Chiều 7/1, ông Đỗ Minh Kha chạy ôtô mang biển số xanh của Hội chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau từ Cần Thơ về Cà Mau. Khi đến trạm BOT Sóc Trăng (xã An Hiệp, huyện Châu Thành), tài xế Kha không chịu mua vé qua trạm, đồng thời rời ôtô đến tranh luận với nhân viên thu phí.
Ông cho rằng xe mình có gắn tem đóng phí bảo trì đường bộ, nên việc đóng phí qua trạm là điều vô lý. "Trạm thu phí 'đẻ' ra ngày càng nhiều, vậy tại sao Cục đăng kiểm đường bộ không trả tiền cho chủ đầu tư BOT mà bắt người dân phải trả", tài xế Kha phản ứng.
Sau hơn 10 phút tranh cãi, đại diện BOT Sóc Trăng đã mời tài xế này về trụ sở làm việc, rồi cho xe qua trạm mà không thu phí.
Cùng dừng ôtô phản ứng, còn có nhiều tài xế khác. Họ đậu xe cả 6 làn thu phí từ hướng Sóc Trăng đi Cần Thơ và ngược lại, khiến giao thông ách tắc cục bộ, kéo dài gần 200 m. BOT Sóc Trăng phải xả trạm lần hai.
Trước đó, trong buổi sáng, sau gần một giờ bị giới tài xế đồng loạt dừng xe phản ứng việc thu phí, trạm này cũng phải xả cửa cho xe qua miễn phí.
Theo lãnh đạo BOT Sóc Trăng, việc xả trạm khi lượng xe ùn ứ chưa nhiều là chủ trương hàng đầu của Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng (chủ đầu tư), để cho giao thông trên quốc lộ 1 được thông suốt, và sẽ thu lại khi tình hình ổn định.
Dự án mở rộng quốc lộ 1 và xây dựng tuyến tránh TP Sóc Trăng dài hơn 16 km, đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, khởi công năm 2015. Trong đó, đoạn mở rộng quốc lộ dài gần 9 km, đoạn tuyến tránh dài hơn 7 km. Trạm bắt đầu thu phí hồi tháng 6/2017, mức giá thấp nhất 25.000 đồng và cao nhất 140.000 đồng, thời gian thu hơn 18 năm.
Sau nửa năm thu phí, lãnh đạo nhà đầu tư cho rằng doanh nghiệp đang lỗ mỗi ngày khoảng 100 triệu đồng vì tiền bán vé không đủ đóng lãi và chi phí quản lý.
Cách trạm này gần 60 km, BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp những ngày qua cũng trở thành "điểm nóng" khi các tài xế liên tục dàn ôtô phản đối thu phí, gây tê liệt quốc lộ 1. Chủ đầu tư đã nhiều lần xả trạm, TP Cần Thơ cũng đề xuất Bộ Giao thông miễn giảm phí xe qua trạm.
Phúc Hưng