Sau đợt mưa lớn từ ngày 5/10, mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện nhiều vị trí bị bong tróc, ổ gà. Trong đó, đoạn qua Km 47 Đà Nẵng - Tam Kỳ có 5 ổ gà giữa làn đường, điểm lõm lớn nhất rộng khoảng 30 cm, dài 50 cm, sâu 5 cm.
Ở hướng ngược lại, đoạn qua Km 45 Tam Kỳ - Đà Nẵng mặt đường bị bong tróc tạo thành 4 ổ gà, điểm lõm lớn nhất dài hơn 2 m, rộng gần 40 cm, sâu 10 cm và đều nằm giữa làn đường.
Tương tự, đoạn từ km 27 đến km 29 cũng có một số ổ gà nằm rải rác, chiều dài 10-20 cm. "Ổ gà xuất hiện cách đây mấy ngày, do đây là đường cao tốc nên rất nguy hiểm, nếu xử lý không kịp dễ xảy ra tai nạn", một tài xế nói.
Ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC) cho biết đoạn đường trên được đưa vào sử dụng cách đây hơn một năm.
"Do mưa lớn nên một số vị trí bị trũng nước, xe tải trọng lớn đi qua khiến bong bật lớp bê tông nhựa tạo nhám", ông Thành cho biết nguyên nhân và giải thích lớp nhựa này chỉ khoảng 3 cm, khi thi công không yêu cầu lu, chỉ dán vào nên rất dễ bị bong tróc.
Theo ông, tuyến đường trên mới thông tuyến nhưng lưu lượng xe tải nặng đi qua nhiều, trong khi đó VEC chưa triển khai được cân tải trọng phương tiện. Đơn vị đang khắc phục các vết bong tróc để đảm bảo an toàn xe lưu thông, "nếu thời tiết thuận lợi thì xong trong hôm nay 9/10, còn một số điểm đang theo dõi và sẽ khắc phục triệt để trước ngày 20/10".
Lãnh đạo VEC cũng cho biết, vì các vị trí trên chỉ bị bong tróc lớp 3 cm, nên với bánh xe bề rộng 25 cm thì "chỉ gây giật mình cho tài xế chứ không ảnh hướng đến thăng bằng xe". Trường hợp xuất hiện các hố bong tróc lớn, VEC sẽ lắp bảng hạn chế tốc độ, tổ chức thu hẹp làn đường.
Ông Thành bác bỏ nguyên nhân dẫn đến tuyến đường có nhiều điểm bị bong tróc, ổ gà là do chất lượng thi công không đảm bảo. "Nếu vấn đề nằm ở chất lượng thi công thì sẽ bị nhiều vị trí, còn đây chỉ cục bộ", ông nói.
Trước hiện tượng trên, kỹ sư Trần Dân (Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng) cho rằng tuyến cao tốc vừa đưa vào sử dụng hơn năm đã xuất hiện "ổ gà" là điều khó chấp nhận. Các tài xế đang phải bỏ tiền trả phí qua tuyến đường này là những người chịu thiệt, vì không thể chạy đúng tốc độ thiết kế 120 km mỗi giờ và tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Nêu quan điểm cá nhân, ông Dân cho rằng cách sửa như chủ đầu tư đang áp dụng là "vá" ở các điểm bong tróc. "Để sửa đúng thì phải dùng máy cắt mặt đường những khu vực bị sụt lún cho vuông vức, lu làn lại nền đường bên dưới rồi mới làm lớp cấp phối, dùng lu tay lèn lại một lần nữa mới trải nhựa và lu mặt phẳng phía trên cho bằng phẳng", ông Dân góp ý.
Theo kỹ sư này, chủ đầu tư nên tổ chức đoàn đi kiểm tra toàn tuyến, tìm nguyên nhân để có cách khắc phục đúng. Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cần sớm vào cuộc để xem xét quá trình thi công cao tốc theo đúng quy định.
Tháng 5/2013, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được khởi công, với chiều dài 131 km. Điểm đầu là thị trấn Túy Loan (Hòa Vang, Đà Nẵng), điểm cuối tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Tổng vốn đầu tư toàn tuyến cao tốc hơn 34.500 tỷ đồng. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ 120 km mỗi giờ; quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường hơn 24 m.
Đầu tháng 8/2017, giai đoạn 1 dài 65 km từ nút giao Túy Loan (Đà Nẵng) đến nút giao Tam Kỳ (Quảng Nam) đã thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác. Đầu tháng 9/2018, giai đoạn 2 từ Tam Kỳ đến Quảng Ngãi dài 74 km được khánh thành. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở miền Trung.