Chiều 3/1, tài xế Nguyễn Minh Nghĩa (trú Vĩnh Long) cùng một số người ngồi trên xe bán tải đi trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc – Nam.
Khi đến Trạm BOT Tam Kỳ (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành), tài xế dừng xe và hỏi nhân viên "ở đây thu phí gì", được trả lời "thu phí đường bộ" thì tài xế không đồng ý và cho rằng xe anh đã đóng loại phí này.
Sau đó, khi nhân viên trạm vé giải thích "đây là thu phí dịch vụ", những người ngồi trên xe dẫn quy định về việc khoảng cách đặt các trạm BOT tối thiểu là 70 km, trong khi trạm gần nhất ở phía Bắc đến vị trí BOT Tam Kỳ này chỉ hơn 50 km.

Người ở Trạm BOT Tam Kỳ ra giải thích những thắc mắc của tài xế Nghĩa và những người ngồi trên xe. Ảnh: Đắc Thành.
Với lý lẽ trên, tài xế yêu cầu gặp người đứng đầu trạm thu phí để "hỏi cho rõ". Một người ở trạm thu phí với thái độ nhã nhặn đã trao đổi với các tài xế là "vị trí đặt trạm được Nhà nước đồng ý". Người này nói thêm, doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường và thu phí để hoàn vốn, "mong tài xế thông cảm vì sợ xe đứng lâu sẽ ùn tắc giao thông".

Dòng xe ùn ứ kéo dài khoảng 100 m trước trạm BOT Tam Kỳ. Ảnh: Đắc Thành.
Sau hơn 40 phút đỗ xe ở trạm vé, tài xế đã trả tiền phí 35.100 đồng gồm tiền giấy mệnh giá nhỏ và tiền xu; nhân viên trạm BOT Tam Kỳ đã chuẩn bị sẵn và trả lại 100 đồng cho tài xế.
Sự việc khiến trạm BOT Tam Kỳ ùn ứ dòng xe dài gần 100 m, các nhân viên đã phải ra phân luồng, dựng biển hướng dẫn xe không vào làn mà tài xế Nghĩa đang dừng lại.
Khi CSGT tỉnh Quảng Nam đến hiện trường cũng là lúc tài xế Nghĩa lái xe đi; các phương tiện qua trạm Tam Kỳ trở lại bình thường.
Ba hôm trước, tài xế Nghĩa và nhóm bạn cũng dùng tiền lẻ mua vé qua Trạm BOT Cầu Rác (xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Sau khi kiểm đếm, nhân viên bán vé thông báo tài xế mới đưa 34.600 đồng, còn thiếu 400 đồng.
Anh Nghĩa đưa thêm một đồng tiền xu mệnh giá 500 đồng song bị từ chối giao dịch với lý do "tiền này đã bị cấm lưu hành". Nữ nhân viên trả lại tiền cho tài xế rồi đóng cửa buồng thu phí.
Công an huyện Cẩm Xuyên sau đó đã mời chủ phương tiện cùng nhân viên trong ca trực bán vé tới trụ sở; hiện nhà chức trách chưa thông tin về kết quả làm việc.
Trong ngày 1/1, tài xế Nghĩa cùng nhóm bạn tiếp tục hành trình vào Nam.
Tháng 2/2016, Trạm BOT Tam Kỳ đi vào hoạt động và cách trạm trước đó về phía Bắc 53 km. Tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị dời đúng khoảng cách nhưng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nếu đặt đúng khoảng cách 70 Km thì giữa trạm thu phí này với trạm thu phí trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (về phía Nam) quá ngắn, chỉ có 38 km, nên tỉnh Quảng Ngãi không đồng ý. Đầu tháng 10/2017, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với chủ đầu tư là Cienco5, Tổng cục Đường bộ và thống nhất có hai hình thức là miễn 100% và 50% mức phí cho người dân địa phương tuỳ theo khoảng cách; giảm giá chung cho tất cả các phương tiện từ 5.000 - 10.000 đồng tương ứng với từng nhóm phương tiện. |