Chiều 18/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trao đổi với báo chí xung quanh một số dự án BOT là điểm "nóng" trong thời gian qua.
Chưa có phương án cho BOT Cai Lậy
Ông Thể cho biết, tháng 11/2017, sau khi được Thủ tướng yêu cầu báo cáo phương án cho BOT Cai Lậy, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu và có báo cáo Chính phủ. Nhưng phương án đến thời điểm này phải tổng thể nên Chính phủ giao Bộ và các bộ ngành rà soát để Thủ tướng có kết luận.
"Chúng tôi chưa thể cung cấp phương án nào vì cái nào cũng có tác động. Chúng ta cần chờ một thời gian nữa để Chính phủ xem xét, kết luận", ông Thể nói.
Về các quyết định, hợp đồng liên quan BOT Cai Lậy, ông Thể cam đoan: "Với trách nhiệm là người trực tiếp ký hợp đồng BOT Cai Lậy, tôi khẳng định không có tư túi, lợi ích nhóm trong dự án, không bẻ cong sự thật".
Theo người đứng đầu ngành giao thông, các cơ quan Kiểm toán, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, thanh tra đã vào cuộc với các dự án, trong đó có BOT Cai Lậy, nên cần chờ kết luận của các cơ quan này.
Ông Thể cũng nhiều lần khẳng định Bộ Giao thông sẽ xử lý nghiêm những người làm sai, vi phạm quy định tại các dự án BOT. "Nếu ai thấy cá nhân nào, trong đó cả tôi, tư túi một cái gì hãy phản ánh. Ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm", ông Thể nói.
Xử lý nghiêm những người gây rối
Theo Cục trưởng Cảnh sát giao thông đường bộ Trần Sơn Hà, hiện có 24 dự án BOT gặp vấn đề về an ninh trật tự. Thủ tướng vừa có công điện yêu cầu các ngành và địa phương xử lý nghiêm những người đi qua các trạm có hành vi manh động như phá barie ở Sóc Trăng, chặn xe...
Bộ Công an sẽ trích xuất camera, người nào cầm đầu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm, không để hình thành điểm "nóng" tại các trạm BOT.
Về việc này, Bộ trưởng Giao thông cũng cho hay, Tổng cục Đường bộ đã có thông tin một số người, đơn vị cố tình lái xe qua lại gây rối ở một số trạm BOT. Những trạm này đều có camera giám sát. Khi địa phương, công an có yêu cầu chủ đầu tư sẽ cung cấp thông tin, hình ảnh lái xe.
7 bộ ngành, địa phương phối hợp trong các dự án BOT
Bộ trưởng Giao thông nhiều lần nhấn mạnh, BOT là chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn chế, cần huy động nguồn vốn xã hội hóa làm giao thông.
Trước năm 2017, khi chưa có nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ vẫn cho cải tạo mở rộng trên các tuyến đường hiện hữu. Việc thực hiện dự án BOT đều phải xin ý kiến của Chính phủ. Các dự án triển khai đều phải có sự phối hợp tới 7 bộ ngành và địa phương.
"Một số địa phương gần đây có văn bản xin dời trạm, tuy nhiên, Bộ Giao thông không đủ thẩm quyền vì chúng tôi cũng chỉ là một trong các bên nên sẽ báo cáo Chính phủ tính toán. Trách nhiệm như thế nào Chính phủ sẽ cho kết luận", ông Thể nói.
Về những dự án mà người dân đã phản ứng (thực hiện BOT các đường độc đạo), Bộ trưởng Giao thông khẳng định không thể hồi tố vì thời điểm đó các quy định của Nhà nước cho phép thực hiện. Từ tháng 10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có nghị quyết chỉ rõ không làm dự án BOT trên đường cũ.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông đã rà soát giảm giá cho nhiều loại xe và người dân địa phương tại 51 trong tổng số 55 trạm BOT, đẩy nhanh quyết toán dự án BOT, thanh kiểm tra các dự án để đảm bảo không sai sót, khuất tất. Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai thu phí tự động để minh bạch thu phí.