một vài người mang cả dàn karaoke ra, sáng mở hàng, ngồi hát đến khi chợ tắt đèn mới cất micro, đóng cửa đi về không có nổi một vị khách.

Trên tầng hai của trung tâm thương mại, sót lại một vài tấm biển hiệu của những ki ốt bán nhân sâm Triều Tiên hảo hạng, phông bạt, bóng nháy, hoa lụa đám cưới... Tất cả, đã phủ nhiều lớp bụi, đôi lúc được kèm thêm một tờ giấy viết tay "Cho thuê chỗ giá rẻ". Tổng cộng có khoảng 300 gian hàng như thế.

Các tiểu thương nói, họ còn bám trụ trong chợ vì không có đủ lực thuê cửa hàng mặt phố.

Phía cuối hành lang tầng hai bỏ hoang ấy, một người phụ nữ đang kê ghế con ngồi tựa lưng vào những mảng chân tường loang loang màu mốc, đan ngựa và hình nhân hàng mã.

Chị không thấy cái chợ này sôi động lên hay đìu hiu đi, từ ngày mở chợ đến nay nó vẫn vậy. Chị cũng không đưa ra lời phỏng đoán, giải thích hay đánh giá nào cho mô hình quản lý hay quy hoạch của UBND thị xã. Chị thấy tiện. Chị có chỗ để nhờ những sản phẩm chiếm nhiều không gian mà mình vừa làm ra, tất cả là nhờ có sự hoang phế này.

Để thay thế cho chợ Nghệ cũ, bị cháy năm 2005, một công trình mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội ra đời với những hứa hẹn: Trung tâm thương mại lớn nhất phía Tây Hà Nội, 170 tỷ đồng để xây dựng một hầm xe và 3 tầng chợ với sức chứa hơn 1.200 gian hàng.

Tháng 9 năm 2009, cùng với hơn 800 hộ kinh doanh khác bị thiệt hại do cháy, chị Hiền bốc thăm phân lô ki ốt cho cửa hàng mới của mình. Chị, cũng như họ, khấp khởi niềm hy vọng gây dựng lại cơ ngơi trước kia để lo cho hai con ăn học.

Nhưng giờ cả tháng chị Hiền trẻ mới đi "đánh hàng" một lần, mỗi lần chỉ vài cái áo phông, chục cái váy ngắn váy dài, ai dặn gì mới lấy đấy. Từ một tiểu thương có máu mặt phất lên nhờ bán sỉ quần áo, mỗi lần đi "đánh hàng" bằng xe tải như ngày xưa, giờ chị Hiền lấy mươi thứ về vẫn lo không bán hết.

Hai phần ba trong số hơn 800 tiểu thương đăng ký kinh doanh ban đầu giờ đã rời khu chợ chục nghìn tỷ này để tìm kế sinh nhai khác.

Những người còn cố gắng bám trụ đa phần là người già như bà Hiền, không còn sức đổi sang công việc khác. Hoặc những người không đủ tiền để thuê cửa hàng mặt đường như chị Hiền trẻ.

Chị Hiền chợ Nghệ và chị Tâm ở Trung Sơn Trầm, đều đã từng mang những hoài bão. Chị Tâm đặt niềm tin mười năm vào một con đường tầm cỡ quốc gia to đẹp thông thoáng để thuận lợi đi lại, buôn bán. Chị Hiền cũng có một ấp ủ mười năm gây dựng lại cơ đồ, trên nền tảng của một khu chợ trung tâm bề thế. Nhưng giờ, thất vọng là điểm chung duy nhất của họ.

Cảm giác thất vọng ấy là của cả Thomas và Violet.

Thomas và Violet là hai công dân Anh sang Việt Nam làm giáo viên ngoại ngữ từ đầu tháng 5 năm nay. Trong hành trình khám phá văn hóa Việt Nam, họ dành một buổi sáng dạo quanh khu di tích thật nằm cạnh "di tích" chợ Nghệ: thành cổ Sơn Tây.

