Trạm BOT trên tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang) đang tạm dừng thu phí để Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ vấn đề, đồng thời đề xuất phương án giải quyết.
Nhận xét về các kịch bản do Bộ Giao thông đưa ra, ông Thân Văn Thanh - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cho rằng mỗi phương án đều có điểm chưa hợp lý.
Kịch bản một là giữ nguyên trạm thu phí đang gặp phản ứng của tài xế. Kịch bản hai là dời trạm về tuyến tránh thì kéo dài thời gian thu phí; còn kịch bản ba sẽ phải xây dựng thêm hai trạm (cả ở quốc lộ 1 và tuyến tránh) làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến phương án tài chính.
Ông Thanh đề xuất phương án dùng quỹ bảo trì đường bộ trả phần đầu tư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 (khoảng 300 tỷ đồng). Đồng thời, Chính phủ cho di dời trạm thu phí vào tuyến tránh thị xã Cai Lậy để thu phí dự án hoàn vốn đầu tư tuyến tránh khoảng 1.100 tỷ; chính quyền địa phương phân luồng phương tiện đi vào tuyến tránh khi qua thị xã Cai Lậy.
Phương án này đảm bảo lợi ích của người dân mặc dù thời gian thu phí dự án kéo dài hơn trước.
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng, dự án cần được kiểm toán lại về tổng mức đầu tư cải tạo quốc lộ và công khai cho người dân biết.
"Thủ tướng đã nói, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình, nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. Do vậy các phương án cần được xem xét trên lợi ích của người dân", ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ quan điểm tương tự ông Thân Văn Thanh.
Theo ông Thành, cùng với việc triển khai phương án như đại diện Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam đã đưa ra, chính quyền có thể đặt thêm một trạm thu phí ở đầu đường vào thị xã Cai Lậy. Trạm này độc lập với trạm trên đường tránh và tiền thu về thuộc ngân sách nhà nước; có mục đích thu hồi một phần vốn sửa chữa và chi phí duy tu con đường do nhà nước quản lý.
Chính quyền có thể triển khai giải pháp nhằm điều tiết lượng xe đi qua thị xã Cai Lậy, hạn chế xe hạng nặng vào khu dân cư, bảo vệ đời sống người dân thị xã.
"Rút kinh nghiệm Cai Lậy cho 8 trạm thu phí tương tự"
Ông Phạm Trường Dân - nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho rằng quyết định tạm dừng thu phí ở BOT Cai Lậy của Thủ tướng là đúng đắn và hợp lòng dân.
Với ba kịch bản Bộ Giao thông đưa ra, ông Dân nói: "Chính phương án mà Bộ cho là không khả thi thì tôi lại thấy nó khả thi nhất, phù hợp với nguyên tắc là xây dựng đường ở đâu thì đặt trạm BOT ở đó. Chủ đầu tư xây đường tránh thì phải đặt trạm ở đường tránh".
Theo ông, khi tiến hành phương án dời trạm thu phí về tuyến tránh, Nhà nước nên kiểm toán lại tiền doanh nghiệp đã chi để tu bổ quốc lộ 1 và trả lại cho họ.
"Dự án BOT Cai Lậy do Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể ký duyệt, nay ông là Bộ trưởng, vì vậy ông hiểu hơn ai hết và phải có phương án giải quyết hợp lý nhất", ông Dân nói.
Từ việc giải quyết vấn đề ở trạm BOT Cai Lậy, theo ông Dân, các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm trên toàn quốc, vì hiện có 8 trạm thu giá đặt trên tuyến chính thu giá hoàn vốn cho cả dự án đầu tư, nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh kiểu như dự án Cai Lậy.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng hiện còn quá sớm để đề xuất giải pháp cho công trình BOT Cai Lậy. "Chúng ta cần đơn vị tư vấn độc lập đánh giá toàn diện, thời gian có thể dài hơn 1-2 tháng, như vậy sẽ khách quan hơn giao cho Bộ Giao thông", ông Long nói.
Theo một thành viên HĐQT Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư dự án), doanh nghiệp mong muốn Nhà nước mua lại dự án bằng vốn ngân sách, song điều này khó khả thi trong điều kiện vốn đầu tư hạ tầng hạn chế.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn đề nghị giữ nguyên trạm thu phí như hiện nay, có thể giảm phí thêm với xe nhóm 4, 5 (xe tải trọng lớn, container) để phương án tài chính của dự án được đảm bảo.
Với phương án khác dời trạm BOT sang tuyến tránh thì dự án phải thu phí đến 30 năm (hiện nay là 7 năm), lưu lượng xe ít trên tuyến tránh sẽ khiến dự án thất thu phí, gây nợ xấu cho ngân hàng.
"Doanh nghiệp dự án đang phải trả ngân hàng lãi vay và chi phí vận hành tuyến đường khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng. Nếu không đảm bảo thu phí thì hợp đồng ba bên nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp bị phá vỡ. Có thể các bên phải đưa nhau ra tòa để giải quyết", vị này nói.
Theo Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông, trong cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 4/12, Bộ đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy. Kịch bản thứ nhất, vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông. Ví dụ có chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích. Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Theo ông Đông, kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến thời gian thu phí. "Theo tính toán thì phương án này không khả thi vì thời gian hoàn vốn không đúng như cam kết của hiệp định vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng", ông Đông nói. Còn kịch bản thứ ba, Bộ đưa ra là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này. |