Vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) chiều 18/3 gây tranh cãi về sự đúng sai giữa hai tài xế, cũng như quyền ưu tiên của xe cứu hộ khi chạy trên cao tốc.
"Xe cứu hỏa đi ngược chiều vào cao tốc từ lối rẽ là tự sát"
TS Phan Lê Bình (giảng viên Kỹ thuật Hạ tầng, Đại học Việt Nhật) cho rằng việc xác định nguyên nhân tai nạn sẽ do cơ quan chức năng thực hiện, nhưng qua video từ camera giao thông có thể thấy lỗi phần nhiều thuộc về xe cứu hỏa.
Ông Bình phân tích, xe cứu hỏa được phép đi ngược chiều. Tuy nhiên, trong tình huống này, tài xế đã không hiểu thấu đáo về rủi ro khi chạy trên cao tốc. Khi lưu thông với tốc độ 90-100 km/h, sau khi đạp phanh gấp, xe khách cần hàng trăm mét mới có thể dừng. Và từ khi nhận ra nguy hiểm cho đến khi đạp phanh phải mất vài giây. Với tốc độ cao, xe đã tiến hàng trăm mét trong khoảng thời gian đó.
"Cho dù xe cứu hỏa hú còi và nháy đèn ưu tiên, nhưng xe khách phải nhận ra chướng ngại vật một khoảng cách đủ xa, khoảng 300-400m, thì may ra mới có thể đảm bảo an toàn được. Trong vụ này, khoảng cách hai xe quá gần, chỉ hơn 10m", TS Bình nói.
Lái xe khách kể lại thời điểm tai nạn.
TS Bình cho rằng việc xe cứu hỏa đi vào cao tốc từ lối ra là hành vi tự sát. Vì các đường cong tại lối ra có tầm nhìn rất hạn chế. Nếu xe cứu hỏa không gặp tai nạn khi đi trên lối ra của cao tốc là hoàn toàn do may mắn.
"Về phía lái xe khách, qua xem video hiện trường, tôi cho rằng anh này hoàn toàn không đủ thời gian để nhận biết và không thể kịp có thao tác để tránh tai nạn", TS Phan Lê Bình nói.
TS Trần Hữu Minh, Phó văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng có thể lái xe cứu hỏa đã bị sức ép về thời gian mà quyết định đi ngược chiều trên cao tốc, gây nguy hiểm cho chính mình và nhiều người khác.
Xe cứu hỏa thực hiện quyền ưu tiên trên cao tốc, nhưng phải theo quy trình chặt chẽ và an toàn, như đi ngược chiều thì phải có cảnh báo, phân luồng dòng giao thông... để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người thực thi công vụ.
"Việc dành quyền ưu tiên cho xe cứu hỏa là hợp lý, song chúng ta phải tập trung xem các bước thực hiện đã an toàn chưa", TS Minh nói.
Có nên bỏ quy định xe ưu tiên được đi ngược chiều trên cao tốc?
Theo một chuyên gia từ Hội An toàn giao thông, xét về Luật Giao thông đường bộ thì hai xe không có lỗi. Xe cứu hỏa được đi ngược chiều do quyền ưu tiên, còn xe khách đi đúng làn, đúng tốc độ. Tuy nhiên, thực tế việc xe ưu tiên đi ngược chiều trên cao tốc rất nguy hiểm. Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sắp tới cần bỏ quy định xe cứu nạn được đi ngược chiều trên cao tốc.
"Năm 2008 khi Luật Giao thông ra đời thì chưa có tuyến cao tốc nào nên các quy định chưa thể sát thực tế. Hiện nay, với sự phát triển kinh tế xã hội, đường cao tốc nhiều cũng như phương tiện gia tăng mạnh thì các quy định cần cập nhật, chỉnh sửa cho phù hợp. Bộ Giao thông cần lấy ý kiến sửa đổi nội dung này", chuyên gia đề nghị.