Hai chữ Yes, No và ngón tay trỏ của nhân viên bảo vệ là phần thông tin duy nhất cho hai khách du lịch này trong chuyến thăm thành cổ.

Lost là từ được Violet dùng để trả lời cho câu hỏi "cảm nghĩ sau khi đi thăm thành cổ". Từ lost ấy của cô và người bạn trai không được dùng với ý nghĩa chỉ sự lạc đường.

Lost là kiểu cảm xúc khi họ bước vào một khu "di tích" nhiều bê tông, sắt thép hơn đá ong, nhiều quán nước hơn bảng hiệu chỉ dẫn, không một tấm bản đồ và cánh cửa luôn khóa của văn phòng thông tin du lịch.

Đại diện duy nhất của ngành du lịch họ gặp ở khu di tích một trăm sáu mươi nghìn mét vuông ấy là nhân viên bảo vệ không biết tiếng Anh.

Khoảng 10 giờ sáng, chuyến tham quan thành cổ kết thúc sau hơn 30 phút. Họ lên xe máy đi đến địa danh thứ hai: làng cổ Đường Lâm với hy vọng không còn lost. Nhưng nhiều người Việt Nam đã đi thăm Đường Lâm hẳn sẽ cảm thấy lo lắng cho hành trình này.

Lost của Violet và Thomas là cảm giác hoang mang, mơ hồ, bối rối.

Sơn Tây được quy hoạch là một trong năm đô thị vệ tinh cùng Sóc Sơn, Hòa Lạc, Xuân Mai và Phú Xuyên. Với tính chất là một đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Các hướng phát triển trọng tâm của đô thị này được xác định là đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái và tiểu thủ công nghiệp.

Sau 10 năm về Hà Nội, bộ mặt du lịch của đô thị vệ tinh vẫn chỉ là những người dân Đường Lâm co duỗi trong những vuông nhà nát không cách nào kiếm ra tiền trong làng du lịch cấp Quốc gia.

Đó là một trong những nhân vật làm dịch vụ bền vững nhất đô thị vệ tinh Sơn Tây: cụ bà bán thạch găng trước cổng thành cổ "tâm điểm du lịch" của thị xã. Mấy chục năm nay bà vẫn luôn ngồi bán những cốc thạch năm nghìn đồng, với gia tài vỏn vẹn làn thạch, lọ chè đỗ đen và mấy cái cốc thìa gói trong túi nilon.

Đó là hơn 3.200 tỷ đồng xây dựng một làng văn hóa các dân tộc bỏ hoang, gần 2 tỷ đồng trùng tu mỗi ngôi nhà cổ để sau đó không thể ở, là hơn 8 tỷ đồng khác để bê tông hóa ngôi thành cổ gần 200 năm tuổi...

Đó là những đoàn khách Việt hoang mang, mơ hồ, bối rối và những vị khách Tây, hễ đi là thấy lost.

Cả Sơn Tây có 635 doanh nghiệp, tức bình quân cứ 292 người dân Sơn Tây thì có một doanh nghiệp hoạt động.

Số dân chia doanh nghiệp của thị xã này gấp đôi mức bình quân của cả nước (165 người/doanh nghiệp), gấp 5 lần mức bình quân của toàn Hà Nội (hơn 60 người/doanh nghiệp).

So sánh ngẫu nhiên với 2 thị xã ở các vùng kinh tế khác, thì bức tranh kinh doanh của "đô thị vệ tinh" Sơn Tây cũng không mấy sáng sủa. Thị xã Đồng Xoài, tỉnh lỵ của Bình Phước, cứ 80 người dân thì có một doanh nghiệp. Thị xã Kỳ Anh, không phải tỉnh lỵ của Hà Tĩnh, một tỉnh nghèo, cũng có mức bằng bình quân cả nước.

So sánh bình quân số dân trên mỗi doanh nghiệp.

Theo báo cáo nhân 10 năm ngày sáp nhập về Hà Nội của UBND thị xã Sơn Tây, năm 2018 số doanh nghiệp tăng 443 so với năm 2008, khi mới trở thành một phần thủ đô.

