Ngày 25/10, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp nghe Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được tổ chức.
Phó thủ tướng đánh giá việc nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị và định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được phê duyệt. Ông đã giao Bộ Giao thông tổ chức thêm các diễn đàn, hội thảo để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp thêm ý kiến về dự án, lựa chọn kịch bản, công nghệ phát triển và phương án tổ chức khai thác...
Bộ giao thông cần yêu cầu Tư vấn thu thập thêm kinh nghiệm của các nước đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam để có sự so sánh, đánh giá.
Bộ Giao thông được giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, đặc biệt cho các dự án giao thông lớn như đường bộ cao tốc, cảng hàng không, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có... để làm rõ khả năng cân đối nguồn lực đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao, làm cơ sở trình các cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công thương được Chính phủ giao đánh giá xu thế phát triển công nghệ về đường sắt trên thế giới và nghiên cứu khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng như quy hoạch mạng lưới cung cấp điện dọc tuyến để đáp ứng nhu cầu vận hành dự án. Các bộ cần có giải pháp về chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực để hỗ trợ quá trình phát triển đường sắt tốc độ cao.
Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, toàn tuyến dài hơn 1.545 km, tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 58 tỷ USD. Trong đó hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM được đầu tư trước, phân kỳ trong 10 năm (2020-2030) với tổng vốn hơn 24 tỷ USD.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến được xây dựng mới, khổ đường 1.435 mm, đường đôi, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu; trong đó 60% đi trên cầu đường bộ, 10% qua hầm, 30% đi trên mặt đất được rào chắn không giao cắt.
Theo nghiên cứu của Tư vấn, vào năm 2030, tất cả phương thức vận tải, ngoại trừ đường bộ, không thể đáp ứng nhu cầu nếu không có phương thức vận tải mới được đưa vào sử dụng.