Sáng 28/4, tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư tổ chức hợp long cầu Bạch Đằng, sau hơn 3 năm thi công.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp do chính kỹ sư, công nhân Việt Nam thi công. Cây cầu không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn kết nối đôi bờ sông Bạch Đằng lịch sử.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho hay, khi làm việc với giới chuyên môn nước ngoài, họ rất nghi ngờ năng lực của kỹ sư Việt Nam. Nhưng với cầu Bạch Đằng, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy con người Việt Nam có thể làm được những công trình lớn và phức tạp.
Theo ông Chính, khi xây dựng cầu Bạch Đằng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phải nghiên cứu rất kỹ làm sao vừa đảm bảo thông thủy cho tàu trọng tải lớn, vừa không ảnh hưởng đến sân bay Vân Đồn.
Nằm trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu bắc qua sông Bạch Đằng, bắt đầu từ phường Đông Hải 2 (quận Hải An, Hải Phòng) đến xã Liên Vị (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Cầu dài 3,5 km, đường dẫn 1,9 km, rộng 25 m, có 4 làn xe, vận tốc thiết kế tối đa 100 km/h.
Cầu Bạch Đằng có kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8. Ba trụ tháp cầu là ba chữ H, biểu tượng kết nối ba thành phố kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long (Quảng Ninh).
Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn 7.277 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Ninh 488 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ).
Khởi công từ tháng 1/2015, công trình dự kiến hoàn thành trước 30/6/2018. Khi cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi vào sử dụng, quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội được rút ngắn 50 km, xuống còn 130 km; từ Hạ Long đi Hải Phòng chỉ còn 25 km thay vì 75 km như hiện nay.