Nói cách khác, tổng số doanh nghiệp ra đời và tồn tại ở Sơn Tây trong một thập kỷ qua, chưa bằng mức tăng của Hà Nội trong vòng một tuần. Mỗi tuần Hà Nội có gần 500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới.

"Du lịch" là một trong những hoạt động kinh tế được xác định là mũi nhọn của "đô thị vệ tinh Sơn Tây". Nhưng ngoài Đường Lâm vốn gây thất vọng cho khách du lịch từ lâu, hoạt động kinh tế đáng kể nhất mang dấu ấn văn hóa địa phương, là làm bánh tẻ.

2h chiều, con đường dẫn vào làng bánh tẻ Phú Nhi thưa bóng người. Những ngõ, ngách trong làng vẫn đầy hàng cau, giàn trầu không vấn vít trên bờ tường đá ong.

Từ cuối ngõ, Bà Chung quẩy quang gánh sang lò nhà chị Lan. Như mọi ngày, bà sẽ nhập 50 chiếc bánh. Ngày bà đi hai lượt, từ làng mình sang Phú Nhi lấy hàng rồi đi bộ xuống thị xã Sơn Tây bán rong cho khách.

Bánh làm bằng bột gạo, mộc nhĩ, nhân thịt ba chỉ, bên trong cuộn lá dong xanh, bên ngoài cuộn chặt bằng lá chuối khô để không bung ra khi hấp chín. Chiếc bánh tẻ được làm bằng những nguyên liệu thuần nông, tự trồng, tự nuôi của người Sơn Tây. Nhưng nó chưa bao giờ trở thành "đặc sản du lịch" trong "ngành du lịch mũi nhọn" mà các nhà quy hoạch đã gán cho Sơn Tây.

Con đường độ hai chục cây số, bà Chung đi đã 17 năm nay. Đôi chân và chiếc quang gánh ấy là động cơ chính trong quảng bá thương hiệu truyền thống của nơi này.

Bà Chung quẩy bánh tẻ đi bán lẻ trong Sơn Tây.

Giữa buổi chiều, lò than nhà chị Lan sẽ lại đỏ lửa khi đã giao hết bánh cho những gánh hàng rong. Chỉ có mấy phụ nữ trung niên trong bếp. Chị này xay thịt, chị kia nhóm lò, một người nữa ngồi lau lá dong. Còn bà chủ thì ngồi quấy bột đã ngâm sau một buổi, chuẩn bị ráo.

Thanh niên trong làng đã tha hương đi làm thuê hết, nghề truyền thống giờ chỉ để những người già túc tắc sống qua ngày.

Mỗi ngày, cơ sở có bốn nhân công này sẽ cho ra lò khoảng 1.000 cái bánh. Bán buôn 4.500 đồng, bán lẻ 5.000 đồng mỗi cái. Thị trường tiêu thụ là những nhà làm du lịch ở Đường Lâm, gánh hàng rong quanh thị xã như bà Chung, hoặc người "dưới Hà Nội" đặt làm.

Bánh tẻ Sơn Tây 
 
 
Hoạt động kinh tế mang dấu ấn văn hóa địa phương đáng kể nhất ở Sơn Tây là làm bánh tẻ.

Mấy năm trước, phường từng phát cho mỗi hộ sản xuất một tệp danh thiếp để quảng bá thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi. Trên cái danh thiếp ấy có thông tin đầy đủ của chủ nhà, không quên khẳng định "làng nghề truyền thống". Chị Lan phân phát chúng cho vài gánh hàng rong để gửi khách lạ, còn đâu vứt cả bịch vào chạn bát.

Ba yếu tố cần phải có của một đô thị vệ tinh được nêu ra tại Hội nghị Quốc tế thường niên về phát triển nông thôn năm 2016 tại Latvia:

  • "Đảm bảo việc di chuyển nhanh chóng tới đô thị lõi và không gian đủ rộng để xây dựng hạ tầng
  • Độc lập kinh tế với đô thị lõi, đảm bảo tạo ra đủ việc làm cho cư dân sinh sống tại đó
  • Một nền văn hóa mang tính đặc thù để nó không bị đánh đồng với các vùng ngoại ô thông thường".

