Nằm trên địa phận miền Trung, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km, tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm tải cho quốc lộ 1 và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Khởi công vào năm 2013, cao tốc từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ dài 65 km sử dụng vốn vay của JICA (khoảng 798 triệu USD) đã thông xe, đưa vào khai thác từ tháng 8/2017. Còn 74 km cao tốc từ Tam Kỳ đi Quảng Ngãi sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới khoảng 590 triệu USD đang hoàn thiện những hạng mục cuối.
Theo đại diện chủ đầu tư, dự kiến trước 30/7, các hạng mục trên tuyến chính sẽ hoàn thành, đảm bảo điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác. Còn lại, một số nút giao trên tuyến, trong đó có nút giao Dung Quất sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9/2018.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi khai thác toàn tuyến sẽ rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn hơn một giờ, so với hơn ba giờ khi lưu thông trên tuyến quốc lộ 1 từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi như hiện nay.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mở rộng 6 làn
Tại cửa ngõ phía nam thủ đô Hà Nội, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang bước vào giai đoạn thi công nước rút để đưa quy mô công trình từ 4 làn xe lên 6 làn xe cao tốc.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, tồn tại lớn nhất là trên tuyến chính còn 4 vị trí vướng mặt bằng dài khoảng 1,4 km. Trong đó, gói thầu 12 còn 2 điểm đất thổ cư chưa được giải tỏa và gói thầu 13 còn tồn tại hai vị trí chưa thể triển khai thi công.
Dự kiến, cuối tháng 12, toàn bộ tuyến chính của dự án với 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường gom của dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.
Dự án mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thành 6 làn xe với tổng mức đầu tư lên đến 4.737 tỷ đồng theo hình thức BOT.
Cầu Bạch Đằng rút ngắn gần 2 giờ lưu thông Hà Nội đến Hạ Long
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, khi cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng hoàn thành, quãng đường Hà Nội - Hạ Long rút ngắn từ 180 km xuống còn 130 km, Hải Phòng - Hạ Long từ 75 km xuống còn 25 km; giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Hạ Long từ hơn 3 giờ xuống còn gần 2 giờ.
Dự án cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng dài 26 km, đến nay khối lượng thi công đạt khoảng hơn 93%, cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, đảm bảo điều kiện để thông xe trong quý 3.
Đại diện chủ đầu tư cầu Bạch Đằng cho biết, cầu này được hợp long vào cuối tháng 4. Hiện nhà thầu tiến hành căng chỉnh dự ứng lực của hệ thống dây văng cầu chính, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/7.
Nằm trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu bắc qua sông Bạch Đằng, bắt đầu từ phường Đông Hải 2 (quận Hải An, Hải Phòng) đến xã Liên Vị (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Cầu dài 3,5 km, đường dẫn 1,9 km, rộng 25 m, có 4 làn xe, vận tốc thiết kế tối đa 100 km/h.
Sân bay Vân Đồn
Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngoài dự án cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng, trên địa bàn tỉnh còn có sân bay Vân Đồn dự kiến hoàn thành trong tháng 10. Hiện sân bay đã hoàn thành các hạng mục xây dựng cơ bản và nhà thầu đang lắp đặt thiết bị, dự kiến hoàn tất trong tháng 8.
Sân bay Vân Đồn xây dựng đường băng dài 3,6 km, 2 sân quay đầu, đường lăn nối với sân đỗ; nhà ga được thiết kế 2 tầng có công suất 2,5 triệu hành khách mỗi năm, vị trí đỗ tối thiểu 6 máy bay. Đến năm 2030, sân bay sẽ nâng số chỗ đỗ lên 12 máy bay, hoàn chỉnh đầu tư nhà ga thứ 2 có công suất 2,5 triệu hành khách, nâng tổng công suất sân bay lên 5 triệu hành khách mỗi năm.
Tổng mức đầu tư của dự án là 7.500 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) phân kỳ làm 3 giai đoạn. Giai đoạn một đang được xây dựng với mức đầu tư 3.900 tỷ đồng. Đây là dự án sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư theo hình thức BOT.
Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử trong tháng 8
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến nay đã đạt khoảng 72% tổng giá trị xây lắp, trong đó, phần hạ tầng chạy tàu khoảng 95% và phần lắp đặt thiết bị khoảng 50-60%.
Các nhà thầu đang tập trung lắp đặt thiết bị, thi công hoàn thiện phần kiến trúc các nhà ga và khu depot.
Bộ trưởng Giao thông kiểm tra tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Dự án đã chính thức đóng điện mạng ngoài ngày 15/6 và phấn đấu chạy thử tàu trong tháng 8. Trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, tàu điện được chạy thử không tải để căn chỉnh tổng hợp trên tuyến đường sắt. Tùy thuộc vào kết quả chạy thử, cơ quan chức năng sẽ quyết định thời điểm đưa tàu vào khai thác thương mại.
Dự kiến cuối năm 2018 dự án sẽ chính thức khai thác thương mại.