Theo ông, trên các tuyến cao tốc hiện có nhiều đoạn dải phân cách giữa được rào chắn (chỉ mở khi xử lý kỹ thuật) nên xe cứu nạn, cứu hỏa có thể chạy xuôi rồi đi tắt tại các điểm này để đến chỗ cứu nạn.
Hiện trường vụ tai nạn xe khách va chạm xe cứu hỏa.
TS Phan Lê Bình lại không đồng tình bỏ quy định cho xe ưu tiên đi ngược chiều cao tốc như trong Luật Giao thông đường bộ, song cần tập huấn và quán triệt cho tài xế xe ưu tiên về mức độ nguy hiểm. Đặc biệt, không cho phép lái xe cứu nạn đi vào lối ra của đường cao tốc; hoặc nếu đi vào từ lối ra thì phải có người hướng dẫn giao thông đóng lối ra mới cho xe ưu tiên đi vào.
Ở Nhật, những trường hợp khẩn cấp xe ưu tiên được phép đi ngược chiều trên cao tốc, nhưng chỉ áp dụng ở những đoạn không có dải phân cách cứng, xe có thể lách đi ngược chiều. Nếu buộc phải sử dụng làn ngược chiều, họ có thể đóng đường, đảm bảo an toàn rồi mới cho đi vào.
Theo ông Bình, các nước thường sử dụng làn khẩn cấp để tiếp cận hiện trường tai nạn, song ở Việt Nam làn này thường bị lấn chiếm khi tai nạn, ùn tắc. Giả sử trong vụ vừa qua, các tài xế không dừng trên làn khẩn cấp thì xe cứu hỏa đã có thể dùng làn đó đến hiện trường và không xảy ra thêm tai nạn.
TS Phạm Hữu Minh cũng cho rằng, các nước vẫn ưu tiên cho phương tiện cứu hộ nên không cần thiết phải sửa Luật Giao thông đường bộ về nội dung này. Thay vào đó, cần hoàn thiện quy trình và thường xuyên tập huấn, diễn tập cứu hộ trên cao tốc cho lực lượng chức năng.
"Quyền ưu tiên cho xe cứu nạn là phổ biến trên thế giới. Thay vì việc giới hạn, điều chỉnh thì chúng ta phải có các biện pháp đảm bảo quyền ưu tiên của lực lượng chức năng", TS Minh nói.
Chiều 18/3, xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 12 cùng 7 chiến sĩ nhận nhiệm vụ lên đường cứu hộ hai nạn nhân bị mắc kẹt trên xe khách 16 chỗ, gặp nạn ở km203 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội). Thời điểm đó trên cao tốc có 3 vụ tai nạn, hàng chục km đường bị ùn tắc. Rời trung tâm huyện Thường Tín, xe cứu hỏa chạy ra ngã ba nút giao gần trạm thu phí huyện, hú còi xin đường để chạy ngược chiều vào cao tốc. Khi vừa chuyển sang làn cao tốc, xe cứu hỏa bị xe khách giường nằm đâm ngang hông trái. 6 chiến sĩ bị thương, trong đó 3 người bị thương nặng, một người tử vong. 5 người trên xe khách phải nhập viện, gồm cả lái và phụ xe. Tài xế xe khách Đỗ Hùng Mạnh cho rằng trời mưa, đường trơn, tầm nhìn hạn chế, xe cứu hỏa lao nhanh từ đường nhánh ra và chạy ngược chiều, khoảng cách hai xe chỉ hơn 10m nên không xử lý kịp. Xe khách chạy với tốc độ 87 km/h. Tài xế xe cứu hỏa phân trần nhận được chỉ đạo của chỉ huy là đi ngược chiều, khi gặp xe khách "đã cố gắng đánh lái để tránh, nhưng không kịp". Công an huyện Thường Tín đã chuyển hồ sơ vụ tai nạn lên Phòng hình sự (PC45 - Công an TP Hà Nội) để làm rõ nguyên nhân. Xe khách và xe cứu hỏa đã được đưa về bãi giữ của Công an huyện Thường Tín để khám nghiệm. |