Đem ba tiêu chí này đối chiếu với bất kỳ 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội cũng sẽ cho kết quả không lạc quan.

Các đô thị vệ tinh không đảm bảo được việc di chuyển nhanh chóng của người dân ra vào đô thị lõi. Quốc lộ 6 là con đường huyết mạch nối Xuân Mai với nội thành Hà Nội. Nhưng trong một ngày không mưa, một giờ ba mươi phút là thời gian cần thiết để đi từ nội thành Hà Nội đến Chúc Sơn, thị trấn liền kề đô thị Xuân Mai, cũng đúng bằng thời gian đi từ Hà Nội đến Hải Phòng. Đây trở thành phép so sánh kinh điển cho thấy sự bất hợp lý trong hạ tầng giao thông Hà Nội.

Xuân Mai thất bại với điều kiện đầu tiên.

Khu công nghiệp Nam Tiến Xuân quy mô 290 ha, khu đô thị mới nằm giữa núi Thoong - sông Bùi 470 ha, khu trung tâm thương mại tại ngã tư Xuân Mai... là những cái tên người dân Xuân Mai nghe quen nhưng chưa bao giờ thấy mặt. Bảy trên chín khu dân cư trên địa bàn vẫn sinh sống bằng nông nghiệp.

Đô thị dịch vụ - công nghiệp Xuân Mai sau 10 năm vẫn còn là khái niệm xa lạ với chính người dân địa phương. Xuân Mai thất bại trong cả điều kiện thứ hai.

Đại lộ Thăng Long có thể coi là thành công đáng kể nhất trong hạ tầng giao thông đô thị vệ tinh. Trên lý thuyết, con đường 30 km trị giá gần 8.000 tỷ đồng này sẽ kết nối trung tâm thủ đô với siêu đô thị khoa học và công nghệ cao Hòa Lạc.

Hòa Lạc nhìn từ trên cao, sau 20 năm, là một vùng rộng lớn màu nâu loang lổ của nhiều khu đất không một công trình, là cánh cổng đồ sộ dẫn vào thành phố đại học - Đại học Quốc gia Hà Nội không bóng sinh viên. Những người dân Thạch Thất 15 năm trước trông chờ vào một thành phố đại học với các dịch vụ ăn theo đủ để nuôi sống cả một vùng dân cư lân cận, giờ đã quen với sự "treo" của các dự án suốt từ thời về thủ đô.

Trung tâm Hà Nội năm 2012. Ảnh: Funky Chickens

Khi các đô thị vệ tinh của Hà Nội thất bại trong việc đáp ứng các điều kiện cần và đủ, nhiều người quay lại với câu hỏi: vậy nội thành Hà Nội đã bớt đông dân?

Năm 2008, mật độ dân số bình quân của cả thành phố khoảng 1.900 người/km2. 10 năm sau, chỉ số này khoảng 2.300 người/km2. Mật độ của quận tích tụ đông dân nhất, Đống Đa, cũng tăng từ 36.700 người/km2 lên 42.200 người/km2.

Việt Nam đã kiên trì hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc trong đại công cuộc phát triển đô thị vệ tinh của mình. Tháng 12 năm 2017, Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc - TP Hà Nội đến năm 2030 với 75 dự án, kỳ vọng thu hút 600.000 dân.

Ước mơ về những thành phố vệ tinh 4.0 vẫn tiếp tục được vẽ lên. Và Hà Nội tiếp tục chờ đợi.

Và người dân Trung Sơn Trầm, Sơn Tây vẫn chỉ giặt quần áo khi trời mưa. Hơi ngược đời, nhưng chỉ khi đó con đường mới không có bụi.

Quốc lộ 21 A vào thị xã Sơn Tây
 
 
Cửa ngõ vào thị xã Sơn Tây với con đường thi công dang dở gần 10 năm.

Bài: Thanh Lam - Hoàng Phương
Ảnh: Giang Huy
Video: Trần Quang